MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 5: CÁC KỸ NĂNG DỊCH: DỊCH ĐUỔI VÀ DỊCH SONG SONG (Phần 1)

MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 5: CÁC KỸ NĂNG DỊCH: DỊCH ĐUỔI VÀ DỊCH SONG SONG (Phần 1)

MÔ ĐUN 2: PHIÊN DỊCH NGÔN NGỮ KÝ HIỆU

CHỦ ĐỀ 5: CÁC KỸ NĂNG DỊCH: DỊCH ĐUỔI VÀ DỊCH SONG SONG (Phần 1)

I. Tổng quan

Dịch song song và dịch đuổi theo đoạn là hai mô hình thường dùng trong dịch trực tiếp từ ngôn ngữ kí hiệu sang ngôn ngữ nói và ngược lại. Một đặc điểm riêng biệt của dịch giữa ngôn ngữ kí hiệu và ngôn ngữ nói là hai ngôn ngữ được tạo ra bằng những hình thức khác nhau, một bằng ký hiệu và một bằng lời nói, vì vậy đã tạo ra một quan điểm từ lâu rằng do không có sự chồng chéo về âm thanh như khi dịch giữa hai ngôn ngữ nói, nên không cần phải dịch theo đoạn. Trong nội dung học phần này, sẽ xem xét một số quan điểm và định kiến của cả phiên dịch viên lẫn và khách hàng; đồng thời sẽ xem xét lựa chọn dịch song song hay đuổi theo đoạn đối với độ chính xác của việc dịch. Các nghiên cứu chủ yếu ở Canada và Mỹ, những nguyên tắc này cũng có thể áp dụng với các phiên dịch viên NNKH khác trên thế giới đặc biệt ở Việt Nam, nơi phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu mới được hình thành.

Mục tiêu của chủ đề 5

Mục tiêu

Người học hiểu và phân tích được bản chất và các yếu tố của dịch đuổi và dịch song song; đồng thời lựa chọn được mô hình dịch phù hợp với điều kiện thực tế.

Mục tiêu kiến thức

  • Trình bày được hiểu biết của mình về dịch đuổi và dịch song song;
  • Phân tích mô hình dịch đuổi và dịch song song.

Kĩ năng

  • Phân tích các mô hình dịch đuổi và dịch song song;
  • Lựa chọn và thể hiện mô hình dịch trong các tình huống khác nhau.

Thái độ

  • Tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của cộng đồng người Điếc
  • Có thói quen không ngừng trau dồi năng lực NNKH
  • Có thái độ hợp tác và học hỏi trong lĩnh vực phiên dịch giáo dục người Điếc.
  • Ý thức rõ và thể hiện hành vi đạo đức của nghề phiên dịch NNKH.

II. Giới thiệu chủ đề 5

TT Nội dung Thời gian
Tổng số Lí thuyết Thực hành
1 Một số vấn đề chung về dịch đuổi và dịch song song 05 5 0
2 Các mô hình lý thuyết về dịch đuổi và dịch song song 70 10 60

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện chủ đề 5

– Điều kiện tiên quyết khi học mô đun: sau khi học xong mô dun 1 và mô dun 2

IV. Nội dung:

Nội dung 1: Một số vấn đề chung về dịch đuổi và dịch song song

Nhiệm vụ của học viên: nghiên cứu và trả lời câu hỏi sau đây

  1. Thế nào là dịch theo đoạn (dịch đuổi)?
  2. Thế nào là dịch song song?
  3. Việc dịch theo đoạn hay dịch song song đòi hỏi những kĩ năng gì?
  4. Lựa chọn dịch theo đoạn hay dịch song song dựa trên những yếu tố nào?

Thông tin nguồn cho nội dung 1:

Việc chọn dịch đuổi hay dịch song song là một vấn đề quan trọng khi quyết định cách dịch chính xác nhất cho mọi người tham gia vào sự kiện. Việc này quan trọng với mọi người tham gia: các phiên dịch viên NNKH và phiên dịch viên ngôn ngữ nói. Một số người coi dịch đuổi theo đoạn là cách dịch chậm hơn người nói vài giây để có thời gian xử lý thông tin, một số người khác lại cho rằng người nói phải dừng hẳn lại để phiên dịch viên chuyển tải lại thông tin. Trong tài liệu này, Dịch đuổi được hiểu là dịch sau khi người nói hoặc ký hiệu đã nói xong một vài ý, và dừng lại để phiên dịch viên chuyển tải lại thông tin. Dịch song song là khi dịch cùng lúc với bài gốc đang được nói.

Dù dịch đuổi hay dịch song song, quá trình dịch đều có điểm chung và diễn ra các bước sau đây:

  1. a) phiên dịch viên tiếp nhận thông tin từ bài gốc;
  2. b) các đơn vị ngôn ngữ và ý nghĩa được kết nối và tạm lưu giữ đến khi PDV đủ lượng đơn vị / thông tin để hiểu được ý nghĩa;
  3. c) một nhóm các đơn vị ngôn ngữ và ý nghĩa (gọi là một phân đoạn/ khối) được phân tích để hiểu được ý định và mục đích nói, các ý tưởng và hàm ý, và vô số các yếu tố xã hội – ngôn ngữ có ảnh hưởng đến ý nghĩa của những gì được phát biểu. Những yếu tố này có thể gồm giới tính, địa vị của người nói, bối cảnh, và các yếu tố hoàn cảnh khác như tác động hay tầm quan trọng của thông tin với người nhận;
  4. d) Phiên dịch viên tìm cách diễn đạt tương đương cả về mặt ngôn ngữ lẫn văn hóa, có tính đến cả tập tục văn hóa và hàm ý trong thông tin;
  5. e) Phiên dịch viên tìm các đơn vị ngôn ngữ, đơn vị ý nghĩa, và cách thể hiện trong ngôn ngữ dịch để chuyển tải chính xác ý người nói;
  6. f) Thực hiện việc dịch; và
  7. g) Phiên dịch viên theo dõi phản ứng và tự đánh giá, để phát hiện lỗi hay những điểm cần chỉnh sửa.

Nếu nhìn nhận việc dịch theo lý thuyết thông tin, có thể thấy quá trình dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào và đầu ra cũng như khoảng thời gian chồng lấn giữa khi nói và hiểu, khoảng cách giữa nghe và dịch lại – còn gọi là thời gian xử lý, ảnh hưởng của tốc độ nói trong bài gốc và các khoảng ngập ngừng và khả năng nhớ của phiên dịch viên dịch. Ngoài ra, khi dịch song song, việc dịch diễn ra dưới áp lực thời gian nặng nề.

Quá trình rèn luyện các kỹ năng dịch đuổi theo đoạn và dịch song song, các phiên dịch viên thường mắc những lỗi sau đây khi tiến hành dịch:

  1. Phiên dịch viên coi việc dịch như một hoạt động giải mã, tìm kiếm một ký hiệu để thay cho một từ, chứ không phải tìm kiếm ý nghĩa sâu hơn và tạo ra bản dịch phù hợp cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp. Với phiên dịch viên NNKH, cách làm này khiến phiên dịch viên chỉ tìm từ để thay cho ký hiệu và dùng cấu trúc ngôn ngữ nói khi dịch ra ngôn ngữ ký hiệu.
  2. Phiên dịch viên không có căn bản dịch theo đoạn mà bắt đầu dịch song song ngay, mà không nhận ra tương quan giữa thời gian xử lý thông tin và số lỗi khi dịch. Bởi vì ngôn ngữ nói và viết không giống nhau, chúng không xen lẫn nhau. Việc này dẫn đến một quan điểm có từ lâu là do không có sự chồng chéo tín hiệu nên không cần phải dịch theo đoạn. Do không có căn bản về dịch theo đoạn, phiên dịch viên thường phát triển những thói quen ăn sâu, trong đó thiếu nhiều bước trong quá trình tư duy, và do đó chỉ dịch ở mức độ từ ngữ. Ảnh hưởng của việc này lên người điếc là tự họ phải “dịch” lại thông tin ký hiệu của phiên dịch viên và cố hiểu ý nghĩa của thông tin. Với khán giả là người điếc đây là một tình huống mà bản dịch không đáp ứng được nhu cầu và lựa chọn về ngôn ngữ của họ.
  3. Phiên dịch viên không hiểu được lợi ích của dịch theo đoạn, và thiếu qui trình giúp họ quyết định khi nào thì dịch theo đoạn (ví dụ, khi nội dung hết sức phức tạp hay khó nhớ, hay khi bản chất tình huống phù hợp với dịch theo đoạn, như một buổi phỏng vấn lấy thông tin). Ngoài ra, học viên không có khả năng giảng giải về lợi ích của dịch theo đoạn với đồng nghiệp và khách hàng để có thể thực sự bàn bạc về quyết định chọn dịch theo đoạn khi làm việc.

Để khắc phục hạn chế này cần được rèn luyện kỹ và thực hiện theo từng bước một. Cụ thể:

Rèn luyện kỹ năng nên tập trung chủ yếu vào các loại tình huống giao tiếp đã được xác định trong thông tin về bối cảnh làm việc, qua đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của phiên dịch viên và khách hàng. Các tình huống giao tiếp bao gồm hỏi đáp, trình bày, giới thiệu và thuyết phục.

Rèn luyện cả ba loại hình: dịch văn bản, dịch đuổi theo đoạn và sau đó mới dịch song song. Trong mỗi tình huống nên phân chia theo thời gian rèn luyện theo tỷ lệ sau:

  • 50% thời lượng trên lớp cho kỹ năng biên dịch;
  • dịch theo đoạn là 40%; và
  • dịch song song là 10%.

Niềm tin và định kiến

Câu hỏi khi nào dịch đuổi, khi nào dịch song song? Luôn là vấn đề cần được xem xét kỹ. Có nhiều phiên dịch và khách hàng cũng có những định kiến và quan điểm coi nhẹ hiệu quả của dịch theo đoạn. Ví dụ, một trong những định kiến rất lớn trong nghề là nếu phiên dịch phải dịch theo đoạn, người đó không giỏi bằng phiên dịch viên song song. Từ quan điểm của người Điếc – khách hàng, họ thích được dịch đuổi theo đoạn hơn. Tuy nhiên khách hàng người Điếc cũng nêu rõ là họ không muốn phiên dịch vừa học vừa thử dịch theo đoạn trong các buổi làm việc. Nếu phiên dịch viên có thể sắp xếp và giúp cả người Điếc và người nghe cảm thấy được kết nối, dịch đuổi theo đoạn là phù hợp. Nhưng cắt ngang người nói giữa chừng, hay bắt họ phải đợi lâu khi dịch, thì không được chấp thuận. Điều này cho thấy nếu phiên dịch viên có định hướng xử lý thông tin rõ ràng, biết rõ khi nào có thể yêu cầu người nói hoặc ký hiệu tạm dừng mà không làm gián đoạn bài nói và có thể ghi chép khi không cắt ngang được, thì khách hàng Điếc sẵn sàng thử sử dụng dịch đuổi theo đoạn. Một số người điếc thấy dịch theo đoạn giống như cách con cái của người Điếc làm khi học cách giúp bố mẹ giao tiếp với người nói. Một quan điểm khác của cả một số phiên dịch viên lẫn người Điếc là dịch theo đoạn làm mất thời gian. Tuy nhiên có thể phản biện ý tưởng này rằng nếu dịch song song mà không chính xác và đòi hỏi sửa lại và làm rõ nhiều lần thì còn mất nhiều thời gian hơn. Nói cho cùng, chính người phiên dịch góp phần tạo ra những định kiến này. Họ tạo cho khách hàng tư tưởng rằng dịch song song là tốt hơn vì chính họ ít khi dùng cách dịch theo đoạn, không đề cập đến dịch đuổi theo đoạn để cả khi họ dùng cách dịch này khi làm việc, và không ủng hộ những đồng nghiệp cố gắng dịch theo đoạn một cách hiệu quả. Dịch đuổi theo đoạn được dùng trong nhiều tình huống như tại toà án, phỏng vấn và tư vấn. Ở Canada, các cơ chế tuyển chọn nhân sự như Cộng cụ Tuyển chọn Phiên dịch cho Y tế của British Columbia, Đăng ký Phiên dịch trên Trung cấp của British Columbia, và Công cụ Tuyển chọn Phiên dịch cho người Điếc và nghe kém của Alberta, đều cho phép phiên dịch được chọn cách dịch theo đoạn, song song hoặc kết hợp cả hai trong các phần thi dịch phỏng vấn. Tháng 6 năm 2003, AVLIC thông qua một loạt biểu quyết trong cuộc họp thường niên nhằm tạo ra các tài liệu thi tuyển mới cho phép thí sinh được chọn cách dịch theo đoạn trong các phần dịch phỏng vấn.

Đánh giá nội dung 1:

  1. Hãy phân tích khái niệm dịch đuổi và dịch song song và xác định sử dụng phương thức dịch nào trong các tình huống cụ thể.
  2. Hãy phân tích các hạn chế phiên dịch viên thường gặp và nêu các giải pháp khắc phục những hạn chế.


Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc