Mô đun 5: GIÁO DỤC MẦM NON (3)
(Tổng số 60 tiết: 30 tiết lý thuyết – 30 tiết thực hành)
Bài 3: Đồ chơi trong giáo dục trẻ điếc
1. Mục tiêu: Sau khi học xong học viên có khả năng:
– Trình bày được khái niệm đồ chơi.
– Hiểu và trình bày được vai trò của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ.
2. Thời gian: 17 tiết (Lý thuyết: 5 tiết – Thực hành: 12 tiết)
III. Phương tiện, đồ dùng dạy học
IV. Nội dung:
4.1. Đồ dùng, đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ (10 tiết)
Hoạt động 1. Tìm hiểu khái niệm đồ chơi, đặc điểm của đồ chơi
- Anh/chị hãy nêu ý hiểu của mình về đồ chơi và nêu đặc điểm của đồ chơi?
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1
Đồ chơi là đồ vật đặc biệt dùng trong khi chơi, là phương tiện để chơi. Đó là vật thay thế cho đồ vật thật, mô phỏng đồ vật thật nên nó giúp trẻ thực hiện những hành động chơi tương ứng với hành động sử dụng vật dụng của người lớn trong sinh hoạt hằng ngày.
Đồ chơi thể hiện tính chất điển hình của đồ vật, của người và động vật.
Chính hình dáng tổng quát của đồ chơi giúp trẻ có thể tái tạo và thể hiện những hành động tương ứng với đồ vật ấy.
Đồ chơi thường mang bản sắc dân tộc vì nó phản ánh sinh hoạt xã hội, lao động, phong tục tập quán… có ý nghĩa phản ánh nền văn hóa của mỗi dân tộc.
Đồ chơi dù có khác nhau về thể loại, về vật liệu chế tạo, về kỹ thuật sản xuất, về công dụng theo lứa tuổi, về ý nghĩa giáo dục… thì vẫn không hoàn toàn giống với đồ vật thật mà chỉ mô tả một cách ước lệ và khái quát những vật dụng trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt hằng ngày của xã hội người lớn.
Nhờ tính ước lệ và khái quát của đồ chơi mà nó trở nên linh hoạt, năng động, phong phú về chức năng sử dụng vào các trò chơi. Điều đó có nghĩa, trẻ có thể sử dụng đồ chơi vào nhiều trò khác nhau và thao tác tự do với nó.
Hoạt động 2. Tìm hiểu ý nghĩa, vai trò của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ
- Nêu ý nghĩa, vai trò của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ điếc
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2
Đồ chơi giúp cho trẻ thực hiện được các trò chơi, mà trò chơi chính là đời sống của trẻ thơ.
Đồ chơi như người bạn thân thiết đối với trẻ.
Đồ chơi giúp trẻ tạo ra hoàn cảnh chơi, nhập vào vai chơi, thực hiện và phối hợp những hành động chơi.
Đồ chơi giúp trẻ quen dần với thế giới đồ vật xung quanh.
Đồ cơi giúp trẻ nắm được đặc điểm của các đồ vật khác nhau, biết công dụng và phương thức sử dụng chúng.
Thông qua đồ chơi hình thành ở trẻ hứng thú với khoa học kỹ thuật, phát triển ở trẻ tính ham hiểu biết và năng lực trí tuệ.
Đồ chơi giúp trẻ tìm tòi, khám phá thêm nhiều hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp trẻ phán đoán, suy luận trong những hành động thực tiễn mà tình huống chơi đặt ra.
Đồ chơi đáp ứng tính tích cực vận động, giúp trẻ thực hiện những vận động khỏe khoắn, mềm dẻo, khóe léo, nâng cao sức khỏe và những tố chất thể lực.
Đồ chơi khơi gọi ở trẻ những xúc cảm thẩm mỹ, trí thông minh, tính hài hước, thị hiếu thẩm mỹ.
Đồ chơi làm cho trẻ vui vẻ, sung sướng, khơi gợi ở trẻ mối quan hệ tích cực với môi trường xung quanh, tình thân ái đối với bạn bè, quan tâm tới mọi người, thể nghiệm được những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
Đồ chơi còn phát triển ở trẻ nhiều chức năng tâm lý như thị giác, thính giác, sự tập trung chú ý, phát triển những cử động nắm bắt và nhiều cử động khác đối với đồ vật … đó là nấc thang đầu tiên để sau này trẻ có được những hành vi của con người.
4.2. Hướng dẫn làm và sử dụng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ (5 tiết)
Hoạt động 1: Tìm hiểu cách phân loại đồ chơi
- Tìm hiểu các loại đồ chơi của trẻ ở trường MN
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1
Loại đồ chơi mang tính hình tượng
Là loại đồ chơi mang tính mô phỏng con người và những gì trong cuộc sống thực, gồm những đồ chơi giống với con người, động vật, thực vật và đồ vật có trong cuộc sống hằng ngày, những công cụ lao động sản xuất … Loại đồ chơi này thường được dùng trong các trò chơi đóng mai theo chủ đề.
Loại đồ chơi kỹ thuật
Là loại đồ chơi giúp trẻ làm quen với những đồ vật mang tính kỹ thuật máy móc, các phương tiện sinh hoạt. Cũng như những đồ chơi khác, đồ chơi kỹ thuật mang tính ước lệ, nó chỉ mô phỏng lại chức năng chung của máy móc kỹ thuật một cách đơn giản. Đồ chơi kỹ thuật bao gồm những đồ chơi mô phỏng các loại phương tiện giao thông vận tải có hoặc không có gắn động cơ nhưng đều thể hiện tính chất và công dụng của chúng.
Đồ chơi kỹ thuật dành cho trẻ có cấu tạo đơn giản, dễ điều khiển, dễ sử dụng nhưng vẫn phải đáp ứng khả năng phản ánh chức năng cơ bản của những đồ vật mang tính kỹ thuật như: ô tô thì có bánh xe quay được, tay lái quay đi quay lại được, cửa mở được…
Loại đồ chơi vật liệu lắp ghép xây dựng cơ bản
Loại đồ chơi các hình học:gồm các miếng gỗ hay nhựa hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật… và các hình khối theo các hình hình học đó giúp trẻ có thể xếp được thành các hình khối khác nhau tùy theo yêu cầu của trò chơi (ví dụ: ngôi nhà, bông hoa…)
Loại đồ chơi dùng những vật liệu xây dựng – kiến trúc:như mái nhà, vòm nhà, cánh cửa, hang rào… ngoài ra còn có them nhựng vật liệu mang tính hình hình học cơ bản, đôi khi còn thêm một số chi tiết hoa văn hay uốn lượn. Những vật liệu xây dựng được chế tạo theo những hình dáng khác nhau, kích thước khác nhau, màu sắc khác nhau để trẻ dùng vào trò chơi xây dựng một cách thuận tiện.
Đồ chơi vận động
Là những dụng cụ thể dục thể thao có màu sắc tươi tắn, hình thù ngộ nghĩnh, kích thước nhỏ giúp trẻ sử dụng vào những trò chơi vận động như: quả bóng, chiếc vòng, sợi dây… Đồ chơi vận động bao gồm cả những đồ chơi ngoài trời như cầu trượt, bập bênh, đu quay…giúp trẻ vận động và chơi những trò chơi ngoài trời.
Loại đồ chơi mang tính hài hước vui nhộn
Như mặt nạ, những ông hề nhào lộn…Những đồ chơi này tạo cho trẻ những giây phút thư giãn, giải trí bởi những dáng vẻ ngộ nghĩnh, hài hước, hành động bất ngờ khác thường. Đồ chơi hài hước vui nhộn thường được dùng trong các trò chơi đóng kịch hay múa rối.
Loại đồ chơi âm nhạc
Đây là loại đồ chơi phát âm thanh như lục lạc, kèn, mõ… Những đồ chơi này cũng có thể là những nhạc cụ đơn giản giúp trẻ làm quen với âm nhạc. Ngoài ra còn có đồ chơi phát ra tiếng kêu của những con vật như chim hót, gà gáy, chó sủa… Những đồ chơi này thường hấp dẫn trẻ bởi những âm thanh lạ lùng, kỳ diệu của thiên nhiên và cuộc sống xung quanh.
Đồ chơi dân gian
Thực ra đây không phải là một loại đồ chơi riêng biết mà nói chính xác hơn thì đó là những đồ chơi mang tính dân tộc có trong nhân dân, dân tộc nào cũng có những đồ chơi mang bản sắc độc đáo của dân tộc mình, do đó được gọi là đồ chơi dân gian. Những đồ chơi này có liên quan chặt chẽ với nghệ thuật dân gian, chúng thường có màu sắc sặc sỡ, sinh động, ngộ nghĩnh, vui nhộn như: búp bê bằng gỗ, những con giống bằng đất nặn…
Vật liệu chơi
Ngoài những loại đồ chơi kể trên, còn có những vật liệu chơi phù hợp với những trò chơi của trẻ như hột hạt, vỏ ốc, vỏ sò, những viên đá, hộp giấy, giấy báo cũ, vỏ lon bia… để trẻ “xây” hàng rào, ao cá, để trẻ trang trí cho “công trình” xây dựng của mình…
Hoạt động 2. Yêu cầu đối với đồ chơi của trẻ điếc
- Hãy nêu những yêu yêu cầu đối với đồ dùng đồ chơi của trẻ?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Đồ chơi phải mang ý nghĩa giáo dục. Không nhất thiết phải là đồ chơi đắt tiền, điều quan trọng là nó có mang ý nghĩa giáo dục không. Chẳng hạn nó có giúp trẻ mô phỏng được những hành động, việc làm của người lớn hay không; có mang lại niềm vui cho trẻ trong khi chơi hay không; có gợi cho trẻ xúc cảm thẩm mỹ, trí thông minh hay không.Vấn đề kích cỡ của đồ chơi cũng cần được quan tâm. Độ lớn của đồ chơi phải hợp lý để mô phỏng thành công hành động, việc làm của người lớn.
Đồ chơi phải phản ánh được những thuộc tính đặc trưng của vật thật. Bởi lẽ, đồ chơi là vật thay thế cho vật thật giúp trẻ thực hiện được những hành động chơi tương ứng với hành động sử dụng của người lớn trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu đồ chơi không phản ánh được những thuộc tính cơ bản của vật thật, thì một mặt trẻ không thực hiện được những hành động chơi tương ứng với vật thật mà nó mô phỏng, mặt khác nó không có tác dụng củng cố biểu tượng về vật dụng mà trẻ đã biết.
Đồ chơi phải hấp dẫn trẻ. Màu sắc sặc sỡ, hình thù đẹp mắt, tùy thuộc vào trò chơi, chủ đề chơi, đồ chơi có thể di chuyển được, có thể phát ra âm thanh, ánh sáng…
Đồ chơi phải đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ. Trong khi chơi trẻ có thể ngậm, thổi, thực hiện những động tác vận động…Do vậy đồ chơi phải sạch, không gây độc hại, không sắc nhọn dễ gây thương tích cho trẻ.
Đồ chơi phải đáp ứng mục tiêu giáo dục.Đồ chơi phải phù hợp với mục tiêu giáo dục đề ra, đáp ứng được nội dung giáo dục mà mục tiêu hướng tới. Ví dụ: mục tiêu giáo dục là hình thành ở trẻ biểu tượng về đồ dùng vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày thì đồ chơi phải mô phỏng những đồ dùng ấy như: chén, bát, thìa, cốc…
Đồ chơi phải thỏa mãn được nhu cầu và ý muốn được hoạt động tích cực trong khi chơi của trẻ. Đồ chơi phải có độ bền nhất định, được làm bằng các vật liệu phù hợp, không dễ hư hỏng trong quá trình chơi của trẻ.
Hoạt động 3: Sử dụng đồ chơi đối với trẻ điếc
- Hãy nêu cách sử dụng đồ chơi hiệu quả đối với trẻ điếc
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
- Lựa chọn đồ chơi phù hợp với thể loại trò chơi, với lứa tuổi của trẻ.
- Dùng đồ chơi để khơi gợi, duy trì hứng thú của trẻ trong khi chơi.
- Đưa đồ chơi đúng lúc nhằm khích thích trẻ tích cực trong khi chơi.
- Thường xuyên đưa đồ chơi, vật liệu chơi mới.
- Có thể sử dụng đồ chơi tự tạo và khuyến khích trẻ, đặc biệt là trẻ mẫu giáo lớn tự làm đồ chơi để đáp ứng trò chơi của mình.
- Dạy trẻ biết bảo quản, giữ gìn, cất giữ đồ chơi đúng nơi quy định.
- Khi đưa đồ chơi mới cho trẻ, giáo viên cần chỉ cho trẻ thấy những đặc điểm và cách chơi với loại đồ chơi đó, gây hứng thú với đồ chơi và dẫn dắt trẻ vào trò chơi với đồ chơi mới.
- Luôn tạo những món quà bằng những đồ chơi để giúp trẻ được vui vẻ và hứng thú
Hoạt động 4. Thực hành thiết kế trò chơi và làm đồ chơi cho trẻ
Học viên thực hành theo nhóm (4 người), vận dụng những hiểu biết về các loại đồ chơi và những yêu cầu về đồ chơi của trẻ để thiết kế trò chơi và làm đồ chơi cho trẻ thực hiện trò chơi đã thiết kế
Kiểm tra cuối mô đun
- Thời gian kiểm tra:3 tiết – kiểm tra viết 1 tiết (là việc cá nhân); Kiểm tra vấn đáp 2 tiết: nghiên cứu tài liệu và nêu đặc điểm phát triển của trẻ ở một độ tuổi (thảo luận nhóm)
- Hình thứckiểm tra: Cá nhân (câu 2,3) và nhóm 4 – 5 người (câu 1)
- Nội dung kiểm tra
- Mỗi nhóm lựa chọn 1 độ tuổi, nghiên cứu tài liệu và chỉ ra những đặc điểm phát triển của từng trẻ đó
- Hãy nêu các phương pháp dạy học trẻ mầm non
- Nêu vai trò của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ điếc