Mô đun 3: SỰ PHÁT TRIỂN VÀ HỌC TẬP CỦA TRẺ ĐIẾC TỪ 0 – 6 TUỔI (2)

Mô đun 3: SỰ PHÁT TRIỂN VÀ HỌC TẬP CỦA TRẺ ĐIẾC TỪ 0 – 6 TUỔI (2)

(Tổng số 45 tiết: 15 tiết lý thuyết – 30 tiết thực hành)

Bài 2: Sự phát triển của trẻ điếc từ 0 – 6 tuổi

  1. Mục tiêu
  • Trình bày được đặc điểm phát triển của trẻ điếc trong độ tuổi từ 0 – 6 tuổi.
  • Nhận biết được một số đặc điểm và biểu hiện tâm lý của trẻ điếc.
  • Có kỹ năng quan sát, ghi chép các đặc điểm phát triển và tâm lý của trẻ trong một số tình huống cụ thể.
  1. Thời gian: 35 tiết (Lý thuyết: 10 tiết – Thực hành: 25 tiết)
  • Phương tiện, đồ dùng dạy học
  • Giấy Ao, giấy màu, băng keo, kéo…
  • Tranh ảnh, clips
  1. Nội dung
    • Bốn lĩnh vực phát triển của trẻ điếc từ 0 – 6 tuổi và tâm lý trẻ điếc – 2 tiết

Hoạt động 1: Tìm hiểu bốn lĩnh vực phát triển của trẻ điếc từ 0 – 6 tuổi

  • Nêu Bốn lĩnh vực phát triển của trẻ điếc theo hiểu biết của anh/chị?
  • Nhóm: 2 người

Thông tin trả lời cho hoạt động 1:

Sự phát triển của trẻ điếc về 4 lĩnh vực ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm – xã hội và thể chất cũng phát triển theo trình tự thời gian như trẻ nghe. Do ảnh hưởng về sức nghe, tùy từng lĩnh vực và tùy theo từng cá nhân trẻ mà trẻ điếc phát triển bình thường hay chậm hơn so với trẻ nghe.

Sự phát triển ngôn ngữ: Do mất thính lực nên việc lĩnh hội ngôn ngữ và biểu đạt ngôn ngữ của trẻ điếc khó khăn hơn trẻ nghe rất nhiều, đặc biệt chậm nhiều hơn so với ngôn ngữ nói. Trẻ điếc thường kết hợp các từ/ký hiệu ở tuổi muộn hơn so với trẻ nghe, mãi đến khi 5 – 6 tuổi trẻ mới bắt đầu sử dụng những thông tin thuộc cú pháp có tinh qui mô hơn. Sự tưởng tượng của trẻ điếc cũng bị hạn chế, trẻ cũng mất nhiều thời gian để hiểu những ý ẩn dụ, nghĩa bóng của từ, những hình ảnh tượng trưng. Sự phát triển cấu trúc ngữ pháp của trẻ điếc dường như cũng theo các giai đoạn và sự liên tục như ở trẻ nghe nhưng sự phát triển này ở một tố độ chậm hơn nhiều. Hầu hết những thanh niên điếc ở tuổi 18 mới chỉ nắm vững được rất ít cấu trúc cú pháp của ngôn ngữ quốc gia (đối với Việt Nam là tiếng Việt).

Trẻ Điếc giao tiếp và học nhiều nhất là qua mắt nhìn; vì vậy cử chỉ điệu bộ, các ký hiệu và ngôn ngữ ký hiệu mới là ngôn ngữ tự nhiên trẻ cảm nhận được ngay từ khi sinh ra và là ngôn ngữ thứ nhất của trẻ. Khi trẻ có nền tảng ngôn ngữ thứ nhất rồi thì trẻ mới có thể học và hiểu tốt ngôn ngữ thứ hai (tiếng Việt).

Sự phát triển nhận thức: Quá trình và khả năng phát triển nhận thức của trẻ Điếc cũng như những trẻ nghe đồng trang lứa. Thường thì tư duy của trẻ điếc đơn giản và mang tính dập khuôn. Nếu được giao tiếp và học NNKH sớm, trẻ sẽ có cơ hội phát triển toàn diện sớm hơn.

          – Sự phát triển tình cảm xã hội của trẻ điếc cũng như trẻ nghe. Trẻ điếc được học các giá trị văn hóa Việt Nam ngay từ nhỏ, điều này liên quan tới sự phát triển tình cảm xã hội của trẻ. Trẻ học cách tương tác với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, với bạn bè, với mọi người xung quanh.

Sự phát triển thể chất của trẻ điếc cũng như trẻ nghe. Đối với trẻ điếc, sự khỏe mạnh của đôi mắt, sự phát triển vận động của bàn tay, ngón tay rất quan trọng trong giao tiếp và học tập.

Hoạt động 2: Tìm hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ điếc

  • Theo anh chị tâm lý của trẻ điếc có những đặc điểm gì?
  • Nhóm: 4-5 người

Thông tin trả lời cho hoạt động 2:

Trẻ điếc cũng có những đặc điểm tâm lý như trẻ nghe. Do bị ảnh hưởng về sức nghe nên có một số điểm tâm lý của trẻ điếc có khác so với trẻ nghe.

  • Cảm giác tri giác nghe :

Những kích thích âm thanh thường xuyên tác động lên cơ thể chúng ta, qua tai và qua đường xương. Trẻ nghe tiếp nhận phần lớn các kiến thức thông qua cảm giác tri giác thính giác, trẻ nghe không chỉ nhận biết qua quá trình giao tiếp đơn thuần mà trẻ luôn luôn có những câu hỏi thắc mắc và tìm kiếm câu trả lời qua các phương tiện thông tin. Trẻ khiếm thính/điếc, do bị mất hoặc hạn chế khả năng nghe nên trẻ gặp nhiều khó khăn trong quá trình nhận thức. Vì vậy, theo tự nhiên trẻ đòi hỏi có sự bù đắp qua các cảm giác tri giác khác.

  • Cảm giác tri giác nhìn :

Do mất hoặc giảm cảm giác tri giác thính giác nên ở trẻ khiếm thính/điếc cảm giác tri giác nhìn có vai trò đặc biệt quan trọng.

Thị giác trẻ khiếm thính/điếc đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ nhận thức thế giới chung quanh.Trẻ nghe học chủ yếu dựa vào cảm giác nghe và vận động, còn tri giác nhìn là thứ yếu. Ở trẻ khiếm thính/điếc do mất cảm giác tri giác nghe nên cảm giác tri giác nhìn và vận động trở nên đặc biệt quan trọng, là nền tảng để hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Trẻ khiếm thính/điếc tiếp nhận bằng mắt cấu tạo âm, cách phát âm (khi nói), hoặc việc tri giác hình tượng chữ viết, với những từ ngữ mang tính khái quát, trừu tượng hoá cao trẻ rất khó hiểu. Ngược lại, với cử chỉ điệu bộ, các ký hiệu và NNKH thì trẻ tiếp nhận dễ dàng hơn nhiều.

  • Cảm giác tri giác vận động:

Cảm giác vận động giúp ta biết về sự vận động của các bộ phận trong cơ thể, mức độ căng cơ cũng như vận động của cơ quan phát âm. Ở trẻ nghe cảm giác này thường không rõ vì nó xảy ra rất tự nhiên. Vai trò cảm giác vận động được tăng lên khi trẻ bị tổn thương cơ quan thính giác và thị giác.

Đối với trẻ điếc cảm giác vận động trở nên quan trọng trong việc nhận thức thế giới chung quanh, và quan trọng hơn cảm giác vận động đóng vai trò đặc biệt trong việc tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ. Cảm giác vận động là phương thức duy nhất giúp trẻ điếc cảm nhận, thể hiện và hiểu các khái niệm liên quan đến cơ thể của trẻ và hoạt động vận động.

Hình miệng, chữ cái ngón tay, cử chỉ điệu bộ, ký hiệu của trẻ điếc đều hình thành trên cơ sở cảm giác vận động và cảm giác nhìn.

  • Đặc điểm trí nhớ ở trẻ khiếm thính/điếc:

Trẻ điếc thường ghi nhớ một cách máy móc, ngắn hạn, không bền vững.

  • Trí nhớ vận động.

Khả năng ghi nhớ các hình ảnh vận động của trẻ điếc gắn liền với các hoạt động hàng ngày là tương đối tốt. Đặc biệt đối với hình ảnh lặp đi lặp lại thì trẻ điếc ghi nhớ tốt hơn. Việc ghi nhớ hoạt động hay những công việc lặp đi lặp lại trẻ điếc vận dụng nhiều giác quan như: Thị giác, xúc giác, vận động và cảm giác rung… Do đó khi trẻ mô tả lại thì không dùng các hình ảnh thu được qua lời nói mà sử dụng các phương tiện hỗ trợ như cử chỉ điệu bộ, NNKH để biểu đạt.

  • Trí nhớ hình ảnh.

Việc ghi nhớ các hình ảnh tri giác bằng lời của trẻ điếc hạn chế rất nhiều so với trẻ nghe. Khi 2 nhóm trẻ (một nhóm trẻ nghe và một nhóm trẻ điếc) cùng quan sát một số hình: Hình tròn, hình đa giác, hình tam giác … Sau khi quan sát xong 2 nhóm vẽ lại thì trẻ nghe thường ghi lại được nhiều nét cá biệt hơn trẻ điếc.

Những trẻ điếc lớn thường biểu thị hình ảnh bằng lời và kết hợp sử dụng cử chỉ điệu bộ minh họa, điều này có ý nghĩa tích cực với sự ghi nhớ của trẻ.

  • Trí nhớ từ ngữ, lôgíc.

Người ta đã tiến hành thí nghiệm: sự quan sát và ghi nhớ ba dạng từ của trẻ điếc và trẻ nghe:

+ Bài tập 1: Những từ biểu thị đồ vật và hiện tượng thu nhận bằng mắt (Các danh từ)

+ Bài tập 2: Những từ biểu thị chất lượng đồ vật đồ vật, từ thu nhận bằng xúc giác (Các tính từ)

+ Bài tập 3: Những từ biểu thị bằng âm thanh (Các tính từ)

Kết quả cho thấy :

  • Bài tập 1: Trẻ điếc quan sát các bức tranh có gắn các danh từ chỉ ý nghĩa của bức tranh thì trẻ nhớ được tương đối dễ dàng.
  • Bài tập 2: Trẻ điếc ghi nhớ các từ này kém hơn trẻ nghe vì có liên quan đến kinh nghiệm bản thân cũng như cảm giác của cơ thể con người.
  • Bài tập 3: Trẻ điếc ghi nhớ các từ biểu thị hiện tượng âm thanh kém hơn trẻ nghe vì điều này còn phụ thuộc vào sức nghe của trẻ.

Việc phân tích tính logic, trình tự thời gian của trẻ điếc cũng bị hạn chế nhiều.

  • Đặc điểm ngôn ngữ ở trẻ điếc:

Do ảnh hưởng của sức nghe (đầu vào của ngôn ngữ) nên ngôn ngữ biểu đạt của trẻ điếc thường nghèo nàn và đơn điệu; vốn từ ít và thường sử dụng những câu ngắn, câu cụt để giao tiếp.

Yếu tố cú pháp và ngữ nghĩa bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn “2 từ” hoặc “2 ký hiệu” của trẻ. Trẻ điếc tiếp nhận hình ảnh, sự vật xung quanh qua cảm giác tri giác nhìn là chính; những gì trẻ nhìn thấy trước, những gì trẻ cho là quan trọng thì trẻ sẽ “nói” trước. Trẻ điếc thường thể hiện nhiều từ/ký hiệu cùng một ngữ nghĩa như nhau. Điều này cho thấy vì sao trẻ điếc hay “nói” ngược so với cấu trúc câu của tiếng Việt. Và cũng giải thích vì sao NNKH tự nhiên của người Điếc lại có cấu trúc ngữ pháp riêng của họ.

4.2. Các mốc phát triển NNKH và đánh giá sự phát triển NNKH của trẻ điếc-  (23 tiết)

Hoạt động 1. Tìm hiểu các mốc phát triển NNKH của trẻ điếc –

Đọc tài liệu. Hãy mô tả các mốc phát triển NNKH của trẻ điếc? Lập một số từ/ký hiệu phù hợp với sự phát triển NNKH của trẻ theo từng giai đoạn. (50 ký hiệu)

  • Thảo luận nhóm: 4 người

Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 1

Trẻ nghe có mốc phát triển ngôn ngữ nói, trẻ điếc cũng có mốc phát triển ngôn ngữ ký hiệu theo từng giai đoạn phát triển của trẻ như dưới đây:

Trẻ 0-1 tuổi:

  • Hiểu rằng ký hiệu là biểu tượng để truyền tải nội dung giao tiếp
  • “Bập bẹ” ký hiệu
  • Những ký hiệu đầu tiên (chủ yếu là danh từ)

Trẻ 1-2 tuổi

  • Hiểu rằng cần có ánh mắt nhìn để đưa hoặc nhận thông tin
  • Tuân theo các hướng dẫn đơn giản
  • Biết dùng khoảng 50 ký hiệu
  • Dùng ký hiệu nói về các vật có hiện diện
  • Kết hợp 2 ký hiệu, và kết hợp chỉ trỏ và ký hiệu
  • Hỏi và hiểu các câu hỏi đơn giản, “ai” và “cái gì”

Trẻ 2 – 3 tuổi:

  • Biết hơn 250 từ/ký hiệu
  • Bắt đầu sử dụng chữ cái ngón tay
  • Dùng từ phủ định (“không”, “không có”, “không muốn”)
  • Thể hiện cảm xúc (các ký hiệu vui, buồn, tức giận)
  • Dùng NNKH để chia sẻ về các hoạt động và sự việc hàng ngày

 Trẻ 3 – 5 tuổi

  • Dùng các cử động hình ảnh gây chú ý trong giao tiếp NNKH (ngắt lời đúng lúc, thay lượt, thay đổi hướng nhìn)
  • Hỏi và hiểu các câu hỏi như ‘ở đâu’, ‘bằng cách nào’ và ‘tại sao’
  • Dùng các câu đơn giản, như chủ ngữ-động từ-vị ngữ; bắt đầu có các câu phức tạp
  • Dùng NNKH để tìm hiểu về mọi việc, để giải thích các trò chơi hay kể chuyện.

Hoạt động 2. Tìm hiểu vai trò của NNKH đối với sự phát triển của trẻ điếc

  • Theo anh/chị NNKH có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của trẻ điếc?
  • Thảo luận nhóm: 4 người

Thông tin phản hồi dành cho hoạt động 2

Việc học ngôn ngữ sớm, dù là ngôn ngữ nói hay NNKH, đều góp phần phát triển và củng cố các kỹ năng xã hội, nhận thức và kỹ năng đọc, viết.

Giai đoạn hiệu quả nhất để học ngôn ngữ nói hay NNKH là trước 5 tuổi.

Như chúng ta đã biết NNKH là ngôn ngữ “mẹ đẻ” của cộng đồng người điếc, là phương tiện chủ yếu người điếc giao tiếp với nhau. Cũng như vậy, trẻ điếc lớn lên cũng cần được sống trong môi trường NNKH tự nhiên. Trẻ càng được tiếp xúc sớm với những người sử dụng NNKH (người Điếc trưởng thành, cha mẹ nghe biết sử dụng NNKH), vùng trung tâm ngôn ngữ trong não của trẻ càng tiếp nhận NNKH nhanh chóng. Khi trẻ đã có thể hiểu được những nội dung  và ngữ pháp của NNKH, từ những hiểu biết này sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn khi chuyển sang việc học tiếng Việt  (đọc hiểu và viết). Nghiên cứu về sự phát triển của trẻ cho thấy sự tương tác giữa người Điếc trưởng thành đã kích thích và thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc rất nhanh. Sử dụng NNKH trong giao tiếp sẽ giúp trẻ điếc tự tin, thoải mái, xóa bỏ cảm giác mặc cảm, tự ti giữa cộng đồng người điếc cũng như cộng đồng xã hội nói chung.

Hoạt động 3: Thực hành trên lớp: sử dụng bảng kiểm sự phát triển NNKH của trẻ điếc

  • Nghiên cứu bảng kiểm sự phát triển NNKH của trẻ điếc (Phụ lục …)
  • Nhóm 4 người

Thông tin phản hồi cho hoạt động 2:

Tiến trình: (hoặc có thể sử dụng clips để quan sát)

  • Chuẩn bị: các nhóm chuẩn bị một danh sách các ký hiệu cần thực hành.
  • Phương pháp: nghiên cứu phiếu, đóng vai, thử nghiệm mẫu
  • Nhiệm vụ: các thành viên trong nhóm phân vai: 1 người thể hiện vai trẻ điếc (trẻ 3-4-5 tuổi), 1 người đóng vai mẹ của trẻ, 1 người quan sát, 1 người ghi chép.
  • Nội dung đóng vai: đóng vai trẻ điếc thể hiện theo mẫu đánh giá theo từng lứa tuổi, thể hiện các cử chỉ bàn tay, ngón tay, các ký hiệu đơn giản của trẻ, giao tiếp của trẻ với người lớn.
  • Yêu cầu: Hoàn thành bảng kiểm
  • Rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho chuyến đi thực tế.

Hoạt động 4: Thực hành đánh giá sự phát triển NNKH trên trẻ điếc

  • Đánh giá trực tiếp sự phát triển NNKH của trẻ tại trung tâm và gia đình.
  • Nhóm 4 người đã hoạt động trong hoạt động 2.

Thông tin phản hồi cho hoạt động 3:

Tiến trình:

  • Chuẩn bị: 1) Lập danh sách trẻ, 2) Phân nhóm phụ trách trẻ và phân công công việc trong nhóm. 2) Copy tài liệu cần thiết. 3) Làm quen với các phiên dịch của mỗi nhóm.
  • Phương pháp: quan sát, thảo luận nhóm, ghi chép
  • Nhiệm vụ: mỗi nhóm đánh giá 1 trẻ điếc tại trung tâm hoặc tại gia đình trẻ.
  • Nội dung: đánh giá trẻ theo mẫu đã thực hành.
  • Yêu cầu: hoàn thành các nội dung trong bảng kiểm
  • Nhận xét kết quả và rút kinh nghiệm

 

  • Nhu cầu giao tiếp đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc

Hoạt động 1: Tìm hiểu khái niệm “giao tiếp”.

  • Xem clip (có hình ảnh cha mẹ chơi với trẻ nghe, trẻ điếc). Theo các anh/chị, giao tiếp là gì?
  • Nhóm 2 người. Tập giao tiếp bẵng ký hiệu tại chỗ.

Thông tin phản hồi cho hoạt động 1:

Giao tiếp xảy ra khi:

  • Một người đưa ra thông tin, và
  • Một người khác nhận thông tin và phản hồi lại.

 

Untitled


Hoạt động 2: Tìm hiểu nhu cầu giao tiếp đối với phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc
Mọi người thường giao tiếp bằng ngôn ngữ nói hay cử chỉ/ký hiệu, trẻ bắt đầu giao tiếp trước khi trẻ có kỹ năng này. Ví dụ: một trẻ nhỏ đưa thông tin bằng cách cựa quậy người, kêu khóc; khi cha mẹ hiểu những hành động đó, đến gần và đáp ứng cho trẻ; như vậy họ đã thực hiện giao tiếp với nhau.

  • Nêu những suy nghĩ của anh/chị về nhu cầu giao tiếp của trẻ điếc?
  • Nhóm 2 người.

Thông tin phản hồi cho hoạt động 2:

Nhu cầu giao tiếp:

Trẻ điếc giống như trẻ nghe, đều có những biểu hiện sử dụng ngôn ngữ ngay từ bé, điều này dường như trẻ là trẻ thích trò chuyện một cách có chủ ý. Trẻ điếc xây dựng và phát triển hệ thống “chỉ trỏ” và điệu bộ trong khi thông báo những nhu cầu của chúng khi giao tiếp với người khác trong cộng đồng. Trẻ nghe bắt đầu kết hợp sự chỉ trỏ và điệu bộ với những “âm, tiếng”, sử dụng những mẫu âm thanh tương ứng không đổi và những mẫu này không xảy ra ở trẻ điếc, nhưng nhu cầu giao tiếp thì rất quan trọng với đối với cả trẻ điếc và trẻ nghe. Rất nhiều trẻ điếc tiếp tục sử dụng, mở rộng và soạn thảo công phu những hệ thống chỉ trỏ và cử chỉ điệu bộ. Hệ thống này trở nên có tổ chức, có luật lệ, có khả năng chi phối; và được xem như là một sự thực hiện chức năng trong cách dùng ký hiệu.

          Trẻ điếc cũng giống như trẻ nghe, nhu cầu giao tiếp của trẻ xuất hiện trước khả năng giao tiếp, khả năng giao tiếp có trước khi trẻ có khả năng sử dụng ngôn ngữ cho mục đích đó.

Giao tiếp với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc:

          Đáp ứng nhu cầu giao tiếp của trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trẻ điếc cũng như trẻ nghe đều đòi hỏi sự khuyến khích tích cực để duy trì hoặc phát triển những biểu hiện tốt. Ví dụ: Một trẻ điếc muốn uống nước, đến gần tủ lạnh và làm điệu bộ “chai nước”, lúc này người mẹ cần đáp ứng lại yêu cầu của trẻ bằng cách làm điệu bộ gì đó về chai nước và lấy chai nước cho bé, hoặc lắc đầu ra hiệu là bé chưa được uống nước. Như vậy trẻ hiểu rằng mẹ đã biết trẻ muốn gì, trẻ sẽ tiếp tục dùng “ngôn ngữ của mình” để giao tiếp/yêu cầu những việc khác mà trẻ muốn. Bằng cách này người mẹ đã tạo cơ hội giúp con mình phát triển ngôn ngữ.

Hoạt động 3: Thực hành tìm hiểu nhu cầu giao tiếp và khả năng của trẻ điếc

  • Tìm hiểu nhu cầu giao tiếp và khả năng của trẻ điếc tại trung tâm.
  • Nhóm 2 người

Thông tin phản hồi cho hoạt động 3:

Tiến trình:

  • Chuẩn bị: 1) Lập danh sách trẻ của trung tâm. 2) Phân nhóm phụ trách trẻ và phân công công việc trong nhóm. 3) Lập bảng quan sát dựa trên bài đã học. Copy tài liệu cần thiết.
  • Phương pháp: quan sát, thảo luận nhóm, ghi chép
  • Nhiệm vụ: mỗi nhóm làm việc với 1 trẻ điếc tại trung tâm
  • Nội dung: đánh giá trẻ theo nội dung đã học về nhu cầu giao tiếp và 4 lĩnh vực phát triển của trẻ điếc (khả năng)
  • Yêu cầu: hoàn thành các nội dung trong bảng quan sát
  • Nhận xét kết quả và rút kinh nghiệm

 

Kiểm tra cuối môđun (2 tiết)

  1. Thời gian kiểm tra:3 tiết
  • Chuẩn bị: 30 phút (các nhóm chuẩn bị đồng thời)  
  • Trình bày: 15 phút/nhóm (bao gồm các câu hỏi khác của giám khảo)
  1. Hình thức kiểm tra: Nhóm 4 – 5 người, thảo luận và trình bày
  2. Nội dung kiểm tra (được phép sử dụng tài liệu)
  • Lập bảng so sánh bốn lĩnh vực phát triển của trẻ nghe và trẻ điếc?
  • Nêu “Đặc điểm ngôn ngữ của trẻ điếc”. Nêu ví dụ minh họa.

