MÔ ĐUN 1: NGÔN NGỮ KÍ HIỆU VÀ VĂN HÓA NGƯỜI ĐIẾC (2)

MÔ ĐUN 1: NGÔN NGỮ KÍ HIỆU VÀ VĂN HÓA NGƯỜI ĐIẾC (2)

CHỦ ĐỀ 2: NGÔN NGỮ KÍ HIỆU VIỆT NAM (Phần 1)

I. Tổng quan

Để phiên dịch tốt một ngôn ngữ nào đó, người phiên dịch cần nắm bắt các quy ước, nguyên tắc của ngôn ngữ ấy ở các đơn vị, cấp độ khác nhau. Ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam là ngôn ngữ của của người Điếc Việt Nam, chứa đựng các giá trị về văn hóa và những nét đặc trưng riêng của một ngôn ngữ.

Học phần này cung cấp cho người học (trở thành phiên dịch viên) những thông tin chung khái quát về NNKH Việt Nam (khái niệm, lịch sử hình thành và phát triển, các nhân tố ảnh hưởng và tính vùng miền của NNKH Việt). Đồng thời, cung cấp cho người học những đặc điểm cơ bản về các cấp độ ngôn ngữ kí hiệu (âm vị, hình vị, từ vựng, cú pháp). Từ đó, người học có thể nắm bắt và vận dụng các đặc điểm này trong công việc phiên dịch, hỗ trợ nhóm làm việc cũng như giao tiếp với cộng đồng người Điếc Việt Nam.

Mục tiêu của mô-đun

Về kiến thức

  • Trình bày khái niệm ngôn ngữ kí hiệu và một số vấn đề cơ bản về ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam;
  • Hiểu đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam;
  • So sánh các đặc điểm ở các đơn vị ngôn ngữ kí hiệu với các đơn vị ngôn ngữ nói/ tiếng Việt

Về kỹ năng

  • Hình thành các kỹ năng giao tiếp bằng NNKH thông qua việc vận dụng các cấu trúc NNKH Việt Nam.
  • Sử dụng phương pháp kiến tạo phân loại vốn kí hiệu Việt Nam;
  • Thực hành các kỹ năng: phân tích kí hiệu (ở cấp độ từ, cụm từ và câu), mô tả, giải thích sự vật, hiện tượng, diễn đạt thông tin trong giao tiếp, thảo luận; kể lại câu chuyện …

Về thái độ

  • Coi trọng NNKH như một ngôn ngữ thứ nhất của người Điếc với đầy đủ các yếu tố, thành phần của một ngôn ngữ;
  • Tự trau dồi hiểu biết về NNKH, nâng cao chuyên môn trong nghề phiên dịch NNKH.

II. Giới thiệu chủ đề

TT Nội dung Thời gian
Tổng số Lí thuyết Thực hành
1 Một số thông tin chung về ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam 15 10 5
2 Đặc điểm các đơn vị ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam 35 25 10

 

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện

     – Điều kiện tiên quyết khi học chủ đề: sau khi học viên học xong chủ đề 1

IV. Nội dung

Nội dung 1: Một số thông tin chung về ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam

– Hoạt động: Tìm hiểu một số thông tin cơ bản về ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam

+ Ngôn ngữ kí hiệu là gì?

+ Ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam hình thành và phát triển như thế nào?

+ Các yếu tố nào ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ kí hiệu?

– Thông tin nguồn cho nội dung 1

  • Khái niệm ngôn ngữ kí hiệu

Ngôn ngữ kí hiệu là thứ ngôn ngữ sử dụng hình dạng bàn tay, chuyển động cơ thể, cử chỉ, điệu bộ và sự thể hiện trên khuôn mặt để trao đổi kinh nghiệm, suy nghĩ, nhu cầu và cảm xúc.

NNKH là ngôn ngữ của cộng đồng người Điếc. Nó là ngôn ngữ bẩm sinh và tự nhiên của người Điếc, được cộng đồng người Điếc ưa chuộng. Nó là phương tiện giao tiếp phức tạp và toàn diện như bất cứ một ngôn ngữ nào. Nó cũng là phương tiện được mã hóa chuyển tải thông tin và bị chi phối bởi các quy tắc ngữ pháp. Tuy nhiên, không giống như ngôn ngữ nói, NNKH không chuyển tải thông điệp qua phương tiện truyền âm mà qua phương tiện hình ảnh còn được gọi là ngôn ngữ thị giác. NNKH được “phát âm” bằng cử chỉ được thực hiện qua đôi tay với những quy tắc nhất định. Các kí hiệu bằng tay được bổ sung thêm và được bổ nghĩa bởi cách thể hiện trên nét mặt và cử động của cơ thể.

Những nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học hiện đại đã phát hiện ra NNKH. Cũng như các ngôn ngữ khác, NNKH cũng trải qua nhiều thay đổi. Họ khám phá ra rằng NNKH có cấu trúc ngữ pháp riêng và có thể truyền tải tất cả các khái niệm trừu tượng.

  • Sự hình thành và phát triển NNKH Việt Nam

Theo Chỉ số dân tộc học (the Ethnologue Index) liệt kê, hiện này có 103 ngôn ngữ kí hiệu được sử dụng trên khắp thế giới. Giống như những ngôn ngữ khác, để được sử dụng, duy trì và phát triển ngôn ngữ kí hiệu cần có một lượng người sử dụng. Tuy nhiên, trong nhiều xã hội, người khiếm thính sống trong những cộng đồng không đủ đông để duy trì một ngôn ngữ kí hiệu thực sự.

Ở Việt Nam – Trường Câm Điếc Lái Thiêu, tiền thân của Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An là cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo người khiếm thính. Trường được linh mục chính xứ họ đạo Lái Thiêu tên Azemar (còn được gọi là cha Lực) thành lập năm 1886. Từ năm 1866 cha Azemar lúc bấy giờ là cha sở họ đạo Lái Thiêu đã qui tụ khoảng 5 trẻ điếc để dạy ngôn ngữ và đạo đức, đến năm 1880 cha gửi Nguyễn Văn Trường một thanh niên câm điếc sang Pháp để học về phương pháp dùng kí hiệu ngôn ngữ, khi anh Trường về nước, cha Azemar chính thức tuyên bố mở trường dạy trẻ điếc vào năm 1886. Vì thế NNKH của Việt Nam cũng xuất phát từ NNKH Pháp và hiện nay còn nhiều kí hiệu cơ bản giống kí hiệu của Pháp. Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, sau 35 năm thống nhất Việt Nam vẫn chưa có điều kiện thống nhất những kí hiệu giao tiếp cơ bản, chưa nghiên cứu để xác định và hình thành cho mình 1 hệ thống NNKH thực thụ. Ngôn ngữ kí hiệu thành phố Hồ Chí Minh được hệ thống hóa dựa trên sự kết hợp giữa NNKH của người Điếc Việt Nam sử dụng trước năm 1886 và NNKH của Pháp đã mang tới Việt Nam.

Từ năm 2000 đến nay, các câu lạc bộ Điếc, nhóm dạy, nhóm sinh hoạt NNKH bắt đầu hình thành và nở rộ. Điều này tạo điều kiện cho NNKH Việt Nam phát triển và phổ biến rộng ra cộng đồng người Nghe.

Trên thực tế ở mỗi quốc gia, NNKH đóng vai trò khác nhau trong cộng đồng người Điếc và được quan tâm, ủng hộ khác nhau từ phía nhà nước và các lực lượng chức năng khác. Nhiều quốc gia coi NNKH là một ngôn ngữ độc lập và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, song một số quốc gia còn đứng trước nhiều con đường lựa chọn về phương tiện giao tiếp cho người Điếc.  NNKH ở Việt nam được hình thành khá sớm và có một số bước phát triển. Trong mấy năm trở lại đây, việc quan tâm đến người khuyết tật nói chung và người Điếc, khiếm thính nói riêng đã được đẩy mạnh, tạo cơ hội cho lực lượng này khẳng định được giá trị của mình trong xã hội.

  • Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển NNKH

Các nhân tố chủ quan

  • Mối quan hệ giữa cộng đồng người Điếc và cộng đồng người Nghe rộng hay hẹp?
  • Các thành viên trong cộng đồng người Điếc có thường xuyên liên lạc với nhau không?
  • Có cơ sở hạ tầng nào cho người Điếc không, ví dụ: câu lạc bộ, hiệp hội, tổ chức…
  • Người Điếc đã trở thành một nhóm/ cộng đồng riêng biệt chưa?

Các nhân tố khách quan

  • Tình hình kinh tế quốc gia;
  • Sự can thiệp của giáo dục: chính sách giáo dục và chương trình giáo dục cho trẻ Điếc;
  • Chính sách nhà nước: công nhận NNKH là một ngôn ngữ độc lập và các chính sách liên quan;
  • Sự phát triển của khoa học công nghệ;
  • Sự can thiệp của y tế;
  • Đội ngũ phiên dịch viên NNKH.
  • Việt Nam có một hay một vài NNKH?

Trong một nước, việc có nhiều hơn một ngôn ngữ nói là điều phổ biến. Khi một nước có nhiều hơn một Ngôn ngữ kí hiệu cũng không phải là điều bất thường. Một phương pháp phổ biến dùng để xác định số lượng dấu hiệu (từ vựng) của một ngôn ngữ trong một nước nào đó là sử dụng bản thống kê từ vựng. Thống kê từ vựng so sánh những từ vựng căn bản cốt lõi của nhiều ngôn ngữ biến thể để tìm ra tỉ lệ phần trăm những từ cốt lõi có cùng gốc. Nếu tỉ lệ những từ cùng gốc của hai ngôn ngữ biến thể là 80% hoặc cao hơn thì hai ngôn ngữ này được phân loại là phương ngữ của cùng một ngôn ngữ.  Nếu tỉ lệ những từ cùng gốc của hai ngôn ngữ biến đổi khoảng từ 36% đến 79% thì hai ngôn ngữ này được phân loại là hai ngôn ngữ độc lập nhưng có mối liên hệ về lịch sử.  Nếu tỉ lệ những từ cùng gốc của hai ngôn ngữ biến thể dưới 36% thì hai ngôn ngữ này được phân loại là hai ngôn ngữ độc lập và không có mối quan hệ gì.

Một nghiên cứu của GS. James Clyde Woodward đã rằng có ít nhất 3 ngôn ngữ kí hiệu khác nhau nhưng có quan hệ với nhau ở Việt Nam: Ngôn ngữ kí hiệu thành phố Hồ Chí Minh, ngôn ngữ kí hiệu Hà Nội và ngôn ngữ kí hiệu Hải Phòng. Ngôn ngữ kí hiệu thành phố HCM và Hà Nội có 58% những từ vựng cốt lõi có cùng từ gốc.  Từ vựng cốt lõi của Ngôn ngữ kí hiệu Hải Phòng có cùng từ gốc với ngôn ngữ kí hiệu Hà Nội và thành phố HCM là 54%.

Cần lưu ý rằng những tỉ lệ này so với tỉ lệ những từ cùng gốc trong từ vựng cốt lõi của ngôn ngữ kí hiệu Pháp và ngôn ngữ kí hiệu Mỹ (62%) thì thấp hơn và dù khác biệt nhưng có mối liên hệ lịch sử, ngôn ngữ kí hiệu thành phố HCM, Hà Nội và Hải Phòng đều có mức độ quan trọng như nhau nên cả ba ngôn ngữ kí hiệu này cần được tôn trọng như nhau để cung cấp những dịch vụ bình đẳng cho những người điếc ở Việt Nam.

  • Đánh giá nội dung 1:
    • Ngôn ngữ kí hiệu có được coi là một ngôn ngữ không? Tại sao?
    • Phân tích quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam.

 Tài liệu tham khảo:

Tài liệu trong nước:

  1. Cao Thị Xuân Mĩ, Tìm hiểu quy luật diễn đạt bằng kí hiệu giao tiếp của người khiếm thính Việt Nam. Đề tài cấp Bộ, mã số B.2010 – 19 – 62.
  2. Nguyễn Thị Hoàng Yến (2005). Đại cương giáo dục trẻ khiếm thính, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Hoàng Yến (2012). Giáo dục Đặc biệt và những thuật ngữ cơ bản, Nhà Xuất Bản Đại Học Sự Phạm. Hà Nội, VN ( 417- 421).

Tài liệu nước ngoài:

  1. Betty G. Miller (2008), The America sign language phrase book, the Estate of Lou Fant and Barbara Bernstein Fant.
  2. Bill Moody (1983), La Langue des Signes, Centre Socio – Culturel des Sourds, Château de Vincennes 94300 Vincennes.
  3. Danien Brentari, Sign language, Published in the United States of America by Cambridge University Press, New York
  4. Niemann, Sandy, Greenstein, Devorah, David, Darlena (2004) – Nguyễn Thị Thục Anh, Đinh Bích Hạnh, Nguyễn Thị Cẩm Hường dịch (2006), Giúp đỡ trẻ Điếc, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội.
  1. G. Kyle and B.Woll with G.Pullen and F.Maddix (2002). Sign Language, the study of deaf people and their language, Cambridge University.
  2. Sandy Niemann. Devorah Greenstein and Darlena David, Helping children who are deaf, Hesperian, Berkeley, California, United State of America.
  3. Woodward, J 2000. Những Ngôn ngữ Kí hiệu và Những họ Ngôn ngữ Kí hiệu ở Thái Lan và Việt Nam. Trong Nhìn lại những Biểu tượng của Ngôn ngữ: Hợp tuyển để tỏ lòng kính trọng Ursula Bellugi và Edward Klima, Biên tập Karen Emmorey và Harlen Lane, 23-47. Mahway, N.J. : Nhà xuất bản Lawrence Eribaum.
  4. Woodward, J 2003. Những Ngôn ngữ Kí hiệu và Những Đặc tính của Ngôn ngữ Kí hiệu ở Thái Lan và Việt Nam. Trong Là người Điếc trong nhiều cách: Những Biến đổi toàn cầu trong những Cộng đồng Điếc, Biên tập Leila Mohagan, Constanze Schmaling, Karen Nakamura và Graham H. Turner, 283-301. Wasshington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Gallaudet.

Trang mạng xã hội (website)

  1. http://www.deafservice.edu.vn
  2. http://handspeak.com

 

Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc