Mô đun 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIÁO DỤC TRẺ ĐIẾC TRƯỚC TUỔI ĐẾN TRƯỜNG (1)
(Tổng số 15 tiết: 10 tiết lý thuyết – 5 tiết thực hành)
Bài 1: Trẻ điếc và giáo dục trẻ điếc ở Việt Nam
- Mục tiêu: Sau khi học xong học viên có khả năng:
- Trình bày được khái niệm trẻ điếc, nêu được các mức độ điếc và những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển ngôn ngữ nói; Nêu được một số nguyên nhân gây điếc ở trẻ.
- Nêu được một số mô hình giáo dục trẻ điếc ở Việt Nam, chương trình giáo dục sử dụng ở các mô hình giáo dục khác nhau, tình hình đội ngũ giáo viên dạy trẻ điếc ở Việt Nam hiện nay.
- Thời gian: 5 tiết (Lý thuyết: 3 tiết – Thực hành:2tiết)
III. Phương tiện, đồ dùng dạy học
- Clip minh họa các hình ảnh học tập, sinh hoạt của trẻ điếc trong trường chuyên biệt và hòa nhập
- Giấy A0, giấy mầu, băng keo, kéo,..
- Nội dung kiến thức
4.1. Khái niệm trẻ điếc, các mức độ điếc và nguyên nhân gây điếc
Hoạt động 1. Tìm hiểu khái niệm trẻ điếc
- Nêu những hiểu biết của anh/chị về trẻ điếc/khiếm thính?
- Thảo luận nhóm: 2 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Trẻ điếc là những trẻ em bị suy giảm sức nghe ở các mức độ khác nhau, dẫn đến khó khăn trong giao tiếp và ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của trẻ
Hoạt động 2: Các mức độ điếc
- Nêu những hiểu biết của anh/chị về trẻ điếc?
- Thảo luận nhóm: 2 người
Dựa vào mức độ suy giảm thính lực người ta chia ra các mức độ điếc khác nhau:
Mức độ |
Khả năng nghe |
Mức I: Điếc nhẹ
Mất thính lực từ 20- 40 dB |
Trẻ còn nghe được hầu hết những âm thanh nhưng không nghe được tiếng nói thầm. |
Mức II: Điếc vừa
Mất thính lực từ 41-70 dB |
Trẻ có thể nghe được những âm thanh to, đặc biệt không nghe được tiếng nói chuyện bình thường. |
Mức III: Điếc nặng
Mất thính lực từ 71- 90 dB |
Trẻ chỉ nghe được tiếng nói to, sát tai. |
Mức IV: Điếc sâu
Mất thính lực trên 90 dB |
Trẻ hầu như không nghe được trừ một số âm thanh thật to như tiếng sấm, tiếng trống to. |
Với các trẻ điếc nhẹ và vừa, trẻ vẫn có khả năng phát triển ngôn ngữ nói nếu được hỗ trợ tốt. Với những trẻ điếc nặng và điếc sâu, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe và phát triển ngôn ngữ nói nếu không được chăm sóc tốt về mặt thính học như: chẩn đoán mức độ điếc, chỉ định đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai…, tạo môi trường nghe tốt…Do vậy, các trẻ này cần sử dụng ngôn ngữ kí hiệu (NNKH) để giao tiếp. Trong khuôn khổ của dự án, dự án tập trung nhiều vào đối tượng này và gọi là trẻ điếc. [8]
Tuỳ theo vị trí bị tổn thương (tai ngoài, tai giữa hay tai trong) người ta chia ra làm 3 loại điếc:
- Điếc dẫn truyền: Bị tổn thương ở tai ngoài và tai giữa.
- Điếc tiếp nhận: Bị tổn thương ở tai trong.
- Điếc hỗn hợp: Kết hợp cả 2 loại điếc trên
Hoạt động 3.Tìm hiểu nguyên nhân gây điếc
- Theo anh/chị bị điếc do nguyên nhân nào gây nên?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Khuyết tật thính giác ở trẻ em có thể gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Người ta có thể chia ra làm ba nhóm nguyên nhân theo các giai đoạn phát triển của trẻ.
Nguyên nhân trước khi sinh
- Những bệnh do vi rút gây nên như: Bệnh quai bị, cúm,…
- Bẩm sinh: Mất hoặc giảm khả năng hoạt động của các bộ phận của tai như ống tai ngoài bị bịt kín, chuỗi xương con bị xơ cứng…
Nguyên nhân trong khi sinh
- Đẻ ngạt.
- Thai ngược, khi đẻ phải dùng dụng cụ trợ giúp (foóc – xép).
- Đẻ thiếu tháng.
Những nguyên nhân sau khi sinh
- Bệnh tật: Viêm màng não, sởi, các bệnh do vi rút như: cúm, quai bị, viêm tai giữa
- Chấn thương
- Tiếng động quá mạnh hay áp suất lớn tác động.
Nguyên nhân khác
- Sử dụng thuốc quá liều lượng cho phép hoặc sai chỉ định
- Nhiễm độc thuốc khi mẹ mang thai.
- Suy dinh dưỡng
- Di truyền.
4.2. Các mô hình giáo dục trẻ điếc ở Việt Nam
Hoạt động 1. Tìm hiểu mô hình giáo dục chuyên biệt
- Anh/chị hiểu thế nào là giáo dục chuyên biệt? phân tích ưu và nhược điểm của mô hình giáo dục chuyên biệt
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Hiện nay, ở Việt Nam có ba phương thức giáo dục chủ yếu cho trẻ điếc: Giáo dục chuyên biệt, Giáo dục hội nhập, Giáo dục hòa nhập
+ Giáo dục chuyên biệt: Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục tách biệt trẻ điếc vào cơ sở giáo dục riêng theo chương trình giáo dục riêng.
* Ưu điểm của giáo dục chuyên biệt
- Giúp cho một bộ phận trẻ điếc được chăm sóc và giáo dục
- Một số giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
- Chương trình được thiết kế riêng cho phù hợp với trẻ điếc.
- Trẻ điếc được học cùng với các trẻ điếc khác nên dễ dàng trong việc giao tiếp, trao đổi thông tin bằng NNKH.
* Nhược điểm của giáo dục chuyên biệt
- Giáo dục chuyên biệt là quan niệm, đánh giá không đúng về trẻ điếc nói chung và trẻ điếc nói riêng, tách trẻ ra khỏi cộng đồng.
- Trẻ điếc học ở một trường lớp riêng biệt nên có sự phân biệt giữa trẻ điếc và trẻ bình thường.
- Chỉ có một bộ phận trẻ điếc được giáo dục, không phải tất cả trẻ điếc, không đảm bảo được quyền bình đẳng cho mọi trẻ điếc.
- Việc giáo dục tách biệt trẻ làm cho trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm và cản trở trẻ không phát triển hết khả năng của mình.
- Trẻ điếc học ở trường chuyên biệt có thể rất xa nhà nên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập.
Hoạt động 2. Tìm hiểu mô hình giáo dục hội nhập
- Anh/ chị hiểu thế nào về mô hình giáo dục hội nhập?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
+ Giáo dục hội nhập: Giáo dục hội nhập là phương thức giáo dục trẻ điếc trong lớp học riêng nằm trong môi trường phổ thông bình thường. Trong quá trình giáo dục, trẻ điếc nào có đủ khả năng sẽ được học chung ở một số môn học hoặc tham gia một số hoạt động với trẻ bình thường.
* Ưu điểm của giáo dục hội nhập
- Giúp cho một bộ phận trẻ điếc được chăm sóc và giáo dục
- Một số giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
- Trẻ điếc được học cùng với các trẻ điếc khác nên dễ dàng trong việc giao tiếp, trao đổi thông tin bằng NNKH.
* Nhược điểm của giáo dục hội nhập
- Trẻ điếc học ở một trường lớp riêng biệt nên có sự phân biệt giữa trẻ điếc và trẻ bình thường.
- Chỉ có một bộ phận trẻ điếc được giáo dục, không phải tất cả trẻ điếc, không đảm bảo được quyền bình đẳng cho mọi trẻ điếc.
- Việc giáo dục tách biệt trẻ làm cho trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm và cản trở sự phát triển của trẻ.
Hoạt động 3. Tìm hiểu mô hình giáo dục hòa nhập
- Anh/chị hiểu thế nào về giáo dục hòa nhập cho trẻ điếc?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
+ Giáo dục hòa nhập: Giáo dục hòa nhập GDHN) là phương thức giáo dục trong đó trẻ điếc cùng học với các trẻ bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi trẻ sinh sống.
* Ưu điểm của giáo dục hòa nhập:
- Mọi trẻ điếc đều được tôn trọng, bình đẳng như mọi trẻ em khác.
- Trẻ điếc được học ở trường nơi mình đang sinh sống nên được gần với gia đình, thuận tiện trong việc sinh hoạt và học tập.
- Trẻ được học cùng một chương trình giáo dục phổ thông như mọi trẻ em khác.
- Chương trình, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, cách đánh giá được điều chỉnh cho phù hợp với trẻ điếc.
- Trẻ điếc được tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa hết khả năng của mình.
* Nhược điểm của giáo dục hòa nhập
- Học cùng các trẻ bình thường khác nên việc giao tiếp của trẻ điếc với các bạn gặp nhiều khó khăn.
- Trong lớp học có nhiều trẻ, giáo viên phải đảm bảo mục tiêu dạy học cho tất cả các trẻ nên sự quan tâm, sát sao đến từng cá nhân trẻ điếc bị hạn chế.
- Phần lớn giáo viên không biết sử dụng NNKH làm cho trẻ điếc khó tiếp thu nội dung bài giảng.
4.3. Chương trình giáo dục và đội ngũ giáo viên dạy trẻ điếc ở Việt Nam
Hoạt động 1. Tìm hiểu các chương trình giáo dục trẻ điếc
- Theo anh/chị trẻ điếc học hòa nhập sử dụng chương trình nào? Trẻ điếc học chuyên biệt học chương trình nào?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Trẻ điếc học hòa nhập sẽ học cùng chương trình phổ thông với trẻ bình thường Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với khả năng của trẻ điếc
Đối với trẻ điếc học ở các trường lớp chuyên biệt, sẽ học theo chương trình chương trình riêng, chương trình được chi tiết hóa phù hợp với đặc điểm người học và điều kiện thực hiện chương trình đó.
Năm 2010, Bộ giáo dục & đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục chuyên biệt cấp tiểu học, chương trình được thiết kế 6 năm (lớp 1A, lớp 1B, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 6) do Viện khoa học giáo dục Việt Nam biên soạn. Chương trình có đưa vào một số môn học như: Luyện nghe nhằm phát triển khả năng nghe – nói cho trẻ nghe kém hoặc trẻ điếc đeo các thiết bị trợ thính phù hợp; môn NNKH giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp bằng NNKH; môn Phát triển giao tiếp giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp. Điều kiện thực hiện chương trình ở một số địa phương còn nhiều bất cập như: học sinh không có thiết bị trợ thính, giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng dạy trẻ điếc, thiếu khả năng sử dụng NNKH,…nên chương trình này chưa được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương.
Hoạt động 2. Tìm hiểu đội ngũ giáo viên dạy trẻ điếc ở Việt Nam
- Theo anh/chị đội ngũ giáo viên dạy trẻ điếc được đào tạo như thế nào?
- Thảo luận nhóm: 4 người
Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Hiện nay trong một số trường đại học, cao đẳng đã thành lập khoa giáo dục đặc biệt, có các chương trình đào tạo chính qui, tại chức, chuyên tu về giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, còn tổ chức các chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ về giáo dục đặc biệt song tuy nhiên số lượng giáo viên được đào tạo còn ít.
Trong chương trình đào tạo giáo viên cũng đã chú trọng đưa 1 học phần NNKH. Tuy nhiên, lượng thời gian còn quá ít để giáo viên có kỹ năng sử dụng NNKH. Do vậy, hầu hết giáo viên dạy trẻ điếc còn hạn chế sử dụng NNKH trong việc giảng dạy. Cho nên, chất lượng giáo dục trẻ điếc chưa được hiệu quả.
4.4. Thực hành
Hoạt động: Xem Clip hoặc tham quan và dự 01 tiết dạy trẻ điếc trong lớp hòa nhập và 01 tiết dạy trẻ điếc trong lớp chuyên biệt
Yêu cầu học viên:
- Nêu những điểm khác nhau ở trường hòa nhập và trường chuyên biệt
- Nhận xét các phương tiện giao tiếp giáo viên sử dụng trong giảng dạy học sinh ở trường chuyên biệt và trường hòa nhập
- Nhận xét khả năng tiếp thu nội dung bài học của trẻ điếc trong các môi trường giáo dục khác nhau.