 

Kỹ năng xã hội
37 đến 48 tháng Thường xuyên hợp tác, hạnh phúc và dễ bảo.

Ít bực bội vì những kỹ năng vận động đã được cải thiện nhiều.

Có thể vẫn tìm kiếm sự vỗ về của người thân mỗi khi mệt mỏi hay đói.

Học những cách thức thể hiện cảm xúc có tính xã hội hơn.

Có thể thay thế ngôn ngữ  để bày tỏ cảm xúc nguyên thủy.

Có thể sợ hãi bóng đêm, những con vật, những câu chuyện kể và những con quái vật.

4 tuổi Có thể kém dễ chịu và ít hợp tác hơn thời kỳ 3 tuổi.

Có thể thất thường hơn, cố gắng thể hiện tình cảm bằng lời nói.

Đấu tranh cho sự độc lập, cưỡng lại khi bị đối xử như một đứa trẻ con.

Có thể cứng đầu và cãi lại.

Học cách hỏi xin thay vì giật đồ vật từ người khác.

Có ý thức dần về thái độ và hỏi để được đồng ý.

Cần và tìm kiếm sự ủng hộ của cha mẹ.

Có cảm giác mạnh mẽ về gia đình và nhà.

Có thể trích dẫn lời cha mẹ và huênh hoang về cha mẹ trước bạn bè.

Có thể hứng thú với bạn bè hơn là với người lớn.

Chia sẻ đồ chơi với bạn thân.

Yêu cầu chơi theo lượt, nhưng không thể chờ đến lượt mình.

5 tuổi Sẵn sàng hợp tác.

Kiên nhẫn và hào phóng hơn.

Thể hiện sự tức giận bằng ngôn từ hơn là bằng hành động.

Cãi vã có lý lẽ hơn.

Phát triển nhận thức về sự công bằng.

Thích sự giám sát, chấp nhận những chỉ dẫn và hỏi xin sự cho phép.

Có nhu cầu mạnh mẽ về việc làm vui lòng cha mẹ và người lớn.

Vẫn phụ thuộc cảm xúc vào cha mẹ.

Tự hào về cha mẹ mình.

Thích giúp đỡ cha mẹ.

Có thể hành động bảo vệ em mình.

Hình thành những ý niệm về những luật lệ giới tính khi quan sát hành vi của cha mẹ.

Có tính xã hội hơn và nói nhiều hơn.

Thích kết bạn và phát triển tình bạn thân.

Có thể có bạn thân nhất.

Thích những trò chơi hỗ trợ trong những nhóm nhỏ.

Thích bạn cùng tuổi và cùng giới tính.

Duy trì những nhóm bạn chơi chung chừng nào còn thấy hứng thú.

Học cách tôn trọng tài sản của bạn.

6 tuổi Trở nên độc lập hơn về mặt xã hội; tự chọn bạn cho mình.

Có thể ít ghen tị với anh chị em khi các mối quan hệ bên ngoài dần trở nên quan trọng.

Cái tôi cá nhân vẫn còn, nhưng trở nên quan tâm hơn tới các hoạt động nhóm.

Có thể gặp khó khăn trong việc chờ đợi đến lượt mình.

Khao khát lẽ phải và chiển thắng.

Tán gẫu thường xuyên để cảm nhận về đúng và sai.

Muốn mọi thứ, việc chọn lựa trở nên khó khăn.

Có thể gặp những cơn ác mộng.

Thường thể hiện óc hài hước bằng những câu chuyện tiếu lâu và khó hiểu.

Bắt đầu để ý quan điểm của người khác.

Học cách chia sẻ và chờ đến lượt mình.

Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc