Mô đun 4: ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH ĐẾN HỌC TẬP VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ ĐIẾC (1)
(Tổng số 60 tiết: 20 tiết lý thuyết – 40 tiết thực hành)
Bài 1: Giới thiệu mô hình sinh thái Bronfenbrenner (10 tiết)
- Mục tiêu: Sau khi học xong học viên có khả năng:
- Nêu được nội dung mô hình sinh thái Bronfenbrenner
- Nêu được các yếu tố cấu thành mô hình sinh thái Bronfenbrenner
- Vận dụng mô hình sinh thái Bronfenbrenner trong giáo dục trẻ điếc
2. Thời gian: 10 tiết (Lý thuyết: 4 tiết – Thực hành: 6 tiết )
III. Đồ dùng, phương tiện dạy học
- Giấy A0, băng dính, bút dạ
IV. Nội dung kiến thức.
4.1 Nội dung mô hình sinh thái Bronfenbrenner [16]
Hoạt động 1. Tìm hiểu mô hình sinh thái Bronfenbrenner
- Nêu nội dung của mô hình sinh thái Bronfenbrenner?
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Urie Bronfrenner (1917 – 2005), là một nhà tâm lý học người Mỹ, gốc Nga. Sự nghiệp của ông đã để lại hơn 300 công trình nghiên cứu và 14 quyển sách được xuất bản, trong đó lý thuyết mô hình sinh thái về sự phát triển của con người là một công trình được áp dụng rộng rãi và phát triển cho đến nay.
Mô hình sinh thái của Bronfenbrenner được công bố năm 1979, đã có tác động lớn đến các nhà tâm lý học và các tiếp cận, nghiên cứu về con người và môi trường sống của họ. Kết quả nghiên cứu của ông đã mang lại bước đột phá lớn trong những nghiên cứu “hệ sinh thái con người”. Do vậy, những môi trường – bối cảnh từ gia đình đến cơ cấu kinh tế, chính trị xã hội đều được xem là một phần cuộc sống của mỗi cá nhân từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Học thuyết này của ông được xây dựng trên cơ sở lý thuyết tâm lý học phát triển
Búp bê kiểu Nga – Matryoshka
1Lev Vygotsky (1896 – 1934), nhà tâm lý học người Nga
2Kurt Lewin (1890 – 1947), nhà tâm lý học người Mỹ, gốc Đức của Lev Vygotsky1 và Kurt Lewin2.
Quá trình xã hội hóa luôn xảy ra trong một bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể, có tác động qua lại và gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của mỗi con người. Đặc biệt, khi nghiên cứu về “trẻ”, ta cần hiểu để có thể xác định được các yếu tố tác động tới trẻ. Do vậy, không chỉ nghiên cứu trẻ ở môi trường gia đình mà cần phải nghiên cứu trẻ ở môi trường cộng đồng. Ở mỗi môi trường, con người tạo ra các tác động qua lại và chịu ảnh hưởng chung bởi vấn đề văn hóa. Bởi vậy Urie Bronfenbrenner cho rằng bối cảnh hay hoàn cảnh được phân chia thành nhiều tầng lớp đan xen vào nhau, cái nhỏ lại chứa đựng cái nhỏ hơn, giống như búp bê gỗ kiểu Nga – Matryoshka.
Nói một cách đơn giản mô hình sinh thái về sự phát triển của con người mà Bronfenbrenner đề cập đến chính là các vòng tròn đồng tâm – môi trường sống, hoàn cảnh sống của trẻ. Những vòng tròn đồng tâm này có sự tác động qua lại chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống trực tiếp của trẻ – gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển, trưởng thành của từng cá nhân.
- Cấu trúc mô hình sinh thái [16]
Hoạt động 2. Tìm hiểu cấu trúc mô hình sinh thái Bronfenbrenner
- Trình bày cấu trúc mô hình sinh thái Bronfenbrenner?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Bronfenbrenner xây dựng mô hình sinh thái với 5 tầng lớp hệ thống, bao gồm:
- – Hệ thống vi mô: là lớp môi trường nhỏ nhất và gần với trẻ nhất, được tạo nên bởi môi trường sống và chuyển đổi trong quá trình sống. Con người không phải là một cá nhân đơn lẻ, thụ động mà là một nhân tố tích cực có sự tương tác với các thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ, các thầy cô giáo và bạn cùng trang lứa, trường học, khu vui chơi, tôn giáo. Những nhân tố này tạo nên hệ thống vi mô và có sự tác động qua lại lẫn nhau, trong đó gia đình là nhân tố quan trọng nhất mà trẻ tạo ra ảnh hưởng và cũng bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất. Ở đây, trẻ chính là trung tâm của lớp môi trường này.
– Hệ tương tác: là sự liên hệ, phối hợp giữa các nhân tố trong hệ vi mô, đặc biệt là mối liên hệ giữa các trải nghiệm trong gia đình và trường học. Trẻ chịu tác động bởi những liên hệ, tương tác này. Những liên hệ này tạo nên những tương tác văn hóa và truyền tải thông điệp giữa các môi trường (Ví dụ: trẻ không được cha mẹ quan tâm, yêu thương có thể tạo nên tâm lý tự ti, xa lánh, ngại giao tiếp, khiến cho trẻ gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ, kết bạn ở trường).
– Hệ ngoại vi: là môi trường rộng hơn, liên quan tới cộng đồng lớn mà trẻ sống trong đó. Các nhân tố tạo nên hệ thống ngoại vi có thể coi như là gia đình mở rộng, mạng lưới các gia đình, các phương tiện truyền thông, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, pháp luật, phúc lợi xã hội, hay nơi làm việc của cha mẹ. Các thành viên liên quan đến cuộc sống của trẻ đều chịu tác động trực tiếp bởi các nhân tố của hệ này, do vậy dù không trực tiếp tham gia vào hệ thống này nhưng trẻ vẫn chịu những tác động trực tiếp từ hệ ngoại vi (Ví dụ: người mẹ phải đi công tác xa thường xuyên, có thể gây ra những bất hòa trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa vợ và chồng. Những thay đổi này tác động trực tiếp đến môi trường gia đình – nơi mà trẻ trực tiếp sinh sống và có tác động trực tiếp đến cuộc sống của trẻ).
-Hệ vĩ mô: là lớp ngoài cùng bao gồm các nhân tố như: các khuôn mẫu hành vi, niềm tin, các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, vùng miền, được truyền từ đời này sang đời khác điều kiện kinh tế xã hội (Ví dụ: trẻ em sống trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa, ít được đến lớp, tiếp cận với các dịch vụ y tế, các phương tiện truyền thông, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển toàn diện ở 4 lĩnh vực: ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, thể chất).
-Hệ thời gian: là chu trình phát triển của cả cuộc đời cá nhân qua các sự kiện, các giai đoạn chuyển tiếp cũng như bối cảnh lịch sử xã hội, dấu ấn quan trọng mà họ đã trải qua đều có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ (Ví dụ: biến cố trong gia đình: cha mẹ li dị – có ảnh hưởng mạnh mẽ trẻ: chấn thương về mặt tâm lý, tinh thần, suy nghĩ tiêu cực, bỏ học,….)
Mô hình sinh thái Bronfenbrenner
Do vậy, tiếp cận, thấu hiểu mô hình sinh thái về sự phát triển của con người của Bronfenbrenner có ý nghĩa to lớn trong việc tạo ra các mối tương tác chặt chẽ giữa các tầng lớp môi trường để thúc đẩy sự phát triển của mỗi các nhân một cách phù hợp và thuận lợi nhất.
4.3. Vận dụng mô hình sinh thái Bronfenbrenner trong giáo dục trẻ điếc (1 tiết)
Hoạt động 3: Tìm hiểu ý nghĩa của mô hình sinh thái Bronfenbrenner
- Theo bạn, mô hình sinh thái Bronfenbrenner có ý nghĩa như thế nào đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ điếc?
- Hoạt động nhóm: 3-4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Mô hình sinh thái được cấu thành từ nhiều nhân tố, môi trường, hoàn cảnh, bối cảnh khác nhau như: gia đình, trường lớp, hàng xóm, bạn bè, cộng động, các dịch vụ chăm sóc y tế, pháp luật, phúc lợi xã hội, các giá trị văn hóa, hành vi chuẩn mực, hay những biến cố trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân đều có sự tác động qua lại chặt chẽ với nhau, trong đó, gia đình chính là môi trường sống trực tiếp mà trẻ cũng chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Trong mô hình này, trẻ được coi là trung tâm của từng hệ thống, có sự tác động hai chiều đến các hệ thống. Sự thay đổi ở từng hệ thống đều có tác động trực tiếp tới trẻ và ngược lại. Bởi vậy việc hiểu rõ các mối quan hệ chặt chẽ giữa các tầng/lớp môi trường này sẽ giúp các nhân tố trong từng môi trường có những thay đổi phù hợp để thúc đẩy trẻ được phát huy tối đa khả năng của mình để phát triển một cách toàn diện.
Trẻ điếc cũng là một thành viên của gia đình, cộng đồng và xã hội. Do vậy trẻ cũng cũng chịu sự tác động trực tiếp của các tầng lớp trong môi trường sống. Nếu được đón nhận, được tác động phù hợp để khắc phục những hạn chế về nghe, phát triển ngôn ngữ nói hoặc NNKH từ khi được phát hiện khuyết tật, trẻ sẽ có cơ hội được phát triển toàn diện cả về ngôn ngữ, nhận thức, thể chất và tình cảm xã hội. Để được như vậy, trẻ cần có sự quan tâm chăm sóc giáo dục phù hợp từ phía gia đình, nhà trường các thành viên trong cộng đồng làng, xã, và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các chế độ chính sách xã hội. Bởi vậy cần có sự tương tác, liên hệ chặt chẽ giữa các tầng lớp môi trường để trẻ được tạo điều kiện phát triển tốt nhất. Sự tiến bộ của trẻ cũng giúp cho gia đình có tâm lý thoải mái, tự tin, nâng cao được nhận thức cộng đồng, giúp trẻ hòa nhập một cách tích cực, hiệu quả.
Mô hình sinh thái về sự phát triển của con người có ý nghĩa to lớn đối với quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và trẻ điếc nói riêng. Mô hình đã chỉ ra được:
- Mỗi cá nhân là một tác nhân tích cực, chủ động chịu sự tác động của nhiều tầng lớp môi trường và có sự tác động ngược lại với môi trường ấy trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
- Các tầng lớp môi trường tác động đến sự phát triển của trẻ bao gồm: hệ thống vi mô (những gì gần gũi với trẻ nhất); hệ tương tác (mối liên hệ giữa các môi trường); hệ ngoại vi (những tác nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ nhưng có tác động trực tiếp đến trẻ – cộng đồng, các dịch vụ ý tế,…); hệ vĩ mô – các khuôn mẫu chuẩn mực về hành vi, đạo đức, các giá trị văn hóa, phong tục tập quán,…; hệ thời gian – những dấu mốc, sự kiện, biến cố, bối cảnh lịch sử trong quá trình phát triển của trẻ.
- Mô hình sinh thái có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ điếc, trẻ điếc. Những điều kiện thuận lợi được tạo ra từ các tầng lớp môi trường sẽ giúp cho trẻ điếc, trẻ điếc được phát huy tối đa năng lực của bản thân để phát triển toàn diện ở các lĩnh vực, hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả. Sự phát triển của các em giúp cho gia đình có tinh thần lạc quan, nâng cao nhận thức xã hội, thay đổi quan điểm của xã hội về người điếc.
4.4.Thực hành (6 tiết)
Tổ chức thảo luận nhóm (4 người): Phân tích ý nghĩa của mô hình sinh thái Bronfenbrenner đối với giáo dục trẻ điếc? Vận dụng vào thực tiễn công tác giáo dục trẻ điếc của anh chị?
Yêu cầu học viên:
- Nêu được cấu trúc của mô hình sinh thái Bronfenbrenner
- Phân tích ý nghĩa của mô hình sinh thái trong việc giáo dục trẻ điếc từ các ví dụ thực tiễn.