Trả lời các câu hỏi của cha mẹ về sự phát triển của trẻ

Trả lời các câu hỏi của cha mẹ về sự phát triển của trẻ

Cha mẹ (và những người quan tâm khác) có rất nhiều câu hỏi về sự phát triển của trẻ – trong mỗi lĩnh vực thuộc 4 lĩnh vực phát triển chính (nhận thức, tình cảm – xã hội, ngôn ngữ và thể chất). Trong vai trò là thành viên của Nhóm Hỗ trợ gia đình, bạn chuẩn bị các câu trả lời để giải đáp cho cha mẹ của trẻ.

Dự án IDEO không yêu cầu các bạn phải giải đáp các câu hỏi này ở mức độ như là người đã nghiên cứu về sự phát triển của trẻ, về ngôn ngữ ký hiệu hoặc là giáo dục trẻ Điếc. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn nên chia sẻ với cha mẹ của trẻ những thông tin, kiến thức về lĩnh vực phát triển của trẻ – và/hoặc sự phát triển chung – điều này giúp cha mẹ hiểu hơn về sự phát triển của trẻ và làm thế nào để cha mẹ có thể hỗ trợ sự phát triển này.

Bằng cách trả lời các câu hỏi của cha mẹ một cách đơn giản và trực tiếp, và / hoặc chia sẻ với họ rằng bạn sẽ tìm hiểu nhiều hơn để cung cấp cho cha mẹ trẻ những câu trả lời cụ thể, cha mẹ tăng thêm sự tin tưởng vào bạn – thành viên của nhóm Hỗ trợ gia đình.

Tiến trình giải đáp thắc mắc cho cha mẹ của trẻ:

  • Nhóm Hỗ trợ gia đình nên trả lời các câu hỏi. Nếu các thành viên trong gia đình trẻ hỏi PDVNNKH, thì PDVNNKH nên dịch những câu hỏi này cho HDVTĐ.
  • Trong trường hợp nhóm HTGĐ không đưa ra được câu trả lời cụ thể, các bạn nên đưa ra một câu trả lời chung và nói với phụ huynh rằng các bạn sẽ tìm hiểu thêm để giải đáp thắc mắc của phụ huynh vào buổi học tới.
  • Sau khi buổi học kết thúc, HDVTĐ và PDVNNKH có thể thảo luận thêm về câu hỏi này để làm rõ những thắc mắc của phụ huynh. HDVTĐ và PDVNNKH có thể thảo luận với các cán bộ dự án IDEO – và những cán bộ phụ trách nhóm Hỗ trợ gia đình ở cả miền Bắc và miền Nam, Tuấn Linh và Dũng. Nếu các bạn cần các thông tin cụ thể hơn, cán bộ dự án IDEO có thể thảo luận thêm với các giảng viên nước ngoài.
  • HDVTĐ quay trở lại gia đình của trẻ và cung cấp các thông tin cho cha mẹ của trẻ trong khi PDVNNKH dịch nội dung.

Câu trả lời chung:

Trong khóa tập huấn chúng tôi đã được học về vấn đề này. Sự phát triển của trẻ được thúc đẩy qua sự tương tác tự nhiên, bao gồm các hoạt động vui chơi, là nơi trẻ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ ký hiệu chỉ về các đồ vật, người và sự kiện liên quan trong trò chơi. Tuy nhiên, tôi sẽ suy nghĩ thêm về câu hỏi của anh chị và trả lời vào buổi học tới.

Một số ví dụ về cách trả lời các câu hỏi liên quan tới 4 lĩnh vực phát triển chính:

NHẬN THỨC:

Tất cả các hoạt động trong nhóm HTGĐ đều kích thích sự phát triển nhận thức của trẻ. Việc giao tiếp bằng ký hiệu với trẻ làm kích hoạt vùng trung tâm ngôn ngữ trên não của trẻ. Sau đó, bằng cách cho trẻ tham gia vào các hoạt động khác nhau (trò chuyện, chơi, kể chuyện, dạy các ký hiệu…), trẻ sẽ phát triển nhận thức về nhiều điều và mối liên hệ giữa những điều đó. Ví dụ, cho trẻ thấy sự khác nhau về kích thước giữa 2 đồ vật – một quả bóng nhỏ và một quả bóng to – trẻ sẽ hiểu cách nhận ra những đồ vật này (và những đặc điểm của từng đồ vật) cũng như biết so sánh những điểm khác nhau giữa 2 đồ vật. So sánh là một dạng khả năng nhận thức trong tâm trí của trẻ.

TÌNH CẢM – XÃ HỘI:

Khi tôi (HDV hỗ trợ trẻ Điếc) giới thiệu các hoạt động, tôi đang làm mẫu những cách tiếp cận để thu hút sự chú ý, mời tham gia, cho trẻ hiểu cách giao tiếp lịch sự với tôi (trong vai trò giáo viên), các thành viên trong gia đình và PDVNNKH. Từ những hoạt động này – và các cách hướng dẫn khác, thể hiện sự đồng ý/ không đồng ý, cảm ơn và yêu cầu trẻ cảm ơn người khác – trẻ học các giá trị văn hóa Việt Nam và phép lịch sự.

NGÔN NGỮ:

Nghiên cứu về sự phát triển của trẻ cho thấy sự tương tác giữa người Điếc trưởng thành đã kích thích và thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trẻ càng được tiếp xúc sớm với những người sử dụng NNKH (người Điếc trưởng thành, cha mẹ nghe biết sử dụng NNKH), vùng trung tâm ngôn ngữ trong não của trẻ càng tiếp nhận NNKH nhanh chóng. Khi trẻ đã có thể hiểu được những nội dung và ngữ pháp của NNKH, những hiểu biết này có thể được chuyển giao sang việc dạy ngôn ngữ phổ thông cho trẻ (Tiếng Việt đọc và viết). Bởi vì khi trẻ có nền tảng ngôn ngữ thứ nhất rồi (mà với trẻ Điếc thì học nhiều nhất là qua mắt nhìn, nên ngôn ngữ ký hiệu mới là ngôn ngữ thứ nhất của trẻ) thì trẻ mới có thể học và hiểu tốt ngôn ngữ thứ hai.

Cho dù người Điếc trưởng thành trước đây không có cơ hội học lên cao, họ vẫn có khả năng ký hiệu những câu nói hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp và thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ bắt đầu tham gia vào hệ thống giáo dục, các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng giáo viên là người Điếc sử dụng NNKH thuần thục sẽ giúp kết quả học tập của trẻ tốt hơn.

THỂ CHẤT:

Bằng cách cầm nắm thao tác với những đồ vật có kích thước, cấu trúc, và cân nặng khác nhau, trẻ có thể phát triển khả năng sử dụng ngón tay và bàn tay theo nhiều cách (vận động tinh). Những khả năng này thúc đẩy sự phát triển vận động tinh phức tạp như là cầm bút và viết, sử dụng các đồ vật hàng ngày để tự chăm sóc bản thân (cài cúc áo, chải tóc). Thông qua những hoạt động này, trẻ bắt đầu hiểu được những đặc tính của đồ vật và các hoạt động, và mối liên hệ giữa những chuyển động cơ thể trẻ với những sự kiện liên quan. (Ví dụ: Nguyên nhân và kết quả – Dùng lực mạnh ném quả bóng, quả bóng lăn ra xa; ném quả bóng nhẹ nhàng, quả bóng chỉ lăn gần).

Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc