Giới thiệu

TV Spot – Giới thiệu Dự án IDEO

“Khiếm thính hay Điếc?”- Triết lý giáo dục qua tên gọi

Hiện nay, trong xã hội chúng ta nói chung và trong lĩnh vực giáo dục cho những người có vấn đề về “nghe” nói riêng thường hay băn khoăn hoặc có sự tranh luận về 2 thuật ngữ “ĐIẾC” và “KHIẾM THÍNH” dùng từ nào thì tốt hay đúng hơn. Cũng có người thì bảo rằng gọi sao cũng được chỉ là tên gọi thôi mà, “ Điếc” hay “KHIẾM THÍNH” thì cũng vậy thôi cần gì phân biệt. Vậy 2 thuật ngữ này đơn thuần chỉ là cách gọi tên sao cho nghe lọt tai hay là có phản ánh quan điểm giáo dục hoặc cách nhìn nhận về đối tượng này không? Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến những vấn đề có liên quan đến 2 thuật ngữ này.

Phần đông trong cộng đồng người Nghe (là người có khả năng nghe bình thường) thường hay thích dùng từ “khiếm thính” và tránh dùng từ “điếc”. Nhưng trong cộng đồng những người không có khả năng nghe thì họ tự gọi mình là người Điếc. Vậy nên gọi theo cách nào là đúng?

Theo suy nghĩ của nhiều “người Nghe” thì dùng từ “khiếm thính” nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn là dùng từ “Điếc” là bởi vì theo thói quen từ trước tới nay, chúng ta quen dùng từ “điếc” để phê bình hay nhiếc mắng một người nào đó khi họ không làm theo yêu cầu hay không lắng nghe lời của mình. Ví dụ như khi gọi một ai đó, gọi hoài mà họ không trả lời vì một lý do nào đó, ta có thể bực mình và nói “bộ điếc hả, sao không trả lời.” Hoặc trên giao lộ một số tài xế xe tải bấm còi để yêu cầu ai đó tránh đường cho mình đi trước, nếu người đó không nhường đường thì khi xe tải qua mặt sẽ được nghe một câu mắng là “điếc hả mậy!” Do đó, khi dùng từ này để chỉ những người không nghe được về mặt vật lý thì nhiều người nghĩ là sao lại dùng từ nặng thế, khó nghe thế. Dùng từ khiếm thính cho nó nhẹ nhàng hơn, lịch sự hơn và có vẽ tôn trọng người khác hơn. Nhưng thật ra, có phải là tôn trọng hơn không hay lại là nặng nề hơn? Chúng ta hãy thử phân tích từ ngữ này theo một khía cạnh khác xem sao.

“Khiếm thính” theo nghĩa Hán Việt có 2 nghĩa. Một là “mất khả năng nghe”. Những người điếc từ khi lọt lòng mẹ (điếc bẩm sinh) thì họ đã có khả năng nghe đâu để mà mất ? Nghĩa thứ hai là “thiếu khả năng nghe”. Khi chúng ta cho họ là ” thiếu khả năng nghe” đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta cho mình, “người Nghe” là người có đầy đủ khả năng về nghe hơn họ, chúng ta không thiếu khả năng nghe. Còn họ “người điếc” thì thiếu khả năng nghe. Tóm lại, từ “khiếm thính” này hàm ý là NGHE > KHIẾM THÍNH.

Ngược lại, khi gọi họ là người “Điếc” và ta là người “Nghe” nếu ta hiểu cách gọi này theo một nghĩa đen của nó có nghĩa là anh không nghe còn tôi thì nghe. Điều này cũng giống như ta nói là anh không thích còn tôi thích. Như thế giữa tôi và anh có một sự khác biệt về một lĩnh vực nào đó.

Với cách gọi “ĐIẾC đối chiếu với NGHE, chỉ thể hiện là anh và tôi là khác nhau. Còn nếu gọi là: KHIẾM THÍNH đối chiếu với NGHE có nghĩa là tôi hơn anh. Giữa KHÁC BIỆT và HƠN thì theo bạn từ nào là nặng hơn? Cách gọi “KHIẾM THÍNH” là cách nhìn người điếc về mặt y học, chỉ chú trọng đến cái tai của họ, đến sự thiếu sót một phần nào đó trong cấu tạo cơ thể của một con người hoàn hảo. Cách gọi “ĐIẾC” là cách nhìn người điếc về mặt văn hóa/ xã hội học, nhìn nhận sự đa dạng trong một xã hội, cách gọi nào là nhân văn hơn?

Khi những người tự gọi mình là Điếc có nghĩa là họ nhìn nhận một sự thực về bản thân họ là họ không nghe được. Và điều đó giúp họ nhận ra được là có những người thì nghe được. Vậy là thế giới này chia thành 2 nhóm người khác biệt: nghe và không nghe. Còn nếu bảo họ tự gọi mình là “thiếu/mất nghe” (khiếm thính) thì họ không hiểu là mình thiếu/mất cái gì. Bởi vì họ đã từng có đâu để mà biết thế nào là thiếu hay mất. Vả lại thiếu thì có thể bù vào cho đủ nhưng với họ, người điếc thì lấy gì để bù vào phần thiếu đây?

Trong cách phân tích như thế, ta thấy những người nghe thì tạo ra ngôn ngữ giao tiếp với nhau dựa trên những âm thanh và ngôn ngữ này thể hiện qua tiếng nói (Ngôn ngữ nói) . Còn những người không nghe được thì họ tạo ra ngôn ngữ theo hình ảnh mà họ nhìn thấy và được thể hiện qua bàn tay, gọi là Ngôn ngữ Ký hiệu. Hai ngôn ngữ khác biệt của hai cộng đồng khác biệt trong một xã hội chung. Và khi xưng mình là người Điếc cũng đồng nghĩa với việc là họ nhìn nhận và tự hào rằng cộng đồng của họ có một nền văn hóa và một ngôn ngữ riêng khác với người nghe: Ngôn ngữ Ký hiệu và Văn hóa Điếc, và phương thức giao tiếp của họ là bằng Ngôn ngữ ký hiệu.

Thêm vào đó, trong cộng đồng người Điếc, từ “khiếm thính” thường được những người Điếc dùng để chỉ những người có khả năng sử dụng sức nghe còn lại của mình với sự trợ giúp của máy nghe để có thể phát âm và sử dụng được ngôn ngữ nói của cộng đồng người nghe. Từ “khiếm thính” hàm ý chỉ những người sử dụng ngôn ngữ nói (Tiếng Việt, Tiếng Anh…) trong giao tiếp với người khác chứ không sử dụng hoặc không biết ngôn ngữ ký hiệu. Hiện nay, trong nền giáo dục Điếc của nhiều nước trên thế giới cũng đang dần hạn chế sử dụng từ “Hearing impaired” (khiếm thính) mà thay vào đó là dùng từ “hard of hearing” hay “lãng tai” (Nghe khó) vì theo định nghĩa về ý nghĩa của 2 từ này thì từ “khiếm thính” nghe có vẻ nặng nề hơn là từ “nghe khó”.

Vậy nên dùng thuật ngữ nào là tùy vào quan điểm của người sử dụng. Nếu họ hiểu ý nghĩa của 2 thuật ngữ này thì sẽ lựa chọn cách dùng. Ngoài ra, dùng từ nào còn tùy theo yêu cầu của đối tượng mà họ giao tiếp với. Nếu người đó muốn ta gọi họ là Điếc thì ta sẽ gọi họ Điếc còn nếu họ muốn được gọi là Khiếm thính thì ta sẽ gọi là Khiếm thính, tức là tôn trọng ý muốn của người mà mình giao tiếp chớ không bàn việc đúng hay sai ở đây.

.