MÔ ĐUN 3 – CHỦ ĐỀ 7: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ ĐIẾC VÀ SỰ GIAO TIẾP TRONG MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH (2)
Mô đun 3: GIÁO DỤC TRẺ ĐIẾC TRƯỚC TUỔI ĐẾN TRƯỜNG
CHỦ ĐỀ 7: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ ĐIẾC VÀ SỰ GIAO TIẾP TRONG MÔI TRƯỜNG
GIA ĐÌNH (Phần 2)
Nội dung 2: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Điếc
- Hoạt đông 1: Tìm hiểu sự tiếp nhận ngôn ngữ ký hiệu ở trẻ Điếc
+ Việc tiếp nhận ngôn ngữ sớm có ý nghĩa như thế nào đối với trẻ Điếc?
+ Trẻ Điếc tiếp nhận ngôn ngữ ký hiệu như thế nào?
- Thông tin nguồn cho hoạt động 1
- Sự tiếp nhận ngôn ngữ ký hiệu ở trẻ Điếc
Ý nghĩa của việc tiếp nhận ngôn ngữ sớm
Khi tiếp nhận ngôn ngữ ở cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cử chỉ, những cá nhân được làm quen với ngôn ngữ sớm thì nhất định sẽ tốt hơn những cá nhân được tiếp cận muộn. Khả năng nhận biết NNKH ở trẻ Điếc đi theo một con đường và tuổi đời giống hệt với trẻ em Nghe trong việc tiếp thu ngôn ngữ nói (Charron & Petitto, 1987, 1991; Petitto, 1992; Petitto & Charron, 1988). Khi trẻ Điếc được tiếp cận NNKH ngay từ sơ sinh (từ cha mẹ hoặc người thân Điếc) thì khả năng nhận thức và phân biệt các âm vị NNKH sẽ rất rõ ràng bởi cha mẹ hoặc người thân khi giao tiếp với trẻ sẽ làm kí hiệu chậm lại, lặp đi lặp nhiều lần hoặc làm phóng đại hơn một cách tự nhiên cũng giống như cha mẹ Nghe nói chuyện với con của họ. Giả sử trong trường hợp một đứa trẻ Điếc không được tiếp xúc với ngôn ngữ cho đến lúc 5, 10 hoặc 15 tuổi, đứa trẻ đó sẽ có sự tập trung ngay lập tức vào các ký hiệu và đặt ra ý nghĩa cho các ký hiệu này. Trẻ sẽ tập trung chú ý vào việc cố tìm hiểu nghĩa từ tất cả các dấu hiệu giao tiếp.
Từ cử chỉ đến ký hiệu trong việc tiếp nhận ngôn ngữ ký hiệu
Trong ngôn ngữ ký hiệu, cả ký hiệu ngôn ngữ và cử chỉ đều được thực hiện theo cùng một phương thức. Vì vậy, khi trẻ em sử dụng một ngôn ngữ ký hiệu, chúng có thể tạo ra những cử chỉ mang tính biểu tượng mà gần giống dấu hiệu quy ước phù hợp trong bối cảnh được ám chỉ. Tuy nhiên, điều đó yêu cầu đứa trẻ phải nắm vững các hình thức quy ước của việc diễn đạt ngôn ngữ, bao gồm các chỉ trỏ và dấu hiệu. Các vấn đề cụ thể được đặt ra bởi việc kiểm soát ánh mắt và những yêu cầu giao tiếp với các ký hiệu khoảng cách và cử chỉ từ vật ám chỉ. Việc tiếp thu ngôn ngữ ký hiệu ban đầu có thể được xem như là một bước chuyển biến dần dần từ dấu hiệu cử chỉ và biểu tượng tới các hình thức ngôn ngữ.
Khi trẻ em sử dụng ngôn ngữ, nghĩa là chúng cũng đang xây dựng một hệ thống lời nói-cử chỉ. Cử chỉ và lời nói phát triển cùng nhau. Chúng ta không phải chỉ tiếp thu ngôn ngữ đơn thuần mà còn tiếp thu ngôn ngữ – cử chỉ. (McNeill, 1992: 295).
Với trẻ điếc, quá trình tiếp thu ngôn ngữ được thực hiện theo những cách mà dường như hoàn thoàn khác biệt với ngôn ngữ nói. Dấu hiệu và cử chỉ trong cùng một phương thức được nhận thức rộng rãi bao gồm cả bàn tay, khuôn mặt và cơ thể. Trong việc thể hiện cử chỉ, việc chỉ trỏ theo các hướng khác nhau, độ dứt khoát khác nhau hay độ mở của cánh tay kết hợp với ánh nhìn có ý nghĩa lớn trong việc thể hiện mục đích giao tiếp.
Việc tiếp thu NNKH cũng như việc tiếp thu bất kỳ ngôn ngữ nào khác, thể hiện mức độ tăng dần của sự khái quát và trừu tượng (Tomasello, 2003). Riêng với các ngôn ngữ ký hiệu, các quá trình này được căn cứ vào việc sử dụng ban đầu của các cử chỉ. NNKH của trẻ Điếc vận dụng rất nhiều yếu tố cử chỉ điệu bộ. Đối với trẻ em điếc, cử chỉ có những đặc điểm mà có thể được sử dụng như biểu tượng.
Chúng ta có thể thấy mấy điểm cơ bản sau:
- Từ rất sớm trong quá trình phát triển NNKH, chỉ trỏ được diễn tả theo cách của NNKH.
- Cách chỉ trỏ của trẻ đối với vật được ám chỉ có các khoảng cách khác nhau thể hiện ý nghĩa khác nhau của các dấu hiệu ngôn ngữ.
- Các động tác chỉ trỏ và miêu tả được hợp nhất vào việc xây dựng cú pháp NNKH.
- Những gì trở thành ký hiệu quy ước thì thường bắt đầu là sự mô tả đặc điểm.
- Với sự phát triển cao dần, chỉ trỏ và cử chỉ sẽ được sửa đổi để tuân thủ các quy ước hình thức của NNKH sao cho phù hợp với hệ thống ngôn ngữ.
Tóm lại, sự chuyển đổi từ cử chỉ đến ký hiệu, từ việc diễn đạt mang tính biểu tượng đến những biểu tượng quy ước là một quá trình dần dần.
Cả trẻ Điếc và trẻ Nghe đều sử dụng các bộ phận trên cơ thể để tạo thành các cử chỉ giao tiếp ban đầu. Tuy nhiên, trẻ em tiếp thu ký hiệu dường như khám phá các thành phần và khả năng của cử chỉ trong một khoảng thời gian dài, phát triển hơn những trẻ em tiếp thu ngôn ngữ nói. Như vậy, sẽ có những lịch trình phát triển và kiểu tiếp thu khác nhau, phụ thuộc vào hình thức ngôn ngữ khác nhau.
Người Điếc tiếp cận ngôn ngữ qua đường thị giác chứ không phải qua đường thính giác và trẻ Điếc sẽ đạt được thành tích về đọc và viết theo cách này. Lynas (1994) đã đưa ra ý kiến rằng:
- Người Điếc nên được xem như là một nhóm thiểu số về ngôn ngữ và văn hóa và bình đẳng về quyền lợi như các thành viên khác trong xã hội chứ không nên xem họ là các cá nhân khuyết tật.
- Ngôn ngữ ký hiệu cũng có những vị thế về ngôn ngữ học như các ngôn ngữ nói.
- Trẻ Điếc có quyền lĩnh hội ngôn ngữ ký hiệu như là ngôn ngữ thứ nhất.
- Trẻ Điếc lĩnh hội ngôn ngữ ký hiệu cùng tốc độ như những trẻ Nghe lĩnh hội ngôn ngữ nói (nếu có những điều kiện phù hợp).
- Người Điếc trưởng thành đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ cha mẹ trẻ Điếc lĩnh hội việc giao tiếp bằng NNKH và phát triển NNKH cho trẻ Điếc.
- Trẻ Điếc nên được giáo dục bằng NNKH, có như vậy trẻ mới có đầy đủ cơ hội để đạt được chương trình học tập như trẻ Nghe.
- Trẻ Điếc có khả năng biết đọc, biết viết thông qua cơ sở ngôn ngữ ký hiệu tự nhiên.
- Nếu áp đặt cho trẻ Điếc một loại ngôn ngữ mà trẻ không có khả năng hiểu (như ngôn ngữ nói) thì đó là một sự sai lầm.
- Khi trẻ Điếc được lĩnh hội NNKH như một ngôn ngữ thứ nhất thì tiềm năng ngôn ngữ của trẻ sẽ được khơi dậy.
- Hoạt động 2: Tìm hiểu sự biểu đạt ngôn ngữ ký hiệu ở trẻ Điếc
+ Trẻ Điếc giao tiếp với người xung quanh bằng cách nào?
+ Ở các độ tuổi khác nhau ngôn ngữ ký hiệu của trẻ Điếc có sự thay đổi như thế nào?
- Thông tin nguồn cho hoạt động 2
- Sự biểu đạt ngôn ngữ ký hiệu ở trẻ Điếc
Nếu trẻ Điếc sớm có sự tương tác với người lớn Điếc hoặc người Nghe biết sử dụng NNKH thì ngôn ngữ của trẻ Điếc sẽ phát triển tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học đọc và viết sau này. Mỗi độ tuổi khác nhau khả năng biểu đạt NNKH có những bước phát triển khác nhau, tuy nhiên không phải trẻ nào cũng giống trẻ nào.
Sau đây là một số mốc chính về sự phát triển ngôn ngữ trẻ Điếc (Tham khảo thêm Bảng kiểm ngôn ngữ hình ảnh và sự phát triển của trẻ Điếc và trẻ nghe kém – Phụ lục 1):
0 – 1 tuổi
- Hiểu rằng ký hiệu là biểu tượng để truyền tải nội dung giao tiếp
- Bập bẹ ký hiệu
- Những ký hiệu đầu tiên (chủ yếu là danh từ)
1 – 2 tuổi
- Hiểu rằng cần có ánh mắt để truyền tải và tiếp nhận thông tin
- Tuân theo các hướng dẫn đơn giản
- Biết dùng khoảng 50 ký hiệu
- Dùng ký hiệu để nói về các vật hiện diện (có mặt ngay ở đó)
- Kết hợp 2 ký hiệu, kết hợp ký hiệu và chỉ trỏ
- Hỏi và hiểu các câu hỏi đơn giản “ai”, “cái gì”
2 – 3 tuổi
- Sử dụng hơn 250 từ/ ký hiệu
- Bắt đầu sử dụng chữ cái ngón tay
- Dùng từ phủ định (“không”, “không có”, không muốn”…)
- Thể hiện cảm xúc (các ký hiệu thể hiện cảm xúc “vui”, “buồn”, “tức giận”…)
- Dùng NNKH để kể và chia sẻ về các hoạt động và sự kiện trong ngày
3 – 5 tuổi
- Dùng các cử động hình ảnh gây chú ý trong giao tiếp NNKH (ngắt lời đúng lúc, thay lượt, thay đổi hướng nhìn,…)
- Hỏi và hiểu các câu hỏi như “đâu/ ở đâu”, “tại sao”, “như thế nào”
- Dùng các câu đơn giản, bắt đầu xuất hiện các câu phức tạp
- Dùng NNKH để tìm hiểu về mọi việc, giải thích trò chơi hay kể chuyện.
- Hoạt động 3: Thực hành vận dụng
Xem video và thực hiện các yêu cầu sau:
+ Chỉ ra sự khác biệt giữa việc tiếp nhận và biểu đạt ngôn ngữ ký hiệu của trẻ Điếc 1 tuổi và trẻ 5-6 tuổi
- Thông tin nguồn cho hoạt động 3
Video về sự giao tiếp của trẻ Điếc 1 tuổi và trẻ 5-6 tuổi.
Đánh giá nội dung 2:
- Cử chỉ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển NNKH của trẻ Điếc. Cho ví dụ?
- So sánh sự khác biệt trong việc biểu đạt ngôn ngữ ký hiệu ở các độ tuổi khác nhau của trẻ Điếc.
- Việc hiểu về các mốc phát triển quan trọng của trẻ em có tác dụng như thế nào trong hoạt động của Nhóm hỗ trợ gia đình?
Nội dung 3: Sự tương tác, giao tiếp của trẻ Điếc trong môi trường gia đình
- Hoạt động 1: Tìm hiểu mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trong những năm đầu đời
+ Sự tương tác của cha mẹ và trẻ nhỏ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển giao tiếp của trẻ nhỏ?
+ Cha mẹ trẻ Điếc thường tương tác với trẻ như thế nào?
- Thông tin nguồn cho hoạt động 1
- Mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trong những năm đầu đời
Sự tham gia của cha mẹ là yếu tố thiết yếu đối với sự tiếp thu và biểu đạt ngôn ngữ của trẻ Điếc (Enns & Price 2013; Sass-Lehser 2011). Những thứ mà một đứa trẻ mới chào đời bộc lộ ra đơn giản là tất cả những gì mà người mẹ đã làm với khuôn mặt, giọng nói, bàn tay và cơ thể của mình. Những cử chỉ của người mẹ cứ tiếp diễn và là nguồn thông tin giúp ích cho những trải nghiệm vô cùng mới mẻ ban đầu của đứa trẻ về việc giao tiếp giữa mọi người. Một loạt những cử chỉ hữu hình này được coi là nguồn nguyên liệu thô của thể giới bên ngoài đối với đứa trẻ, nó sẽ giúp hình thành nên các mảng kiến thức ở đứa trẻ về tất cả mọi thứ của con người: sự hiện diện, khuôn mặt, giọng nói, những trạng thái biểu đạt tình cảm, hành vi và ý nghĩa của chúng, cũng như mối quan hệ với những người khác. Những cử chỉ xã hội của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ.
Tất cả cha mẹ tương tác tự nhiên với trẻ nhỏ bằng cách sử dụng cơ thể:
- Nhìn vào nơi con nhìn, cha mẹ và con nhìn nhau chăm chú lâu
- Biểu hiện khuôn mặt (phóng đại về thời gian và không gian: cười, cau mày, quan tâm, giả vờ ngạc nhiên, trung tính)
- Thể hiện khuôn mặt và cử động đầu (“ú òa” hay các biểu hiện khuôn mặt khác)
- Cảnh trí học/ sử dụng không gian (thường hướng tới trẻ nhỏ trong những không gian gần gũi, khoảng cách thân mật)
- Rờ chạm, tiếp xúc trẻ
Cha mẹ Nghe thường thì thường phát âm bằng nhiều cách khác nhau:
- Phóng đại cường độ
- Ngắt nhịp/trọng âm
- Cú pháp đơn giản hóa
- Nói trong mô hình đối thoại đàm thoại
- Phát âm đồng thanh với trẻ
Cha mẹ là người Điếc thường sử dụng ký hiệu và cử chỉ theo nhiều cách:
- Chỉ vào vật
- Đặt tên cho vật, người, hoặc cảm xúc với các dấu hiệu hoặc ngôn ngữ ký hiệu, đánh vần bằng tay
- Ký hiệu trong mô hình đối thoại, đàm thoại
- Ký hiệu đồng thời với phản ứng, biểu hiện của trẻ
Gia đình là nơi đầu tiên và quan trọng để học tập và là nơi dành cho việc học tập mang tính tương tác. Phát triển nhận thức phụ thuộc vào việc trẻ cảm thấy an toàn và sự gắn bó. Nếu nhu cầu của trẻ được đáp ứng một cách nhất quán và nếu trẻ có thể thể hiện bản thân và hiểu những gì người khác đang giao tiếp với trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng và thoải mái. Từ đó tạo tiền để để trẻ khám phá môi trường dẫn đến sự phát triển nhận thức. Để hỗ trợ sự phát triển này của trẻ, hãy khuyến khích sự tìm tòi khám phá và trí tò mò của trẻ, khuyến khích trẻ giao tiếp với những trẻ khác để cùng giải quyết các vấn đề, phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên, tạo cơ hội cho sự sáng tạo,… Sự tương tác tốt chính là nền tảng cho sự hòa nhập xã hội của trẻ. Các hoạt động tương tác với con có thể trở thành một phần trong nếp sinh hoạt hàng ngày ở gia đình trẻ: trong lúc ăn, lúc tắm cho trẻ, lúc đưa trẻ đi chơi… Bố mẹ thường nói chuyện với trẻ về những việc làm, những sự kiện ngay cả khi trẻ chưa thực sự hiểu hết.
- Hoạt động 2: Tìm các nguyên tắc và hoạt động tương tác hiệu quả
+ Thế nào là sự tương tác hiệu quả?
+ Hướng dẫn viên giao tiếp/ phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu làm thế nào để thúc đẩy sự tương tác hiệu quả?
- Thông tin nguồn cho hoạt động 2
Các mối quan hệ đều được xây dựng từ sự tương tác. Việc chăm sóc trẻ chính là cơ hội tốt nhất cho sự tương tác hiệu quả. Sự tương tác hiệu quả bao gồm 3 thành tố: sự tôn trọng, sự hồi đáp và sự tương hỗ lẫn nhau. Để sự tương tác với trẻ đạt hiệu quả, người lớn cần theo những nguyên tắc nhất định, như:
- Lôi kéo trẻ tham gia vào những điều liên quan đến chúng. Giữ cho trẻ tham gia vào quá trình tương tác, không làm phân tán trẻ.
- Đầu tư thời gian để sự tương tác đạt chất lượng: tập trung hoàn toàn vào trẻ, dành toàn bộ sự chú ý vào trẻ và luôn sẵn sàng tương tác với trẻ.
- Tìm hiểu những cách giao tiếp riêng của từng trẻ và dạy trẻ hiểu những cách giao tiếp của bạn. Trẻ em có thể giao tiếp qua nhiều cách khác nhau như việc khóc, dùng từ ngữ, sự chuyển động, hoặc biểu hiện khuôn mặt. Nên dạy trẻ từ và ngôn ngữ trong bối cảnh cụ thể; tránh sự lặp lại không cần thiết; cần ý thức rõ sự giao tiếp không bằng lời tùy bối cảnh văn hóa.
- Đầu tư thời gian và công sức để tạo một đứa trẻ phát triển toàn diện ở các lĩnh vực khác nhau.
- Tôn trọng trẻ vì trẻ không phải là đồ vật. Hãy đáp ứng điều trẻ cần chứ không phải điều bạn nghĩ là cần.
- Hãy thành thật với tình cảm, cảm xúc của mình, đừng giả vờ biểu lộ cảm xúc. Trẻ em cần có những người thành thật xung quanh.
- Làm mẫu những hành vi bạn muốn dạy trẻ. Nếu bạn muốn đứa trẻ hòa nhã với mọi người, trước hết bạn hãy hòa nhã với trẻ.
- Nhận biết vấn đề như là cơ hội học hỏi và để trẻ tự giải quyết vấn đề. Hãy giành cho trẻ thời gian và sự thoải mái để giải quyết các vấn đề của chúng. Đừng cố bảo vệ trẻ khỏi các vấn đề. Giúp đỡ trong trường hợp trẻ gặp nguy hiểm hoặc trẻ làm ảnh hưởng đến người khác
- Xây dựng sự an toàn bằng cách dạy trẻ về lòng tin. Đáp ứng nhu cầu của trẻ trong khoảng thời gian hợp lý. Xây dựng lòng tin ở trẻ không cần thiết phải làm chúng cảm thấy vui vẻ tại mọi thời điểm mà nó có nghĩa làm rõ về những điều mong đợi ở trẻ và giữ an toàn cho trẻ.
- Hãy quan tâm đến chất lượng phát triển ở mỗi giai đoạn phát triển không nên chỉ tập trung xem trẻ phát triển nhanh như thế nào. Coi mỗi giai đoạn phát triển như những cơ hội cho trẻ luyện tập những gì mà trẻ có thể làm, thay vì thúc ép trẻ phải làm những việc mà trẻ không thể làm.
Trong sự tương tác, chơi đối với trẻ là một hoạt động hữu ích. Chơi đối với trẻ nhỏ là hoạt động rất thú vị, tiến hành trên sơ sở tự nguyện và được bản năng thôi thúc. Việc chơi mang tính biểu tượng, có ý nghĩa và luôn được biến đổi. Người chơi được chủ động trong trò chơi. Việc chơi chú trọng đến quá trình hơn là kết quả. Từ sơ sinh đến 2 tuổi, trẻ chơi theo vận động-cảm giác và khám phá. Từ 2 – 5 tuổi trẻ chơi mang tính xây dựng, có và không có tính tượng trưng, đóng kịch. Từ 5 đến 7 tuổi, trẻ thường tham gia các trò chơi có luật lệ.
Hướng dẫn viên giao tiếp hay phiên dịch viên NNKH lúc này cần thúc đẩy mối quan hệ và sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình, không tập trung vào các vấn đề hay các khó khăn mà họ đang gặp phải. Sự hòa hợp giữa các cá nhân bắt đầu với việ̣c tham gia vào hoạt động của người khác, họ cảm thấy thế nào khi họ đang thực hiện điều đó, và thể hiện sự tôn trọng khi tham gia cùng họ trong một hoạt động chia sẻ sự quan tâm. Theo Siegel (2007), sự hòa hợp giữa các cá nhân liên quan đến cảm xúc và trải nghiệm việc được người khác gần gũi, cảm nhận, lắng nghe, nhận biết và thấu hiểu. Các kỹ năng hòa hợp các cá nhân là sự chú ý tích cực, quan sát ý nghĩa và cảm xúc, hản ánh cảm xúc, ngăn chặn phản ứng cá nhân, thấm nhuần sự tự tin.
Hoạt động 3: Thực hành vận dụng
Yêu cầu 1: Xem video về sự tương tác của trẻ trong nhóm hỗ trợ gia đình, và nhận xét:
- Sự tương tác của trẻ với người Điếc trưởng thành.
- Sự tương tác của trẻ với người người thân.
- Phiên dịch viên NNKH thúc đẩy tương tác giao tiếp.
Yêu cầu 2: Thực hành thúc đẩy sự tương tác giữa trẻ Điếc và người thân/ người chăm sóc.
- Đóng vai thực hành trong nhóm hỗ trợ gia đình
- Quan sát và nhận xét việc thúc đẩy tương tác giữa trẻ Điếc và phụ huynh của phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu/ hướng dẫn viên giao tiếp
- Rút kinh nghiệm từ việc thực hành
Đánh giá nội dung 3
- Phân tích mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trong những năm đầu đời.
- Nêu một số nguyên tắc tương tác hiệu quả. Cho ví dụ.
- Hướng dẫn viên giao tiếp/ phiên dịch viên NNKH nên làm gì để thúc đẩy mối quan hệ gia đình?