Mô đun 5: GIÁO DỤC MẦM NON (2)
(Tổng số 60 tiết: 30 tiết lý thuyết – 30 tiết thực hành)
Bài 2: Tổ chức hoạt động học tập ở trường mầm non
I. Mục tiêu: Sau khi học xong học viên có khả năng:
- Trình bày được đặc điểm học tập của trẻ và đặc điểm hoạt động dạy – học ở trường mầm non.
- Trình bày được cácnhiệm vụ giáo dục trí tuệ trẻ từ 0 – 6 tuổi.
- Hiểu được các phương tiện giáo dục trí tuệ cho trẻ Mầm non.
- Trình bày được mục đích, ý nghĩa và các nhiệm vụ, nội dung dạy học cho trẻ từ 0 – 6 tuổi.
- Phân loại và sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp cho từng trẻ.
- Biết cách xây dựng nội dung dạy học theo chủ đề.
II. Thời gian: 20 tiết (Lý thuyết: 15 tiết – Thực hành: 5 tiết)
III. Phương tiện, đồ dùng dạy học
IV. Nội dung
4.1. Một số đặc điểm cơ bản
Hoạt động 1. Tìm hiểu đặc điểm học tập của trẻ
- Hãy nêu đặc điểm học tập của trẻ mầm non
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Sự phát triển của trẻ gồm nhiều lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với nhau và việc học xảy ra đồng thời trong các lĩnh vực: thể chất, nhận thức, tình cảm, xã hội. Sự phát triển của lĩnh vực này có ảnh hưởng đến lĩnh vực khác và tất cả các lĩnh vực đều phải được phát triển một cách đồng bộ theo quan điểm tích hợp.
Sự phát triển diễn ra theo các bước có thể dự đoán trước và việc học xảy ra theo các trình tự nhất định, trong đó có sự khác biệt ở từng cá nhân trẻ về tốc độ cũng như kiểu học của trẻ.
Sự phát triển và sự học của trẻ xảy ra liên tục, đó là kết quả quả của sự tương tác, giao tiếp qua lại giữa trẻ với môi trường tự nhiên và xã hội. Môi trường – có vai trò vô cùng quan trọng trong việc học của trẻ.
Trẻ nhận thức qua cảm nhận thực tế, trực tiếp từ những cảm giác, tri giác cụ thể với đồ vật, sự vật, hiện tượng. Tư duy của trẻ còn gắn liền với cảm xúc và ý muốn chủ quan.
Học và sự phát triển liên quan đến cấu trúc nhận thức của trẻ. Các kỹ năng nhận thức là cơ sở của cấu trúc nhận thức và các kỹ năng này sẽ được củng cố và phát triển nếu trẻ thường xuyên được thực hành, trải nghiệm trong các hoạt động.
Hoạt động học tập của trẻ không mang tính bắt buộc. Trẻ rất hiếu động, tò mò, ham muốn học hỏi, bắt chước, tìm hiểu về thế giới tự nhiên và xã hội… Vì vậy, trẻ “Học mà chơi, chơi mà học”. Các yếu tố học tập của trẻ chỉ là các dạng sơ khai, chưa rõ nét.
Việc học của trẻ được hiểu theo hai nghĩa:
- Nghĩa rộng: trẻ học mọi lúc, mọi nơi; trẻ tiếp thu kiến thức, kỹ năng qua các trò chơi, qua giao tiếp, qua các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày, qua sự trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh….
- Nghĩa hẹp: là học có chủ đích, học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, dưới sự gợi mở và điều khiển của giáo viên. Ở đây, trẻ là là chủ thể tích cực của hoạt động học tập.
Hoạt động học tập có kế hoạch theo chủ định của giáo viên giúp trẻ hệ thống hóa và chính xác hóa dần những biểu tượng mà chúng lĩnh hội được trong cuộc sống hàng ngày và trong các hoạt động tự do của trẻ tại trường mầm non.
Trẻ học qua việc sử dụng tất cả các giác quan, qua nhiều trải nghiệm phối hợp giữa các giác quan. Trẻ học mọi lúc mọi nơi, chúng tiếp thu kiến thức, kỹ năng chơi, qua trải nghiệm dựa vào sự tò mò, khám phá và tưởng tượng.
Ngôn ngữ và tư duy là phương tiện rất quan trọng cho việc học tập của trẻ. Nhờ có ngôn ngữ và tư duy trong quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh, trẻ lĩnh hội, tiếp thu được các kinh nghiệm, trẻ biết kết hợp các kiến thức mới vào vốn kiến thức đã có để làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình [1]
Hoạt động 2. Tìm hiểu Tìm hiểu đặc điểm học tập của trẻ
- Phân tích nhữngđặc điểm hoạt động dạy – học ở trường mầm non
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2
Khái niệm dạy học cho trẻ mẫu giáo
Dạy học cho trẻ mẫu giáo là hoạt động hợp tác dạy và học cùng nhau giữa giáo viên và trẻ, trong đó giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ khám phá thế giới xung quanh, còn trẻ đóng vai trò tích cực chiếm lĩnh kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc học tập sau này của mình.
Đặc điểm hoạt động dạy – học cho trẻ mẫu giáo ở trường MN
“Học” ở trẻ mẫu giáo là một hoạt động đặc biệt. Học là hoạt động độc lập của trẻ nhằm lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và phương thức hành động được diễn ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Mục tiêu dạy học ở trường mầm non là: giúp trẻ lĩnh được những tri thức sơ đẳng cần thiết, phát triển quá trình nhận thức, ngôn ngữ và một số kỹ năng của hoạt động học tập cần thiết, góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung của trẻ, giúp trẻ phát triển một cách hài hòa, hòa nhập dần vào cuộc sống và dễ dàng thích nghi với việc học tập ở bậc Tiểu học sau này.
Nội dung dạy học cho trẻ không phân chia theo từng bộ môn riêng lẻ, mà được thực hiện theo các chủ đề gần gũi với trẻ.
Hình thức dạy học được thực hiện thông qua các hoạt động trong lớp hoặc ngoài trời, theo cả tập thể, hay từng nhóm nhỏ, hoặc từng cá nhân.
Phương pháp dạy học cho trẻ hiệu quả và thường sử dụng nhiều nhất là:
+ Phương pháp trực quan
+ Phương pháp thực hành
+ Phương pháp sử dụng trò chơi
+ Phương pháp làm thí nghiệm đơn giản
+ Phương pháp dùng lời nói
+ Phương pháp tạo tình huống….
Những phương pháp này kích thích hứng thú nhận thức cũng như thúc đẩy hoạt động nhận thức và ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo [1]
4.2. Nhiệm vụ giáo dục trí tuệ cho trẻ từ 0 – 6 tuổi
Hoạt động 1. Tìm hiểu các nhiệm vụ giáo dục trí tuệ cho trẻ Nhà trẻ
- Hãy nêu các nhiệm vụ giáo dục trí tuệ cho trẻ Nhà trẻ
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1
Hình thành và phát triển khả năng phân biệt các tác động bên ngoài đối với trẻ – hình thành và phát triển cảm giác, tri giác, phát triển vận động cầm, nắm các đồ vật và các hành động với đồ vật.
Hình thành ở trẻ những biểu tượng sơ đẳng về đồ vật và hiện tượng xung quanh; cung cấp các biểu tượng khái quát; các chuẩn cảm giác và hành động khảo sát đồ vật.
Phát triển khả năng hiểu ngôn ngữ của người lớn; phát triển nhu cầu giao tiếp với người lớn; phát triển tình cảm, xúc cảm, quan hệ tích cực với người lớn và các hiện tượng xung quanh; phát triển ngôn ngữ tích cực: vốn từ, câu và năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Hình thành và phát triển các quá trình nhận thức cơ bản tư duy, trí nhớ … giáo dục tính độc lập, tích cực, hứng thú…[1]
Hoạt động 2. Tìm hiểu nhiệm vụ giáo dục trí tuệ cho trẻ Mẫu giáo
- Hãy nêu các nhiệm vụ giáo dục trí tuệ cho trẻ Mẫu giáo
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2
- Hình thành hệ thống các kiến thức về thế giới xung quanh cho trẻ (dưới dạng các biểu tượng cụ thể, riêng lẻ, khái quát, hệ thống)
Kiến thức về thế giới tự nhiên: Về đồ đạc, về tính chất, đặc điểm, tên gọi, công dụng, cấu tạo và nguyên vật liệu làm ra chúng, cũng như mối quan hệ giữa chúng.
Về tự nhiên: cây xanh, con vật: tên gọi, cấu tạo, đặc điểm sự lớn lên và phát triển, mối liên hệ giữa chúng…
Về xã hội: mọi người xung quanh, vị trí, quan hệ; lao động của người lớn; quy tắc chuẩn mực giao tiếp…
- Hình thành các kỹ năng, kỹ xảo hoạt động trí tuệ, phát triển các quá trình nhận thức
Hình thành và phát triển các quá trình nhận thức cảm tính, phát triển các thao tác trí tuệ cơ bản: phân tích, so sánh, khái quát, suy diễn…, phát triển tư duy trực quan hình ảnh, phát triển ngôn ngữ như là phương tiện để giao tiếp và tư duy.
Hình thành các thành tố hoạt động nhận thức – học tập: tính mục đích, trình tự thực hiện các hành động trí tuệ, nhận xét, đánh giá, so sánh kết quả với mục đích…
Hình thànhvà phát triển năng lực: độc lập, tích cực sang tạo trong hoạt động trí tuệ.
- Giáo dục hứng thú nhận thức, động cơ nhận thức và trí tò mò ham hiểu biết
Giáo dục nề nếp, thói quen, giáo dục ý chí trong hoạt động nhận thức – học tập [1]
4.3. Các phương tiện giáo dục trí tuệ cho trẻ Mầm non
Hoạt động 1. Tìm hiểu các điều kiện và biện pháp giáo dục trí tuệ cho trẻ Nhà trẻ
- Hãy nêu các điều kiện và biện pháp giáo dục trí tuệ cho trẻ Nhà trẻ
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1
* Điều kiện và phương tiện
- Giao tiếp tình cảm và giao tiếp công việc với người lớn.
- Tạo môi trường tiếp xúc cho trẻ: đồ vật, đồ chơi, dụng cụ dạy học …
- Tổ chức các hoạt động của trẻ: giờ chơi – tập có mục đích phát triển trí tuệ, dạo chơi có mục đích, các hoạt động tự lực của trẻ …
* Các biện pháp giáo dục
- Khơi gợi, giao tiếp, tạo sự chú ý của trẻ.
- Thực hiện mẫu và cùng hoạt động với trẻ.
- Cho trẻ thực hiện các bài tập luyện tập để làm quen; nhận biết phân biệt; phân nhóm, gọi tên…
- Tổ chức các hoạt động cá nhân cho trẻ trong các giờ chơi tự do [1]
Hoạt động 2.
- Phân tích các phương tiện giáo dục trí tuệ cho trẻ Mẫu giáo
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2
* Giáo dục trí tuệ trong hoạt động vui chơi
Giáo dục trí tuệ trong các trò chơi như: đóng vai theo chủ đề, trò chơi học tập, trò chơi xây lắp, trò chơi đóng kịch…
Vai trò của trò chơi đối với việc giáo dục trí tuệ cho trẻ:
- Ôn luyện, củng cố, làm phong phú kiến thức, các biểu tượng và kỹ năng của trẻ đối với đồ vật và hiện tượng xung quanh, cũng như mối liên hệ giữa chúng.
- Rèn luyện các thao tác trí tuệ, phát triển các thao tác so sánh, phân biệt, khái quát …
- Phát triển tính kế hoạch của tư duy, thúc đẩy phát triển trí tưởng tượng, trí nhớ, chú ý có chủ định, năng lực tự kiểm tra, đánh giá, phát triển tính độc lập, sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để nhận thức…
* Giáo dục trí tuệ trong hoạt động tạo hình
Giáo dục trí tuệ trong các hoạt động: vẽ, nặn, cắt, dán…
Vai trò của hoạt động tạo hình trong sự phát triển trí tuệ của trẻ:
- Mở rộng và củng cố các biểu tượng cảm tính về vật và mối quan hệ với chúng qua màu sắc, hình dạng, cấu tạo và bố cục.
- Củng cố khả năng tự vận dụng các thao tác khảo sát, kỹ năng quan sát vật; phát triển các thao tác so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát và thực hiện thứ tự các thao tác kế hoạch hóa….
- Phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo độc lập của trẻ, động cơ, hứng thú học tập…
* Giáo dục trí tuệ trong hoạt động lao động
Thông qua việc tổ chức cho trẻ làm quen với lao động của người lớn, lao động tự phục vụ trong sinh hoạt, lao động với thiên nhiên, nhằm:
- Cung cấp và mở rộng các kiến thức, kỹ năng về sử dụng đồ vật, các chất liệu làm ra sản phẩm, các kiến thức về quy trình tạo ra sản phẩm…
- Hình thành động cơm hứng thú nhận thức; phát triển các quá trình nhận thức; phát triển tính kế hoạch, óc quan sát, phê phán; khả năng độc lập, hoạt động cùng nhau và sáng tạo của trẻ.
* Dạy học là phương tiện cơ bản trong giáo dục trí tuệ cho trẻ
Dạy học giải quyết trọn vẹn tất cả các nhiệm vụ giáo dục trí tuệ.
Giáo viên chủ động và là người tổ chức điều khiển quá trình nhận thức, quá trình phát triển trí tuệ của trẻ.
Thực hiện tốt nhiệm vụ chuẩn bị cho trẻ vào trường Phổ thông.
* Cuộc sống xung quanh
Môi trường xung quanh vừa là phương tiện giáo dục trí tuệ quan trọng cho trẻ, vừa là nguồn gốc kiến thức và phát triển các kỹ năng nhận thức năng lực sáng tạo của trẻ [1]
4.4. Dạy học cho trẻ từ 0 – 6 tuổi
Hoạt động 1. Tìm hiểu về quá trình dạy học
- Hãy nêu những hiểu biết của anh/chị về quá trình dạy học
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1
Khái niệm và bản chất của quá trình dạy học
Khái niệm:quá trình dạy học là một bộ phận của quá trình giáo dục toàn vẹn, là tác động qua lại có chủ đích và được thay đổi một cách có trình tự giữa giáo viên và trẻ, nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập của trẻ.
Bản chất của quá trình dạy học: là quá trình nhận thức của trẻ được diễn ra trong những hoạt động, điều kiện, môi trường sư phạm đặc biệt.
a). Đặc điểm của quá trình dạy học
Trong quátrình dạy học, giáo viên và trẻ có tác động qua lại với nhau. Giáo viên là người tổ chức, quản lý quá trình nhận thức tích cực sáng tạo của trẻ trong điều kiện sư phạm nhất định.
Để giữ vai trò chủ đạo của mình, giáo viên tác động đến trẻ không chỉ bằng tấm gương đạo đức, nhân cách của mình, mà bằng cả hoạt động tổ chức quản lý quá trình nhận thức của trẻ.
b). Chức năng nhiệm vụ của dạy học
Chức năng nhiệm vụ giáo dưỡng của dạy học:trang bị cho trẻ một hệ thống tri thức tiền khoa học và những kỹ năng kỹ xảo nhất định.
Chức năng nhiệm vụ giáo dục của dạy học:hình thành cho trẻ những tư tưởng, quan điểm, niềm tin, ý thức; hình thành hành vi, thái độ, động cơ, nhu cầu và những nét tính cách, phẩm chất của con người.
Chức năng nhiệm vụ phát triển của dạy học:phát triển các năng lực chung và riêng, những như: năng lực cảm xúc vận động, trí tuệ, ý chí, động cơ, năng lực sáng tạo…[1]
Hoạt động 2. Tìm hiểu nhiệm vụ, nội dung dạy học cho trẻ 0 – 6 tuổi
- Hãy nêu nhiệm vụ, nội dung dạy học cho trẻ 0 – 6 tuổi
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2
a). Nhiệm vụ dạy học cho trẻ
Cung cấpnhững biểu tượng riêng lẻ và hệ thống hiện thực xung quanh; giúp trẻ định hướng trong không gian, trong mội trường xung quanh; chuẩn bị cho trẻ lĩnh hội các tri thức khoa học ở các cấp học sau.
Hình thành ở trẻ những kỹ năng kỹ xảo cảm giác vận động, sử dụng đồ vật, đồ chơi và các hoạt động tạo hình, âm nhạc…
Hình thành ở trẻ những kỹ năng kỹ xảo nhận thức, các hoạt động trí tuệ, ngôn ngữ và học tập.
Giáo dục và phát triển hứng thú, động cơ học tập, năng lực nhận thức. tình cảm ý chí và các phẩm chất tâm lý cá nhân phù hợp với trẻ.
b). Nội dung dạy học cho trẻ từ 0 – 6 tuổi
Về kiến thức
Trẻ Nhà trẻ:biểu tượng về các đồ vật, hiện tượng gần gũi xung quanh trẻ, tên gọi và nhận biết được những tính chất chung, riêng lẻ của sự vật, hiện tượng.
Trẻ Mẫu giáo: các đặc điểm đặc trưng của sự vật, hiện tượng, đồ vật…, những kiến thức mang tính khái quát, hệ thống, tính chất, đặc điểm và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng …
Về các kỹ năng nhận thức
Trẻ Nhà trẻ và Mẫu giáo bé:các hoạt động nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác) để nhận biết, gọi tên, phân biệt các đồ vật, hiện tượng xung quanh.
Trẻ Mẫu giáo nhỡ và Mẫu giáo lớn:tiếp tục nhận thức các hoạt động cảm tính, lĩnh hội các hoạt động khảo sát, phân loại, so sánh, khái quát. Hình thành các kỹ năng tiếp nhận và tự xác định các nhiệm vụ nhận thức, biết tự tìm kiếm và vận dụng các biện pháp nhận thức cảm tính, phân biệt các dấu hiệu bản chất để khái quát đối tượng nhận thức, trình bày ngôn ngữ mạch lạc.
Về các kỹ năng học tập chung
Mẫu giáo bé: biết hành động theo lời hướng dẫn của giáo viên; biết thực hiện và tiếp nhận lời chỉ dẫn…
Mẫu giáo nhỡ: biết tiếp nhận nhiệm vụ; hiểu nội dung nhiệm vụ học tập; biết tiếp nhận và ghi nhớ các biện pháp thực hiện nhiệm vụ học tập.
Mẫu giáo lớn: biết kiểm tra các hoạt động của bản thân sau khi giải quyết các nhiệm vụ học tập;biết đánh giá kết quả học tập, hoạt động của mình và của bạn so với yêu cầu, nhiệm vụ học tập; ngôn ngữ rõ ràng, chính xác, mạch lạc; tập trung, chú ý và thực hiện các nội quy học tập [1]
4.5. Các phương pháp dạy học cho trẻ
Hoạt động 1. Tìm hiểu các phương pháp dạy học trẻ mầm non
- Hãy nêu các phương pháp dạy học trẻ mầm non
- Thảo luận nhóm: 2 nhóm
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1
* Căn cứ vào nguồn gốc và đặc điểm tiếp nhận thông tin:
– Phương pháp, biện pháp trực quan
– Phương pháp, biện pháp thực hành
– Phương pháp, biện pháp lời nói
* Căn cứ vào các nhiệm vụ giáo dục cơ bản trong các giai đoạn dạy học:
– Phương pháp tiếp thu tri thức
– Phương pháp hình thành kỹ năng kỹ xảo
– Phương pháp vận dụng, ứng dụng tri thức
– Phương pháp củng cố và kiểm tra
* Căn cứ vào kiểu tiếp cận hoạt động một cách toàn vẹn:
– Phương pháp tổ chức thực hiện hoạt động nhận thức
– Phương pháp kích thích hoạt động nhận thức
– Phương pháp kiểm tra, tự kiểm tra kết quả nhận thức
* Các phương pháp, biện pháp tổ chức hoạt động nhận thức cho trẻ mầm non:
– Phương pháp, biện pháp trực quan
– Phương pháp, biện pháp thực hành
– Phương pháp, biện pháp lời nói
Hoạt động 2. Tìm hiểu tổ chức, hướng dẫn thực hiện các phương pháp dạy học cho trẻ mầm non
- Hãy nêu cách tổ chức, hướng dẫn thực hiện các phương pháp dạy học cho trẻ mầm non
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2
a). Phương pháp, biện pháp trực quan
Phương pháp quan sát
Các loại quan sát:
- Quan sát tìm hiểu, nhận biết
- Quan sát sự thay đổi, sự lớn lên và sự phát triển
- Quan sát tái tạo
Tổ chức hướng dẫn quan sát:
Bước 1: Tổ chức cho trẻ tri giác đối tượng 1 cách tổng quát
Ở bước này, giáo viên cần cho trẻ quan sát đối tượng một cách tự do, tự nhiên, tạo cho trẻ ấn tượng mạnh đối với đối tượng cần quan sát, sau đó đặt câu hỏi, giới thiệu về đối tượng, gợi ý cho trẻ quan sát đối tượng kỹ hơn.
Bước 2: Tổ chức cho trẻ tri giác đối tượng 1 cách chi tiết
Hướng dẫn trẻ quan sát từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, từ đầu đến đuôi…sau đó tri giác các vận động, đặc điểm thói quen, cách sử dụng… Có thể cho trẻ so sánh tính chất, đặc điểm của đối tượng quan sát với các đối tượng khác đã biết. Có thể làm mẫu cho trẻ lĩnh hội và sử dụng các biện pháp khảo sát. Đặt câu hỏi, yêu cầu dẫn dắt cho trẻ tri giác, khám phá. Giải thích cho trẻ lĩnh hội các đặc điểm, tính chất của đối tượng và lĩnh hội các từ ngữ mới. Luôn tạo hứng thú cho trẻ nhận thức.
Bước 3: Tổ chức cho trẻ tri giác khái quát đối tượng
Trên cơ sở các tính chất, đặc điểm chi tiết của đối tượng mà trẻ đã tri giác 1 cách trọn vẹn và phân biệt đối tượng quan sát với đối tượng khác.
Phương pháp xem tranh
* Các loại tranh, ảnh sử dụng trong dạy học cho trẻ
- Tranh về các đồ vật, con vật
- Tranh chủ đề phản ánh mối quan hệ các đồ vật, hiện tượng và các sự kiện
- Tranh về con người, hành động, sinh hoạt và mối quan hệ giữa họ
- Tranh về lao động, sản xuất…
* Tổ chức hướng dẫn trẻ xem tranh
- Quy trình hướng dẫn trẻ xem tranh như quy trình hướng dẫn cho trẻ quan sát.
- Cần lưu ý sử dụng tranh đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp nhiệm vụ nội dung giáo dưỡng. Kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu nhận thức với mục đích phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Phương pháp xem phim
* Các loại phim sử dụng trong dạy học cho trẻ
- Phim đèn chiếu, phim nhựa được sản xuất phục vụ cho nhiệm vụ dạy học.
- Phim về phong cảnh, đồ vật, con vật, theo chủ đề, các hoạt động trong xã hội và sinh hoạt …
* Tổ chức hướng dẫn trẻ xem phim
Bước 1: Chuẩn bị cho trẻ lĩnh hội phim
Giáo viên tổ chức trò chuyện, đàm thoại với trẻ về những sự kiện, hiện tượng, chủ đề mà bộ phim sẽ đề cập đến.
Tìm hiểu và ghi nhớ cho trẻ những kinh nghiệm mà trẻ đã có liên quan tới nội dung phim; tạo hứng thú, định hướng cho trẻ tới nhiệm vụ nhận thức khi xem phim.
Bước 2: Tổ chức chiếu phim cho trẻ xem lần 1 và tìm hiểu, trao đổi những ấn tượng về bộ phim
Giáo viên sử dụng các câu hỏi, lời giải thích giúp trẻ nắm sơ bộchủ đề, nhân vật, các sự kiện…
Chú ý, ở bước này chưa yêu cầu trẻ kể lại, tường thuật lại nội dung.
Bước 3: Chiếu lại phim cho trẻ xem
Thực hiện 3 – 4 ngày sau khi cho trẻ xem phim lần 1.
Trò chuyện, dẫn dắt trẻ chú ý đến những nội dung trọng tâm, nội dung mà trẻ chưa lĩnh hội ở bước 2.
Có thể thực hiện lại nhiều lần.
Bước 4: Ghi nhớ
Cho trẻ kể lại, tường thuật lại nội dung của bộ phim sau khi đã xem nhiều lần và đã lĩnh hội một cách đầy đủ.
Phương pháp làm mẫu
* Các loại hành động thực hiện mẫu trong dạy học
- Các kỹ năng kỹ xảo thao tác của hành động, hành vi
- Các kỹ năng thực hành và nhận thức
* Tổ chức hướng dẫn trẻ thực hiện mẫu
Bước 1: Tổ chức cho trẻ lĩnh hội các kỹ năng
- Giáo viên trình bày mẫu để giúp trẻ lĩnh hội các hành động thực hành.
- Kết hợp các biện pháp như: làm mẫu trọn vẹn hoặc làm mẫu từng phần khó; giải thích, hướng dẫn cho trẻ cách làm, nhấn mạnh trình tự, quy trình thực hiện các hành động và các yêu cầu khi thực hiện hành động.
Bước 2: Kiểm tra việc lĩnh hội mẫu, lĩnh hội các kỹ năng của trẻ
- Chọn 1 – 2 trẻ có trình độ nhận thức trung bình lên làm thử, sau đó tùy vào kết quả kiểm tra này để điều chỉnh hoạt động dạy tiếp sau đó: làm lại toàn bộ mẫu hoặc làm lại những phần khó mà trẻ chưa lĩnh hội được; hoặc chỉ dẫn bằng lời, nhắc nhở…
Bước 3: Luyện tập củng cố các kỹ năng
- Sử dụng các bài tập.
- Tổ chức theo nhóm hoặc cá nhân.
- Giáo viên đưa ra các yêu cầu, bài tập, theo dõi và nhắc nhở, hướng dẫn cá nhân.
b). Phương pháp, biện pháp thực hành
Phương pháp luyện tập
* Các loại bài tập luyện tập
- Dựa vào mức độ tích cực sáng tạo của trẻ:
- Bài tập bắt chước
- Bài tập tái tạo
- Bài tập sáng tạo
- Dựa vào nội dung bài tập:
- Bài tập đơn nội dung
- Bài tập đa nội dung
- Dựa vào các hành động:
- Bài tập hành động với đồ vật
- Bài tập khái quát, bài tập lời nói
*Hướng dẫn sử dụng phương pháp luyện tập
Bước 1:
- Ghi nhớ, làm tích cực hóa các tri thức mà trẻ đã lĩnh hội.
- Biện pháp sử dụng: câu hỏi, mẫu cháu chỉ dẫn bằng lời, sử dụng các phương tiện trực quan, bài tập bắt chước…
Bước 2:
- Tổ chức điều khiển trẻ tự luyện tập bằng hệ thống các bài tập từ dễ đến khó, từ tái tạo đến sáng tạo…
- Kết hợp các biện pháp: giảng giải, chỉ dẫn cách thực hiện bài tập, quan sát bao quát, luyện tập cá nhân…
Bước 3:
- Củng cố khái quát bằng lời các kiến thức, kỹ năng vừa luyện tập.
Phương phápsử dụng trò chơi
* Các loại trò chơi
- Trò chơi có luật
- Trò chơi sáng tạo
* Hướng dẫn tổ chức
- Quy trình tổ chức như phương pháp luyện tập, chỉ khác là các bài tập luyện tập được sử dụng bằng hệ thống các trò chơi.
- Cần lựa chọn kỹ các trò chơi, các thành phần cấu trúc trò chơi cần phù hợp với phương pháp dạy học.
- Cần làm quen trẻ với luật chơi và đảm bảo giữ đúng luật trong quá trình chơi – luyện tập – học tập.
- Cần kết hợp với các biện pháp khác.
Phương pháp làm thí nghiệm đơn giản
* Các loại thí nghiệm
- Làmbật những đặc điểm, dấu hiệu, tính chất của đối tượng cụ thể.
- Tìm những mối liên hệ giữa các hiện tượng, đối tượng và nguyên nhân, bản chất của chúng.
* Hướng dẫn tổ chức
Bước 1:Đặt nhiệm vụ, vấn đề thí nghiệm
Giáo viên hoặc trẻ nêu vấn đề, đưa ra những thắc mắc…
Bước 2:Đưa ra các giả thuyết để tiến hành thí nghiệm
Đàm thoại với trẻ tìm ra những điều chưa biết, chưa hiểu; cùng nêu giả định; trao đổi về cách thức tổ chức thí nghiệm…
Bước 3:Tiến hành thí nghiệm
Giáo viên thực hiện thí nghiệm và tạo điều kiện cho trẻ tham gia quan sát, tìm ra sự thay đổi, cho trẻ tham gia vào tổ chức thí nghiệm kết hợp sử dụng tranh ảnh, mô hình, họa đồ…cho trẻ ghi chép, đánh dấu lại các hiện tượng xảy ra của thí nghiệm.
Bước 4:Kết luận, nhận xét, phân tích
Sử dụng câu hỏi gợi nhớ lại nhiệm vụ, vấn đề thí nghiệm, các điều kiện tác động, cách thức tiến hành. So sánh kết quả thu nhận với giả thuyết đã nêu ban đầu. Cuối cùng đưa ra ý kiến nhận xét, kết luận, tổng kết.
c). Phương pháp, biện pháp lời nói
Phương pháp kể chuyện
* Các loại chuyện kể
- Chuyện kể của giáo viên
- Chuyện kể của trẻ
* Tổ chức thực hiện kể chuyện
Bước 1: Chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm
- Giúp trẻ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để dễ dàng lĩnh hội nội dung câu chuyện kể.
- Có thể lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau để giúp trẻ tích lũy kinh nghiệm, hiểu nội dụng câu chuyện: tổ chức cho trẻ quan sát, xem tranh ảnh, trò chuyện với trẻ, giải thích…
Bước 2: Thực hiện kể chuyện
- Sử dụng kết hợp các biện pháp biểu cảm, diễn cảm, ngữ điệu giọng kể…
- Kết hợp tranh, ảnh, giáo cụ trực quan, trò chuyện, giải thích, giảng giải, lôi cuốn trẻ vào nội dung câu chuyện, kích thích trẻ nghe…
Bước 3: Cho trẻ kể lại
- Cho trẻ kể câu chuyện hoặc kể lại theo tranh.
- Kể lại từng phần hoặc kể lại toàn bộ câu chuyện.
- Giáo viên hỗ trợ khi trẻ kể lại bằng cách đặt câu hỏi theo hệ thống, sử dụng giáo cụ trực quan, gợi ý cho trẻ hoặc chỉ dẫn trẻ kể lại…
Phương pháp đọc chuyện
- Các bước thực hiện tương tự như phương pháp kể chuyện.
- Lưu ý, chuyện đọc cho trẻ phải phù hợp với mục đích dạy học; có nội dung đơn giản, gần gũi với trẻ và phù hợp với sức, khả năng nghe của trẻ.
Phương pháp đàm thoại
* Các loại đàm thoại
- Đàm thoại chuẩn bị – chuẩn bị kiến thức
- Đàm thoại tổng kết – đàm thoại khái quát
* Tổ chức hướng dẫn đàm thoại
- Đàm thoại quy nạp
Bước 1:Giúp trẻ nhớ lại các đặc điểm, tính chất của đối tượng cụ thể
Sử dụng các câu hỏi giúp trẻ tái hiện lại các đặc điểm, tính chất; sử dụng tranh, ảnh, đồ vật, mô hình hoặc cho trẻ kể lại từng đối tượng cụ thể.
Bước 2:Tìm những tính chất, đặc điểm chung của nhóm, loài, loại, dạng…
Sử dụng câu hỏi dẫn dắt trẻ so sánh, tìm ra đặc điểm, tính chất chung và mối liên hệ giữa các đối tượng cụ thể, có thể kết hợp tranh, ảnh, mô hình thực hành.
Bước 3: Kết luận, khái quát, đặt tên
Gợi ý cho trẻ đặt tên cchung cho nhóm hoặc giúp trẻ lĩnh hội tên khái quát hơn của nhóm.
- Đàm thoại suy diễn
Bước 1:Phân tích những dấu hiệu cơ bản chung
Từ những kiến thức khái quát, phân tích giúp trẻ lĩnh hội những dấu hiệu cơ bản chung của nhóm, loại…
Sử dụng câu hỏi hướng trẻ tìm ra dấu hiệu cơ bản của nhóm theo tên gọi chung, sử dụng kết hợp tranh ảnh…
Bước 2: Xem xét các đối tượng cụ thể, xếp loại và đặt tên khái quát
Sử dụng kết hợp các biện pháp: câu hỏi, tranh ảnh, vật thật, mô hình, trò chơi…
Bước 3:Luyện tập
Luyện tập bằng lời nói giúp trẻ lĩnh hội kiến thức khái quát, hệ thống.
- d) Các biện pháp sử dụng lời nói khác
* Các biện pháp
- Giảng giải
- Giải thích
- Chỉ dẫn bằng lời
Lưu ý khi sử dụng
- Lời nói cần rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu đối với trẻ.
- Tránh dùng các từ địa phương.
e). Phương pháp, biện pháp kích thích hoạt động học tập của trẻ
Phương pháp, biện pháp hình thành hứng thú và động cơ nhận thức cho trẻ
- Tạo tình huống xúc cảm đạo đức qua việc sử dụng các giáo cụ dạy học, các phương tiện nghệ thuật đẹp, hấp dẫn, mới lạ.
- Biện pháp gây ngạc nhiên, bất ngờ, hồi hộp…
- Xây dựng các tình huống mới lạ làm tăng hứng thú.
- Biện pháp trò chơi nhận thức….
Phương pháp, biện pháp kích thích tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ học tập
- Đề ra nội quy, yêu cầu trong giờ học.
- Động viên, khen ngợi, biểu dương…
- Khiển trách, nhắc nhở.
- Giảng giải, giải thích, nêu gương… [1]
- Phương pháp, biện pháp kiểm tra và tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của trẻ
Các biện pháp kiểm tra của giáo viên
- Kiểm tra bằng lời: sử dụng các câu hỏi đối với cả lớp hoặc cá nhân.
- Kiểm tra bằng bài tập thực hành: giao bài tập, yêu cầu hành động cho trẻ thực hiện.
Các biện pháp tự đánh giá của trẻ
- So sánh với yêu cầu của giáo viên.
- Cho trẻ tham gia vào việc bổ sung câu trả lời của bạn.
- Cho trẻ tự đánh giá, nhận xét bài tập của mình và của bạn…
Hoạt động 3. Tìm hiểu các hình thức tổ chức dạy học cho trẻ
- Hãy nêu các hình thức tổ chức dạy học cho trẻ mầm non mà anh/chị biết?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 3
a). Khái niệm hình thức tổ chức dạy học
Hình thức tổ chức dạy học là toàn bộ hoạt động dạy của giáo viên và học tập của trẻ, được tổ chức một cách đặc biệt theo trình tự và thời gian đã được xác định, cùng với việc vận dụng các phương pháp, biện pháp và các phương tiện dạy học khác nhau nhằm thực hiện các nhiệm vụ dạy học cụ thể.
b). Các hình thức tổ chức dạy học cho trẻ
- Phân biệt theo số lượng: cá nhân, nhóm và tập thể.
- Phân biệt theo tính chất mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ: tự học và học có sự hướng dẫn của giáo viên.
- Phân biệt theo thời gian, địa điểm: dạy học trên lớp, dạy học ngoài giờ trên lớp, tham quan…
- Giờ học của trẻ mầm non
- Các loại giờ học
- Giờ học lĩnh hội tri thức mới
- Giờ học củng cố, luyện tập, vận dụng các tri thức
- Giờ học khái quát, hệ thống hóa
- Giờ học hỗn hợp
- Cấu trúc giờ học
Phần 1: Ổn định lớp, giới thiệu nhiệm vụ giờ học, học tập.
Phần 2: Tổ chức hoạt động nhận thức học tập cho trẻ.
Phần 3: Củng cố, đánh giá kết quả học tập và kết thúc giờ học.
- Các biện pháp tổ chức giờ học
Phần 1:Sử dụng các biện pháp thu hút sự chú ý, tạo hứng thú của trẻ đối với giờ học, giao nhiệm vụ học tập, hình thành nề nếp, thói quen học tập.
Phần 2: Giao bài tập thực hành, nêu vấn đề, tình huống có vấn đề, trò chơi…
Phần 3: Sử dụng câu hỏi khái quát, trò chơi bài tập, nhận xét, tuyên dương, đoán câu đố, phân tích thực hành…
- Yêu cầu đối với giờ học của trẻ mầm non
* Yêu cầu về giáo dục đối với giờ học
- Xác định rõ nhiệm vụ giáo dưỡng của giờ học và vị trí của nó trong hệ thống giờ học theo đề tài, nội dung nhất định.
- Xác định nội dung giờ học cụ thể và tính chất của nó theo chương trình bộ môn, có chú ý tới mức độ chuẩn bị của trẻ và vốn kinh nghiệm của trẻ.
- Lựa chọn phương pháp, biện pháp tốt nhất để tổ chức giờ học.
- Cần chuẩn bị kỹ giáo án, đồ dùng, giáo cụ dạy học…
- Khi tổ chức giờ học, cần thực hiện các bước rõ ràng, đảm bảo thời gian và quy trình thực hiện, bao quát sử lý các tình huống linh hoạt và chú ý giáo dục hành vi của trẻ kịp thời…
- Sử dụng hợp lý, đúng lúccác phương tiện dạy học.
- Tạo điều kiện cho trẻ luôn chủ động, tích cực độc lập nhận thức trên giờ học.
- Đảm bảo tác phong sư phạm của giáo viên.
* Yêu cầu về vệ sinh
- Phòng học sáng sủa, sạch sẽ, thoáng mát…
- Bàn ghế đúng quy cách, phù hợp với trẻ.
- Đồ dùng, giáo cụ đảm bảo vệ sinh, an toàn với trẻ, dễ sử dụng, sắp xếp khoa học, hợp lý…
- Giờ học đúng giờ quy định, thời lượng phù hợp lứa tuổi của trẻ [1]
- Thực hành vận dụng
Hoạt động 1:
- Xem và phân tích tư liệu (video) về giờ học của trẻ mầm non/Tham quan, dự hoạt động dạy học cho trẻ ở trường mầm non.
Yêu cầu học viên:
- Nêu nội dung bài học
- Phương pháp dạy học
- Hình thức tổ chức dạy học
Hoạt động 2.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức giờ dạy cho 01 đối tượng ở độ tuổi mầm non đã chọn
Yêu cầu học viên:
- Lựa chọn 01 đối tượng
- Lựa chọn nhiệm vụ dạy học phù hợp với trẻ ở độ tuổi đã chọn.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức giờ học cho trẻ với các đối tượng đã lựa chọn.
- Thực hành dạy giả định hoặc trên trẻ.
- Yêu cầu học viên: