Mô đun 8: PHỐI HỢP VỚI CÁC LỰC LƯỢNG HỖ TRỢ TRẺ ĐIẾC (2)

Mô đun 8: PHỐI HỢP VỚI CÁC LỰC LƯỢNG HỖ TRỢ TRẺ ĐIẾC (2)

(Tổng số 20 tiết: 10 tiết lý thuyết – 10 tiết thực hành)

Bài 2: Phối hợp với nhà trường/Trung tâm

I. Mục tiêu: Sau khi học xong bài này, học viên có khả năng:

  • Mô tả được đầy đủ các nhiệm vụ của HDVNĐ, nhà trường trong việc tham gia giáo dục trẻ điếc.
  • Liệt kề được và nắm vững những việc HDVNĐ/nhà trường cần làm để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ điếc.

II. Thời gian: 7 tiết (Lý thuyết: 5 tiết – Thực hành: 2 tiết)

III. Phương tiện đồ dùng dạy học:

  • Projecter, giấy trong, giấy A4, A0, băng keo, kéo.

IV. Nội dung kiến thức:

4.1. Những việc cần làm của HDVNĐ/nhà trường trong việc tham gia giáo dục trẻ điếc.

Hoạt động 1: Tìm hiểu về nhiệm vụ của HDVNĐ trong việc tham gia giáo dục trẻ điếc.

  • Theo bạn HDVNĐ/nhà trường có nhiệm vụ gì trong việc tham gia giáo dục trẻ điếc?
  • Thảo luận nhóm: 4-6 người.

Thông tin phản hồi cho hoạt động 1

  • Luôn giữ thái độ bình tĩnh,thân thiện,và chuyên nghiệp
  • Luôn giữ giao tiếp phù hợp
  • Sẵn sàng lắng nghe và có thái độ, suy nghĩ mở
  • Luôn cố gắng thấu hiểu sự than phiền hoặc mối quan tâm của phụ huynh
  • Trước tiên cần nhấn mạnh tất cả các mặt tích cực và các kết quả giáo dục
  • Xác định cụ thể các mối quan tâm và tập trung vào điều gì là tốt nhất cho trẻ. Chia sẻ hồ sơ về trẻ nhằm hỗ trợ các mối quan tâm ấy.
  • Đưa ra những sự giúp đỡ và lời khuyên rõ ràng.Giúp bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ đề ra những mục tiêu phù hợp cho trẻ.
  • Tuân thủ nghiêm chính sách của trường.
  • Hiểu trẻ, thói quen học tập, và tính khí của trẻ
  • Luôn sẵn có các hồ sơ hoàn thiện và số liệu thu thập
  • Tạo ra và sử dụng các kênh giao tiếp
  • Làm việc với sự say mê và tôn trọng cao nhất dành cho trẻ
  • Có thái độ tôn trọng, không thành kiến với phụ huynh, coi họ như các đối tác

Hoạt động 2:Tìm hiểu nhiệm vụ của HDVNĐ/nhà trường thu hút sự tham gia, phối hợp của cha mẹ có trẻ điếc.

  • Theo bạn HDVNĐ/nhà trường có nhiệm vụ gì để thu hút sự tham gia giáo dục trẻ điếc?
  • Thảo luận nhóm: 4 ng­­ười.

Thông tin phản hồi cho hoạt động 2

Để tạo sự tin tưởng và thu hút sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ của lớp và của nhà trường, HDVNĐ cần phải:

Lắng nghe ý kiến của cha mẹ trẻ, chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh. Sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ các kiến thức chăm sóc – giáo dục trẻ ở trường bằng nhiều hình thức khác nhau như: Họp phụ huynh, bảng thông báo, góc trao đổi với phụ huynh… Ví dụ: Trước ngày tiếp nhận trẻ vào trường, cần có những hướng dẫn cho bố mẹ, giới thiệu những hoạt động trong ngày ở trường của HDVNĐ và của trẻ. Tìm hiểu trẻ về môi trường sống của trẻ, sở thích, khả năng, nhu cầu, phương tiện giao tiếp thành thạo của trẻ,…

Nếu trẻ lần đầu tiên đến lớp, cô giáo cần trao đổi cụ thể về chế độ sinh hoạt của trẻ ở trường, nắm bắt những thông tin, đặc điểm của trẻ, cho bố mẹ làm quen trẻ với lớp, với các bạn và cô giáo. Thời gian đầu có thể cho bố mẹ vào lớp chơi cùng trẻ, đón trẻ về sớm, có thể cho trẻ mang theo đến lớp những đồ chơi ưu thích mà trẻ thường chơi ở nhà để tránh sự hụt hẫng ban đầu.

Liên lạc thường xuyên với gia đình để tìm hiểu sinh hoạt của trẻ ở gia đình, thông tin cho cha mẹ trẻ biết về tình hình của trẻ ở lớp, những thay đổi của trẻ nếu có để kịp thời có biện pháp tác động chăm sóc – giáo dục phù hợp.

Cần thống nhất với các bậc cha mẹ về nội quy, các hình thức và biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong từng giai đoạn và cả năm học.

Trong quá trình phối hợp với các bậc cha mẹ, HDVNĐ cần căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để có hình thức phối hợp phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.

Trong khi lập kế hoạch của chủ đề, kế hoạch tuần, HDVNĐ cần phải đưa nội dung phối hợp với gia đình vào kế hoạch, cần nêu những yêu cầu cụ thể về vấn đề cần phối hợp với gia đình để thực hiện chủ đề đó. Ví dụ: Từ ngày….đến ngày…..cần: ở nhà, phụ huynh đọc cho trẻ nghe thơ, truyện về gia đình, cô giáo,…; Phụ huynh tạo điều kiện cho trẻ củng cố, phát triển giao tiếp, kí hiệu, và các kĩ năng khác.

4.2. Phương pháp và hình thức phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ điếc

Hoạt động 1: Tìm hiểu sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong vấn đề chăm sóc – giáo dục trẻ điếc

  • Theo bạn những hoạt động cần thiết để phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ điếc?
  • Thảo luận nhóm: 4 người

Thông tin phản hồi cho hoạt động 1

Nhà trường, HDVNĐ cần cung cấp hoặc giới thiệu cho các bậc cha mẹ biết các mốc phát triển của trẻ bình thường, của trẻ điếc (sự giống và khác nhau), những vấn đề cần lưu ý trong sự phát triển của trẻ để có thể hỗ trợ trẻ điếc tốt nhất.

Gia đình nên cho trẻ đến học lớp mẫu giáo hòa nhập để tạo cơ hội cho trẻ được giao tiếp với những người xung quanh. Bố mẹ nên cùng HDVNĐ giúp đỡ trẻ khắc phục những thói quen không tốt. Đa số trẻ điếc nói riêng có khả năng thích nghi, phát triển tốt nếu được phát hiện sớm và có biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non phụ thuộc nhiều vào sự tham gia đóng góp của gia đình trẻ. Vì vậy, trong quá trình giáo dục, nhà trường và HDVNĐ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú để tạo điều kiện cho công tác chăm sóc – giáo dục trẻ có hiệu quả.

Hoạt động 2:Tìm hiểu hình thức phối hợp của nhà trường với gia đình khi tham gia giáo dục trẻ điếc

  • Theo bạn những hình thức nào tốt nhất để tạo nên sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ điếc?
  • Thảo luận nhóm: 5 ng­­ười.

Thông tin phản hồi cho hoạt động 2

  • Thông tin tuyên truyền tới phụ huynh các kiến thức chăm sóc – giáo dục trẻ hoặc thông báo về nội dung hoạt động, các yêu cầu của nhà trường đối với gia đình, hoặc những nội dung mà gia đình cần phối hợp với cô giáo trong việc thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.
  • Trao đổi thường xuyên, hằng ngày trong các giờ đón, trả trẻ.
  • Tổ chức họp phụ huynh định kì (3 lần/1 năm) để thông báo cho gia đình những công việc, thảo luận về các hình thức phối hợp giữa gia đình và nhà trường (họp đầu năm) hoặc kết hợp phổ biến kiến thức chăm sóc – giáo dục trẻ cho cha mẹ.
  • Tổ chức những buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ điếc theo chuyên đề: phát triển khả năng nghe, khả năng phát âm/nói tiếng Việt, nhận thức, giao tiếp,… cho trẻ điếc.
  • Thông qua các đợt kiểm tra sức khỏe, phương tiện hỗ trợ nghe,…
  • Cán bộ, HDVNĐ đến thăm trẻ tại nhà.
  • Hòm thư cha mẹ có con khiếm thính.
  • Phụ huynh tham quan hoạt động của trường mầm non.
  • Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Hoạt động 3:Thực hành phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong giáo dục trẻ điếc

  • Tổ chức nhóm 4-6 người thực hành sắm vai
  • Trao đổi với với cha mẹ trẻ, nhà trường để lập kế hoạch hỗ trợ cho trẻ điếc?
  • Vận động cộng đồng ủng hộ trẻ điếc được tham gia các hoạt động sinh hoạt vui chơi tập thể của khu vực làng xã
  • Đến thăm gia đình trẻ điếc để tìm hiểu năng lực sử dụng KHNN của cha mẹ, người thân của trẻ và tư vấn cho họ để phát triển năng lực này.
  • Trao đổi với cha mẹ, HDVNĐ của trẻ qua tin nhắn, sổ liên lạc, thư điện tử,…

Yêu cầu học viên:

  • Những vấn đề cần làm của bản thân để phối hợp với nhà trường/HDVNĐ
  • Lập kế hoạch hỗ trợ HDVNĐ trong giáo dục trẻ điếc.
  • Tổ chức một cuộc trò chuyện với HDVNĐ, phụ huynh và cộng đồng trong giáo dục trẻ điếc.

Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc