MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 3. GIAO TIẾP VÀ CÁC MÔ HÌNH PHIÊN DỊCH (Phần 1)
MÔ ĐUN 2: PHIÊN DỊCH NGÔN NGỮ KÝ HIỆU
CHỦ ĐỀ 3. GIAO TIẾP VÀ CÁC MÔ HÌNH PHIÊN DỊCH (Phần 1)
I. Tổng quan
Để có thể làm tốt công tác phiên dịch NNKH, người học phải hiểu được khái niệm giao tiếp, mục đích, nội dung giao tiếp cấu trúc của thông điệp,.. vai trò của phiên dịch và phiên dịch làm việc trong lĩnh hỗ trợ trẻ điếc, đồng thời, cần phải nắm vững được gia đình trẻ với những đặc điểm văn hóa và ngôn ngữ của mình sẽ dịch. Học phần này học viên sẽ tìm hiểu về: khái niệm, mục đích giao tiếp và cấu trúc thông điệp; Đồng thời tìm hiểu các mô hình phiên dịch cùng với những đặc điểm văn hóa gia đình của trẻ Điếc; cách thức nhìn nhận của người Điếc đối vơi sphieen dịch,… Đồng thời được tiếp cận với gia đình trẻ Điếc, thực hành các kỹ năng xem xét phát hiện những đặc điểm của gia đình trẻ Điếc để có thái độ phù hợp với trẻ và người Điếc.
II. Mục tiêu của chủ đề 3.
Mục tiêu
Người học hiểu và phân tích được mục đích giao tiếp, ý định, nội dung và cấu trúc thông điệp; phân tích các mô hình phiên dịch và xem xét phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu từ quan điểm của người điếc.
Mục tiêu kiến thức
- Trình bày được khái niệm giao tiếp và mục đích giao tiếp;
- Phân tích vai trò của phiên dịch viên trong các mô hình giao tiếp, Phân tích đặc điểm giao tiếp trong môi trường đa ngôn ngữ;
- Phân tích nhìn nhận về phiên dịch viên dưới góc độ của người điếc.
Kĩ năng
- Phân tích thông điệp;
- Phân tích, lựa chọn mô hình phiên dịch
- Đánh giá các đặc điểm của gia đình trẻ điếc;
- Thể hiện giao tiếp phù hợp trong môi trường đa ngôn ngữ và đa văn hóa; phân tích thông điệp giao tiếp, sử dụng công cụ thu thập và phân tích diễn ngôn.
Thái độ
- Tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của cộng đồng người Điếc
- Có thói quen không ngừng trau dồi năng lực NNKH
- Có thái độ hợp tác và học hỏi trong lĩnh vực phiên dịch giáo dục người Điếc.
- Ý thức rõ và thể hiện hành vi đạo đức của nghề phiên dịch NNKH.
III. Giới thiệu tiểu chủ đề 3.
TTt | Nội dung | Thời gian | ||
Tổng số | Lí thuyết | Thực hành | ||
1 | Giao tiếp và mục đích giao tiếp | 20 | 10 | 10 |
2 | Các mô hình dịch thuật: vấn đề định nghĩa, miêu tả, vai trò phép ẩn dụ của dịch thuật và giao tiếp trong môi trường đa ngôn ngữ | 10 | 5 | 0 |
3 | Phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu nhìn từ góc độ người điếc | 15 | 5 | 5 |
Điều kiện cần thiết để thực hiện chủ đề 3
– Điều kiện tiên quyết khi học mô đun: sau khi học xong mô dun 1 và mô dun 2
IV. Nội dung:
Nội dung 1: Giao tiếp và mục đích giao tiếp
Nhiệm vụ của học viên: Nghiên cứu và trả lời câu hỏi dưới đây
- Anh/ chị hiểu thế nào là giao tiếp?
- Thông điệp gồm nhừng yếu tố nào?
Thông tin nguồn cho chủ đề 1:
Có nhiều định nghĩa về giao tiếp được xây dựng trên những lý thuyết khác nhau và nhằm mục đích khác nhau. Ở góc độ phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu, giao tiếp được hiểu là: “Sự truyền đạt một thông điệp giữa ít nhất hai người nhằm mục đích nào đó”. Với mục đích chiến lược này, người phiên dịch cần phân tích bài bằng việc xác định bốn thành phần cơ bản: mục đích, mục tiêu, đơn vị và chi tiết.
Mục đích:
Khi một người quyết định giao tiếp với một người khác, người đó phải có một mục đích trong đầu: chính là lý do để “nói”. Các diễn giả có mục đích trong đầu trước khi họ tìm từ ngữ để thể hiện chúng. Khi “nói”, chúng ta tập trung vào nghĩa của điều chúng ta định nói, chứ không tập trung vào việc chọn từ ngữ nào để trình bày[1]. Mục đích là cốt lõi của giao tiếp; trong một hội thoại chặt chẽ, tất cả các thông tin truyền đạt đều hướng về mục đích. Mục đích là lý do để chúng ta “nói” và nếu không có mục đích thì việc giao tiếp không có ý nghĩa gì.
Ngoại trừ những bài thuyết trình mang tính long trọng nhất, ít khi mục đích được chỉ ra rõ ràng, mà nó thường là một khái niệm trừu tượng, hay một ý định mở rộng: nhằm thông báo, thuyết phục, khai sáng, truyền cảm hứng, giải trí hoặc thách thức. Đó là sự tóm lược các yếu tố của một bài nói và mục đích cuối cùng đằng sau các từ ngữ.
Mặc dù mục đích hiện hữu và rất quan trọng, nhưng đôi khi nó lại bị che khuất bởi chính những từ ngữ mà diễn giả dùng để thể hiện nó. Tuy vậy, với một lượng thông tin vừa đủ nhận được trước khi dịch hay trong suốt quá trình dịch, có thể đoán được ý định (hay mục đích) của người “nói”. Thuận lợi của người phiên dịch là tìm kiếm chủ đề chung kết hợp các phần thông tin với nhau, mà nếu không biết mục đích thì ý nghĩa của toàn bộ thông điệp sẽ bị mất (Seleskovitch 1978 trang 29).
Các phiên dịch có nhiều cách truy cập thông tin giúp họ hiểu được mục đích của diễn giả. Ví dụ người phiên dịch có thể chỉ biết nhiệm vụ là dịch cho một cuộc họp của các nhà cung cấp dịch vụ xã hội. Hoặc, người phiên dịch có thể biết mục đích tổ chức cuộc họp. Nếu may mắn người phiên dịch sẽ có một bản chương trình nghị sự của buổi họp hoặc bản sao bài nói của người diễn giả chính.
Giai đoạn trước phiên họp có thể vô cùng quan trọng trong quá trình phân tích mục đích, trong buổi họp với khách hàng này người phiên dịch có thể hỏi trực tiếp: Mục đích của buổi họp là gì? Các bạn hy vọng sẽ đạt được gì trong buổi họp hôm nay? Các bạn muốn người nghe thu nhận được gì? Mục đích hôm nay là gì?
Một lần nữa, càng nhiều thông tin được khám phá theo quá trình giao tiếp, người phiên dịch có thể khẳng định hoặc thay đổi cách hiểu về mục đích của diễn giả. Vì con người điều chỉnh giao tiếp của mình theo hàng loạt tác động ngoại cảnh, nên mục đích của người nói có thể thay đổi trong quá trình giao tiếp.
Dù mục đích của diễn giả đã được xác nhận, hoặc tiếp tục thay đổi theo luồng thông tin đến, hoặc biến đổi theo chủ đích của diễn giả, thì người phiên dịch luôn phải cố gắng nắm giữ ý định của diễn giả trong đầu. Cách hiểu của người dịch sẽ đánh giá dựa trên mục đích của diễn giả và cũng căn cứ trên mục đích này mà người dịch dự đoán các thông tin thực tế sắp tới.
Cuối cùng, việc hiểu mục đích sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm dịch: sự lựa chọn từ vựng và tập hợp từ, cú pháp, sắp chữ, ảnh hưởng. Isham, người coi mục đích của bài là “chức năng” đã nói: “Người phiên dịch có một thuận lợi lớn nếu làm việc theo cách: hiểu chức năng đằng sau từ ngữ của diễn giả”, “khi các phiên dịch coi mục đích của họ tương đồng với mục đích của diễn giả, thì các cách truyền tải nội dung sẽ được hình thành một cách tự nhiên từ mục đích chung đó” (trang 156).
Hình 1 giúp làm rõ mối quan hệ giữa thông tin đến trong ngôn ngữ gốc và sự tồn tại của mục đích trong thông điệp ở cả ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích. Mục đích được đặt trong ngoặc đơn bởi vì, mặc dù đã được xác định, nó không được thể hiện một cách công khai.
Các ví dụ minh họa:
1) Các bài dài, dù dung lượng từ chứa đựng trong đó rất lớn, luôn có một mục đích cuối cùng và cốt lõi cần được chuyển tải.
Trong truyện ‘Dế mèn phiêu liêu ký” của nhà văn Tô Hoài, cho thấy: những trải nghiệm của chú dế mèn cùng với những đặc điểm của người đang lớn mong muốn được khẳng định mình,…
2) Những câu nói quen thuộc chứa đựng các mục đích riêng của nó, dù rằng chúng ta có lẽ cũng chưa bao giờ phân tích các chữ nghĩa của nó để tìm mục đích.
Câu độc thoại của Hămlet: “Tồn tại hay không tồn tại…” thể hiện sự khó khăn phải lựa chọn giữa cuộc sống và cái chết.
3) Những người “nói” trong một chủ đề giao tiếp có thể cùng có chung mục đích
Hai người giáo viên, sử dụng các từ ngữ khác nhau, có thể cùng nói để ủng hộ cho việc tuyển dụng thêm giáo viên.
Hai người bạn có thể cùng các cách đối thoại riêng, nhưng có chung một mục đích là lên kế hoạch tổ chức một sự kiện.
4) Một mối tương tác lẫn nhau có thể mang mục đích cá nhân của mỗi thành viên.
Tại phòng khám, bác sĩ hy vọng có thể giảng giải cho bệnh nhân về một loại bệnh, trong khi bệnh nhân hy vọng học được các bước để có thể chữa lành bệnh.
Trong một cuộc đối thoại gay gắt giữa bố/mẹ và con, đứa trẻ có thể cố gắng thuyết phục bố mẹ là mình vô tội, trong khi mục đích của bố/mẹ có thể là mô tả sự nặng nề của hình phạt.
Đối với mục đích của chiến lược này, điều quan trọng là thể hiện được là mình hiểu, chứ không phải thể hiện việc hiểu theo hình thức nào. Vì vậy nếu người diễn giả đang mô tả một đám cưới theo kiểu cũ, thì phản hồi như sau của người tiếp nhận là có thể chấp nhận được: “Mô tả những gì xảy ra trong một đám cưới kiểu cũ”, hoặc “Nói chuyện về một đám cưới kiểu cũ”, hoặc “Giúp người nghe hiểu được các phong tục truyền thống của một đám cưới kiểu cũ”.
Mục tiêu
Các mục tiêu có chức năng giống như các bộ phận của một đề cương: đó là nhóm và chia thông tin ra thành các đoạn có ý nghĩa nhất định. Các mục tiêu là các điểm đơn lẻ và quan trọng được tạo ra để thể hiện toàn bộ nội dung cốt lõi của một bài. Các mục tiêu có thể được kết nối với các điểm đánh dấu đường đi dọc theo bài. Mỗi mục tiêu mang một ý nghĩa riêng của mình, nhưng đều nhằm bổ trợ cho mục đích chính của thông điệp. Chúng gắn kết toản bộ bài với nhau, hình thành một mối liên kết chặt chẽ giữa các phần thông tin nhỏ. Một cách đơn lẻ, từng mục tiêu đều phải có ý nghĩa trong một mục đích tổng thể, chúng cần phải đưa ta đến mục đích tổng thể đó một cách hợp lý.
Giống như mục đích, các mục tiêu hiếm khi được đề cập đến một cách công khai. Thay vì thế, chúng hướng người phiên dịch đến việc chia nhóm và trình bày các thông tin quan trọng. Người phiên dịch luôn luôn tìm kiếm các phân đoạn thông tin này và đặt câu hỏi: “Làm cách nào đề các phần thông tin tôi nhận được này có thể phối hợp với nhau? Các thông tin sắp tới có hướng về một mục tiêu xác định được không? Tôi đã xác định được chính xác mục tiêu hiện tại dựa trên các thông tin tôi nhận được chưa? Việc dịch của tôi có hướng về một mục tiêu mới không hay vẫn tiếp tục tập trụng vào mục tiêu trước? Các thông tin hiện tại có liên quan tới một mục tiêu đã được đề cập đến trước đó trong phần trình bày này không?
Người phiên dịch sử dụng mục tiêu để phân tích các mối quan hệ qua lại giữa các phần của thông điệp. Nhờ có các mục tiêu mà các phần thông tin phối hợp với nhau một cách có ý nghĩa, tạo nên một hệ thống xử lý thông tin bài gốc và một khuôn khổ để trình bày bài dịch. Khi hiểu các mục tiêu người phiên dịch có thể đánh giá được độ chính xác và hoàn chỉnh của các phần thông tin đã được dịch trước đó và có thể dự đoán một cách hợp lý các thông tin sắp đến. Các mục tiêu có thể được thêm vào sơ đồ như ở Hình 2:
1) Tại phòng khám, mục tiêu có thể là:
- Bệnh nhân mô tả các triệu chứng;
- bác sĩ hỏi các câu hỏi chuyên môn;
- bệnh nhân kể chi tiết hơn về bệnh của mình thông qua việc trả lời các câu hỏi;
- bác sĩ chẩn đoán bệnh;
- bác sĩ kê đơn chữa bệnh;
- bệnh nhân thể hiện sự cảm ơn ;
- cả hai cùng thống nhất ngày khám lại.
Trong một số trường hợp, cần tiến hành thêm một lần phân chia bài nữa. Khi điều này là cần thiết, xác định cấp độ đó là “mục tiêu phụ”. Ví dụ, trong “Tại phòng khám bệnh”, có thể chia nhỏ hơn mục tiêu “Bệnh nhân mô tả các triệu chứng” thành các mục tiêu phụ sau:
- Bệnh nhân mô tả triệu chứng đau bụng;
- Đau quằn quại;
- Mặt mày nhăn nhó;
- Từng cơn một;
- Đau phái dưới rốn.
Mặc dù mục tiêu phụ đôi khi cũng khá quan trọng, nhưng luôn phải cảnh báo người dịch về việc có quá nhiều phần chia nhỏ. Khi tìm kiếm các nhóm thông tin chính, người dịch hay có xu hướng xác định các chi tiết của một bài thuyết trình nhằm thể hiện sự hiểu bài của họ. Tuy nhiên, lợi ích của chiến lược này chỉ phát huy khi người dịch có khả năng phân biệt các cách thức mà các phân đoạn thông tin phối hợp với nhau. Do đó, nắm được các phân đoạn chính là vô cùng quan trọng.
Tương tự như với các mục đích, người dịch không phải mô tả các mục tiêu bằng các thuật ngữ trang trọng hay theo đúng quy tắc. Điều quan tâm trước hết đến việc họ hiểu thế nào về các phân đoạn của bài, chứ không quan tâm đến cách họ mô tả chúng. Vì vậy, các mục tiêu của bài trình bày về một đám cưới kiểu cũ có thể là như sau:
- “lễ đính hôn” hoặc “họ đính hôn như thế nào” hoặc “ngày xưa người ta đính hôn theo cách nào”;
- “lập kế hoạch” hoặc “họ cần làm gì để chuẩn bị sẵn sàng” hoặc “tất cả các việc họ phải lên kế hoạch” ;
- “lễ cưới” hoặc “mô tả buổi lễ” hoặc “các việc xảy ra trong đám cưới”;
- “buổi tiếp tân” hoặc “phần diễn ra sau đám cưới” hoặc “họ làm gì trong buổi tiệc”
- “kết thúc” hoặc “họ kết thúc buổi tiệc như thế nào” hoặc “phần kết thúc của buổi lễ”
Đơn vị
Các đơn vị chia một bài thuyết trình thành các phần nhỏ đủ để có thể xử lý. Các đơn vị là phần quan trọng nhất của bài phát biểu vì nó phản ánh phần việc phân tích thực tế; Các đơn vị chia một thông điệp ra thành các phần có thể dịch được. Ở cấp độ này, phần lớn các phân tích linh hoạt nhất được tiến hành, nhằm giúp việc hiểu nội dung và việc quyết định thông tin nào cần được đưa vào ngôn ngữ đích. Ở cấp độ đơn vị, người phiên dịch loại bỏ các chi tiết (các từ ngữ) một cách có chủ ý và giữ lại các ý tưởng và khái niệm để dịch.
Đơn vị là cấp khái niệm, không phải là từ ngữ. Một đơn vị cá thể là một ý tưởng mới, một khái niệm hoặc một đoạn thông tin mới. Đơn vị có thể được thể hiện trong một thông điệp dưới dạng một:
- sự thật mới
- ý tưởng mới
- suy nghĩ mới
- ý kiến mới
- hành động mới
- sự kiện mới
- thời gian mới
- địa điểm mới
- người mới
Đơn vị được coi là “ý tưởng”. Người phiên dịch cần lưu ý rằng một câu đơn lẻ có thể mang nhiều ý tưởng (hoặc đơn vị thông tin). Người phiên dịch không được giới hạn mình để dịch các thông điệp theo từng câu một, “mà phải dịch theo thông điệp chứa trong từng câu[1]. Ở cấp độ đơn vị, việc chia các đoạn thông tin nhỏ diễn ra: việc hiểu các đơn vị hướng người dịch đi tìm các từ ngữ tương ứng trong ngôn ngữ đích. Cũng ở cấp độ này, người dịch có thể thực sự cảm nhận được cách mà các đoạn thông tin nhỏ phối kết hợp với nhau (và từ đó, kết hợp với cả tổng thể thông điệp). Mối quan hệ của các đơn vị với tổng thể có thể được hình dung trong Hình 3.
Cần lưu ý rằng một số ‘ý tưởng’ không được trình bày một cách công khai, mà được ngụ ý bằng các ý tưởng khác. Chúng tồn tại bởi cách mà ngôn ngữ mang ý nghĩa, và chúng hoạt động khác nhau trong mỗi ngôn ngữ khác nhau. Một ví dụ về đơn vị ẩn ý có thể được thể hiện trong câu ký kiệu dưới đây:
GIÁO VIÊN CHÚ DẪN BÀI GIẢNG ++
TÔI KIÊN NHẪN THEO DÕI (kèm theo biểu hiện tỏ vẻ lịch sự, chịu đựng bắt buộc)
Dựa vào thông tin trước đó, vào ngữ cảnh và những người tham gia, thì đơn vị ẩn ý trong ví dụ này có thể là người giáo viên lại một lần nữa có một bài giảng quá dài dòng. Hoặc dựa trên ngữ cảnh, đơn vị ẩn ý có thể là người sinh viên cảm thấy nhàm chán với bài giảng hoặc không thích cách dạy của người giáo viên.
Một ví dụ nữa về đơn vị ẩn ý trong tiếng Anh có thể lấy từ câu nói sau:
“Trông anh ấy có vẻ cần được giúp đỡ để lên xe”
Một lần nữa, dựa trên ngữ cảnh và người tham gia, đơn vị ẩn ý ở đây có thể là việc quan sát thấy người đàn ông này có vẻ bị ốm, yếu hoặc đã uống say từ một buổi tiệc.
Khái niệm đơn vị là không thể thiếu trong việc tự đánh giá. Người phiên dịch cần phải từ đặt câu hỏi về việc quản lý các đơn vị: Tôi đã hiểu rõ từng đơn vị đã được trình bày từ đầu đến giờ chưa? Tôi có bỏ lỡ một đơn vị thông tin nào không, hay tôi có cần xem xét lại một đơn vị ẩn ý nào không? Đơn vị này có phù hợp với những gì người diễn giả nói trước đó hay không? Đơn vị này liên quan thế nào với các đơn vị trước đó? Đơn vị này kết thúc một mục tiêu hay bắt đầu một mục tiêu mới? Dòng đơn vị thông tin này có mang ý nghĩa nào với tôi không? Dựa trên dòng đơn vị thông tin từ đầu tới giờ, tôi có thể dự đoán trước đơn vị tiếp theo không?
Dựa vào ví dụ về đám cưới kiểu cũ của ta trên đây, và tập trung vào mục tiêu “lễ đính hôn”, các đơn vị có thể là:
- Người đàn ông xin phép bố của cô dâu theo cách truyền thống;
- người bố cần phải nói chuyện với người mẹ;
- câu chuyện giữa bố mẹ diễn ra một cách trang trọng, theo đúng nghi thức;
- người bố chính thức cho phép;
- người đàn ông hạnh phúc ngay lập tức ăn mừng cùng hôn thê của mình.
Chi tiết
Với mục đích của chiến lược này, các chi tiết được định nghĩa là từ và cụm từ người diễn giả lựa chọn để nhằm chia sẻ thông tin chứa trong đơn vị, và cách mà nó được diễn đạt. Đối với việc dịch, sự quan trọng của các từ và cụm từ chỉ nằm ở nghĩa mà nó chuyển tải[1], vì vậy từ ngữ chỉ đóng vai trò như thông tin đầu vào phục vụ cho việc hiểu thông điệp và cho việc xác định cái gì cần được truyền tải tương ứng trong ngôn ngữ đích.
Điều quan trọng là người phiên dịch cần hiểu rằng các chi tiết của bài gốc chỉ là phương tiện cho việc hiểu và dịch. Chúng cung cấp thông tin cần thiết để thiết lập các đơn vị, và từ đó hiểu được mục tiêu và mục đích của bài nói. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ này của mình, chúng cần được loại bỏ ngay lập tức. Việc chuyển tiếp bất cứ chi tiết nào của bài gốc sang bài dịch bị coi là làm ‘ô nhiễm ngôn ngữ’. Thay vì thế, các chi tiết NNG trở thành chi tiết NNĐ dựa trên cách mà nó phối hợp với đơn vị, mục tiêu và mục đích. Các chi tiết được diễn đạt trong bài dịch phải là chi tiết bằng NNĐ và phải rõ ràng, chính xác và đúng ngữ pháp giống như khi chúng lần đầu xuất hiện trong bài gốc.
Khi người phiên dịch đã tiến hành tự đánh giá về mục đích, mục tiêu, và cụ thể là đơn vị, thì quá trình theo dõi bài dịch của mình về chi tiết sẽ trở nên dễ dàng hơn. Người dịch có thể tự hỏi: “Tôi có tạo ra một câu ổn về cấu trúc ngôn ngữ, và các chi tiết trong đó được diễn đạt tốt hay không? Các chi tiết tôi tạo ra có đầy đủ không? Bài dịch của tôi có chính xác không? Nó có mang các thông tin trong đơn vị hay không? Bài dịch ở cấp độ chi tiết có kết nối với các chi tiết trước đó, với mục tiêu và với mục đích tổng thể hay không?
Một ví dụ về các chi tiết tiếng Anh có thể sử dụng để diễn đạt các đơn vị thông tin được mô tả trong mục tiêu “lễ đính hôn” của ví dụ đám cưới trên đây như sau:
“Theo phong tục, người đàn ông trẻ luôn tiếp cận với người cha của cô gái trước. Tuy vậy, người cha luôn đưa vấn đề này ra với người mẹ và thảo luận một cách trang trọng về lễ đính hôn sắp tới. Sau một cuộc đối thoại đúng nghi lễ, người cha sẽ cho phép con gái được kết hôn. Người đàn ông trẻ ngay lập tức ăn mừng may mắn của mình với người vợ sắp cưới”
Tại thời điểm này, sơ đồ được hoàn chỉnh, như hình dưới đây cho thấy trong khi các chi tiết phải là tương ứng, thì các đơn vị thông tin, các mục tiêu chúng nhắm tới, và mục đích tổng thể của bài cũng phải tương ứng như vậy, như trong Hình 4.
[1] Seleskovitch 1978
Thực hành
Thực hành: Mục đích đến chi tiết
Giai đoạn đầu tiên của việc áp dụng chiến lược rèn luyện là học viên thực hành việc tìm các hợp phần của một bài thuyết trình, việc này yêu cầu xem và nghe lặp lại bài gốc. Mỗi lần học viên sẽ chỉ tập trung vào một hợp phần; Mặc dù học viên có thể muốn thể hiện việc hiểu của mình nhiều hơn nữa, nhưng điều quan trọng là họ phải xác định và mô tả được chỉ những hợp phần cần thiết.
Các bước được liệt kê một cách liên tục, nhưng không có nghĩa là học viên phải hoàn thành tất cả các bước trong một giờ học. Thay vào đó, có thể tập trung vào một hợp phần trong một bài giảng. Quyết định này tùy vào kỹ năng của học viên và khả năng có dễ dàng tiếp thu phương pháp hay không.
Các bước của Mục đích- đến- chi tiết
Chuẩn bị
1) Học viên lấy thông tin chủ đề của bài gốc
2) Học viên xác định từ vựng, phương hướng của nội dung, mục đích của bài
Xác định Mục đích
3) Học viên xem / nghe toàn bộ bài
4) Học viên xác định chỉ riêng mục đích của bài.
5) Học viên thảo luận về độ chính xác và rõ ràng của phần trả lời của mình.
6) Học viên có thể xem/ nghe bài một lần thứ hai cho rõ hơn nếu cần.
Xác định các Mục tiêu
7) Học viên xem/ nghe bài gốc một lần nữa.
8) Học viên phác thảo các mục tiêu chính của bài.
9) Học viên thảo luận xác định mục tiêu.
10) Học viên có thể cần hoặc muốn xem/nghe lại bài một lần nữa cho rõ hơn.
Xác định các Đơn vị
11) Học viên xem/ nghe bài gốc một lần nữa
12) Lần này, từng học viên xác định các đơn vị thông tin (coi như giảng viên làm việc với cả một nhóm). Học viên chịu trách nhiệm phần phân tích này sẽ dừng băng hoặc ra hiệu khi băng cần dừng.
13) Căn cứ trên kỹ năng của học viên, việc xác định đơn vị có thể gồm hai bước nhỏ:
- a) Học viên có thể chỉ xác định khi một đơn vị thông tin đã được trình bày.
- b) Học viên có thể tổng hợp thông tin chứa trong đơn vị đã được xác định.
14) Học viên thảo thuận việc xác định và tổng hợp các đơn vị thông tin.
Phản hồi của học viên ở giai đoạn phân tích này sẽ khá đa dạng và sự khác nhau của các phân tích là hữu ích. Vì không có cách “đúng và duy nhất” để dịch một thông điệp nhất định, sẽ không có cách “đúng và duy nhất” để xác định đơn vị. Nếu một học viên có thể giải trình việc mô tả các đơn vị của mình, thì câu trả lời đó là hợp lý và chấp nhận được. Ví dụ, học viên có thể nghe câu bằng tiếng Anh “Tôi không đến cuộc họp đó đâu!”. Một học viên có thể xác định câu nói này là một đơn vị duy nhất. Một học viên khác có thể xác định đây là hai đơn vị. Học viên đó có thể giải thích: “Một đơn vị là mô tả buổi họp, đơn vị thứ hai là giải thích việc tôi không tham gia”. Cả hai câu trả lời đều đúng. Cần đánh giá trả lời của học viên dựa trên hai tiêu chí: Học viên đó có xử lý thông tin một cách hợp lý không? Liệu việc xác định đơn vị thế này có hướng học viên đó đến một cách dịch phù hợp hay không?
Xác định các Chi tiết
15) Học viên xem/ nghe bài trình bày lần cuối cùng
16) Học viên mô tả các chi tiết chứa trong các đơn vị. Việc này có thể làm theo hai cách:
- a) Học viên chỉ đơn thuần mô tả các chi tiết mà không dịch. Ví dụ: học viên có thể trả lời: “Đầu tiên bạn cần giải thích rằng đây là cuộc họp thường kỳ của các nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương, Sau đó bạn cần nói rằng bạn sẽ không tham gia”
- b) Học viên có thể nói hoặc ký hiệu ngón tay các chi tiết bằng một bài dịch NNĐ chấp nhận được.
Khi làm việc với học viên ở cấp độ đơn vị và chi tiết, cần cân nhắc một vài khái niệm về “chi tiết” mà thực ra là các phần không thể thiếu của thông tin hợp thành một đơn vị. Ví dụ, khi học viên không thể nhớ các tính từ, danh từ, đại từ, cần “khoảng trống” trong phần mô tả đơn vị của các học viên, nhưng yêu cầu rằng nó sẽ phải được xác định ở cấp độ chi tiết. Mặc dù thông tin này là cần thiết để mô tả một đơn vị, học viên sẽ phần nào cảm thấy thoải mái hơn khi biết một câu trả lời kiểu “Cô bé đưa áo choàng cho một ai đó… bố hoặc mẹ cô ấy” là chấp nhận được khi mô tả về đơn vị. Lúc đó sẽ nói: “Em đã bỏ sót một chi tiết, lần tới em sẽ phải nhìn/nghe chi tiết đó cẩn thận hơn”. Điều này sẽ tạo cho sinh viên cảm giác tự tin về thông tin mà họ đã thu nạp được, và hướng các em trong việc hồi phục lại các thông tin bị bỏ lỡ bằng cách chú ý cẩn thận hơn vào một chi tiết cụ thể, hoặc hỏi thêm thông tin cụ thể từ diễn giả. Điều này cũng chống lại xu hướng của sinh viên thường hay quá tập trung vào phần thông tin bị bỏ lỡ (“tôi bỏ lỡ mất một ký hiệu chữ cái ngón tay/ tính từ/ đại từ v.v., vì vậy tôi mất phương hướng”)
Thực hành: Chi tiết – đến – Mục đích
Giai đoạn này của chiến lược phân tích nội dung được thiết kế để đưa sinh viên đến gần hơn với dịch song song. Nó bao gồm việc xử lý và dịch một nội dung thông qua các đơn vị thông tin và việc xác định theo định kỳ các mục tiêu và mục đích của thông điệp. Việc đánh giá định kỳ quá trình dịch và bản thân việc dịch có thể được hoàn thành trong bài tập thực hành này.
Giai đoạn này có thể được tiếp cận theo hai cách. Cách thứ nhất là sự đảo chiều của bài tập Mục đích- đến – Chi tiết, với trọng tâm chính là phân tích và xác định các thành phần nội dung. Cách thứ hai căn cứ vào quá trình dịch từng đoạn thông điệp với sự phân tích định kỳ hoặc cuối cùng nhằm xác định mục tiêu và mục đích.
Chi tiết – đến – Mục đích: Bước 1
Chuẩn bị
1) Học viên lấy thông tin chủ đề của bài gốc
2) Học viên xác định từ vựng, phương hướng của nội dung, mục đích của bài
Xác định các đơn vị và chi tiết
3) Nếu làm việc theo một nhóm, một học viên sẽ xem hoặc nghe bài gốc
4) Học viên đó dừng băng tại điểm kết thúc mỗi đơn vị
5) Sau đó học viên đó sẽ phải:
- a) xác định sự hoàn thành một đơn vị, và
- b) tóm tắt thông tin có trong đơn vị, bao gồm càng nhiều chi tiết bài gốc càng tốt
6) Trong suốt quá trình này, các học viên sẽ cần xác định các đơn vị thông tin ẩn ý, và mô tả các thông tin ẩn ý cần được dịch.
7) Học viên dự đoán thông tin có thể đến trong đơn vị tiếp theo.
8) Các học viên xem/ nghe một đơn vị thông tin nữa, đánh giá sự chính xác của các dự đoán, và tiếp tục tóm tắt.
9) Tùy thuộc vào sự năng động của nhóm, các học viên khác có thể hỗ trợ hoặc thảo luận về phần phân tích và trình bày của người học viên chịu trách nhiệm.
Xác định các mục tiêu
10) Theo định kỳ, người học viên dừng quá trình để xác định các mục tiêu. Học viên có thể tự đặt câu hỏi:
- Các đơn vị thông tin đã được khám phá cho đến giờ đã cung cấp đủ thông tin để xác định mục tiêu chưa?
- Mục tiêu của phần thông điệp này là gì?
- Mục tiêu này liên hệ như thế nào với các mục tiêu trước đó?
- Dựa vào thông tin bạn đã nhận được cho đến giờ, dự đoán mục tiêu tiếp theo sẽ là gì?
11) Tùy vào sự năng động của nhóm và mục đích của luyện tập, các học viên khác có thể tham gia cùng thảo luận.
Xác định mục đích
12) Tại một điểm hợp lý trong quá trình phân tích, học viên dừng việc phân tích lại để tóm tắt các mục tiêu và để dự đoán hoặc xác định mục đích.
13) Học viên cần xác định mục đích:
- Các đơn vị và mục tiêu được khám phá cho đến giờ đã cung cấp đủ thông tin để mô tả mục đích chưa?
- Mục đích của bài là gì?
14) Các học viên khác có thể hỗ trợ hoặc thảo luận về phần phân tích của người học viên chịu trách nhiệm.
Thảo luận về quá trình
15) Khi kết thúc phân tích, học viên có thể thảo luận về quá trình: độ chính xác của việc xác định đơn vị, mục tiêu và mục đích, và độ chính xác của các dự đoán diễn ra trong suốt cả quá trình.
Chi tiết – đến – Mục đích: Bước 2
Chuẩn bị
1) Học viên lấy thông tin chủ đề của bài gốc
2) Học viên xác định từ vựng, phương hướng của nội dung, mục đích của bài
Dịch từng đoạn các đơn vị thông tin
3) Nếu làm việc theo một nhóm, một học viên sẽ xem/nghe bài gốc
4) Học viên đó dừng băng tại điểm kết thúc mỗi đơn vị
5) Học viên đó dịch từng đoạn đơn vị thông tin, bao gồm các chi tiết và các đơn vị ẩn ý
6) Các học viên dự đoán thông tin có thể đến trong đơn vị tiếp theo.
7) Các học viên xem/ nghe một đơn vị thông tin nữa, đánh giá sự chính xác của các dự đoán, và tiếp tục quá trình dịch từng đoạn.
8) Các học viên khác có thể hỗ trợ hoặc thảo luận về phần phân tích và dịch của người học viên chịu trách nhiệm. Học viên có thể thảo luận bằng cách hỏi:
- Phần dịch đã hoàn chỉnh chưa?
- Phần dịch đã chính xác chưa? đã mang đầy đủ thông tin và các chi tiết quan trọng chưa?
- Phần dịch có ổn về mặt ngữ pháp không?
- Người dịch có tìm được các ngôn từ tương ứng trong NNĐ không?
- Các chi tiết và đơn vị có đồng đều không? Chúng có nghĩa không?
- Luồng thông tin có phản ánh đúng thông tin chứa trong bài gốc hay không?
- Các chi tiết và đơn vị có tạo ra được một ý nghĩa tổng thể hay không?
Xác định các mục tiêu
9) Theo định kỳ, học viên cần dừng quá trình để xác định các mục tiêu với những câu hỏi:
Luồng thông tin có dẫn dắt khán giả hiểu được các mục tiêu một cách rõ ràng như chúng được trình bày trong bài gốc hay không?
Phần dịch có hướng khán giả hiểu được ý định của diễn giả hay không?
10) các học viên khác có thể tham gia cùng thảo luận và phân tích
Xác định mục đích
11) Tại một điểm hợp lý trong quá trình phân tích, học viên dừng việc phân tích lại để tóm tắt các mục tiêu và để dự đoán hoặc xác định mục đích với các câu hỏi: Luồng thông tin có dẫn dắt khán giả hiểu được mục đích của diễn giả như được thể hiện trong bài gốc hay không? Phần dịch có giúp khán giả hiểu được thông điệp một cách tổng thể hay không?
12) Các học viên khác có thể cùng tham gia thảo luận.
Thảo luận về quá trình
13) Khi kết thúc phân tích, học viên có thể thảo luận về quá trình: độ chính xác và hoàn chỉnh của phần dịch, của viêc xác định các mục tiêu và mục đích, của các dự đoán, của luồng thông tin, và sự khám phá ra thông điệp tổng thể.
Học viên có thể thực hành chiến lược này với các diễn giả trực tiếp, và khuyến khích các em thảo luận về mục đích của diễn giả trước khi dịch. Trong khi các phiên dich thường không có thuận lợi với kiến thức sẵn có trong mỗi bài dịch, chiến lược này khuyến khích các học viên sử dụng thảo luận ‘tiền hội nghị’ cùng với các lợi ích khác của việc này, nhằm nắm được ý định của diễn giả trong mỗi bài trình bày.
Kết luận
Có thể nhận thấy:
- Chiến lược dường như trùng hợp với cách mà trí óc đi tìm ý nghĩa, cụ thể là cách mà trí óc chúng ta làm việc để sắp xếp các nghĩa.
- Nó cho học viên một khuôn khổ để tìm nghĩa, và từ đó tìm từ tương ứng. Học viên sẽ không còn cố để làm tất cả mọi viêc cùng một lúc, mà họ có khả năng xử lý phần thông tin họ tìm kiếm trong một khoảng thời gian nhất định.
- Nó cho học viên một hệ thống quản lý thông tin bị mất. Chiến lược hoạt động ngược lại với việc “bị lạc mất hướng đi và không biết bắt đầu lại từ đâu”. Học viên có thể “bỏ lỡ” một hay một số đơn vị thông tin, và lại có khả năng phục hồi và xác định lại phần thông tin bị mất. Nếu họ không thể dừng bài phát biểu lại thì họ cũng biết rằng họ có thể bắt đầu lại khi họ xác định được một đơn vị thông tin mới. Khi làm việc với một diễn giả trực tiếp, người có thể tạm dừng và thảo luận với phiên dịch, thì học viên có thể đề nghị diễn giả nhắc lại hoặc nói rõ hơn về chính phần thông tin bị mất đó.
- Nó giúp cho học viên cách theo dõi bài dịch của chính mình. Các học viên đã thực hành phương pháp này sẽ liên tục hỏi mình: Phần dịch đó có nghĩa không? Nó có khớp với phần mình đã dịch trước đó không? Chúng ta đã đi qua những đâu? Theo mình thì diễn giả sẽ đi đến đâu?
- Nó thay đổi chất lượng sản phẩm dịch. Học viên có được một lý do hợp lý để sử dụng không gian, chú dẫn, tạm dừng và biến tố.
- Các học viên thể hiện ngay sự thoải mái hơn khi dịch. Trong giai đoạn đầu, họ biết rằng có nhiều cơ hội để điều chỉnh các lỗi. Sau khi áp dụng chiến lược này, họ cho thấy khả năng điều khiển tăng lên, đồng thời sự lo lắng và áp lực giảm đi. Họ biết mình cần tìm cái gì và có một hệ thống để phục hồi các thông tin họ bỏ lỡ.
- Nó cho phép tất cả học viên cùng tham gia ở một mức độ nhất định. Với sự đa dạng của học viên trong lớp học, chiến lược này cho phép giáo viên có các mức mong đợi khác nhau đối với từng sinh viên, và cho phép mỗi sinh viên đều được trải nghiệm một thành công nhất định. Một số sinh viên sẽ có thể xác định được các đơn vị thông tin một cách chính xác. Với các em khác mà kỹ năng của họ chưa thể đảm đương được việc dịch hay tóm tắt đơn vị thông tin thì cũng có thể tham gia vào thảo luận về mục đích và mục tiêu. Tất cả học viên đều có thể tham gia vào việc phân tích ở một mức độ nhất định và có thể góp phần vào quá trình hiểu và học hỏi của cả nhóm.
Đánh giá nội dung 1:
- Hãy phân tích khái niệm giao tiếp
- Hãy phân tích bốn yếu tố Mục đích, mục tiêu, đơn vị và chi tiết của thông điệp
- Nêu những gì học được trong thực hành phân tích thông điệp.
[1] Seleskovitch 1978
[1] Isham 1986