MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 5: CÁC KỸ NĂNG DỊCH: DỊCH ĐUỔI VÀ DỊCH SONG SONG (Phần 2)

MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 5: CÁC KỸ NĂNG DỊCH: DỊCH ĐUỔI VÀ DỊCH SONG SONG (Phần 2)

MÔ ĐUN 2: PHIÊN DỊCH NGÔN NGỮ KÝ HIỆU

CHỦ ĐỀ 5: CÁC KỸ NĂNG DỊCH: DỊCH ĐUỔI VÀ DỊCH SONG SONG (Phần 2)

Nội dung 2: Các mô hình lý thuyết về phiên dịch đuổi và dịch song song

Nhiệm vụ của học viên: trả lời các câu hỏi dưới đây.

  1. Thế nào là mô hình dịch dựa trên ý tưởng
  2. Trong các tình huống pháp lí, khi nào cần dịch đuổi, khi nào dịch song song?

Thông tin cho nội dung 2.

Có nhiều mô hình trong lĩnh vực phiên dịch. Giá trị của một số mô hình đối với phiên dịch NNKH – ngôn ngữ nói là chúng chỉ cho ta cách hiểu bản chất của việc những người tham gia giao tiếp tạo ra cấu trúc của thông điệp như thế nào và phiên dịch viên phải tái tạo lại thông điệp đó trong bản dịch như thế nào. Chúng cũng giúp ta thấy cách phiên dịch viên có thể tập luyện khả năng tư duy khi dịch, qua đó phát triển trí nhớ ngắn hạn và dài hạn và kỹ năng phân tích cần thiết để tái tạo lại nội dung một cách chính xác. Dịch song song là một quá trình quá phức tạp và ta có thể không bao giờ hiểu hết mọi thành phần của quá trình này và cách chúng tác động qua lại với nhau, nhưng việc dịch có thể là sự kết hợp giữa các quá trình tư duy và các chiến lược đã được biến thành qui trình[1]. Những phiên dịch viên không ý thức được mọi quá trình tư duy diễn ra khi dịch sẽ không thể dịch một cách chính xác và theo đúng nội dung. Có các mô hình về hoạt động phiên dịch khi phiên dịch viên tập trung vào giúp người nghe hiểu được nhiều phần khác nhau trong quá trình giao tiếp, dựa trên hiểu biết [về đề tài] của chính người tham gia và những thông tin được tạo ra ngay trong quá trình giao tiếp[2].

Mô hình dịch theo các giai đoạn mục-đích-đến-chi-tiết/ chi-tiết-đến-mục-đích để xử lý thông tin khi dịch và lý thuyết phân tích bài[3] dựa trên việc hiểu được mục đích của thông tin cùng với các tính chất của nội dung, hoàn cảnh, ngôi xưng, thái độ. Nó có thể chỉ ra chính xác những điểm gây cản trở và cho thấy những việc cụ thể phải cải thiện, ví dụ như khả năng phát triển ngữ nghĩa trong ngôn ngữ ký hiệu hoặc ngôn ngữ nói, hay việc phiên dịch viên bỏ qua những hình thái giao tiếp có ảnh hưởng đến cả câu chuyện và bỏ mất những thông tin quan trọng về bối cảnh.

Mô hình phiên dịch dựa trên ý nghĩa

Mô hình dịch dựa trên ý nghĩa[4] đặc biệt chú trọng đến yêu cầu phiên dịch viên phải đánh giá và áp dụng được những yếu tố hoàn cảnh bên ngoài, sử dụng kiến thức có sẵn về ngôn ngữ, văn hóa, và tập quán giao tiếp trong cả hai ngôn ngữ, để quyết định sử dụng dịch song song hay đuổi theo đoạn trong một hoàn cảnh nhất định. Đây là một cố gắng phát triển thêm các mô hình sẵn có chú trọng đến phân tích bài và ngôn ngữ, và kết hợp thêm các yếu tố giao tiếp và tình huống. Mô hình này được trình bày ở Hình 1.

Các bước của Mô hình Phiên dịch Dựa trên Ý nghĩa
1.     Đánh giá các yếu tố bối cảnh và theo dõi quá trình giao tiếp
2.     Hiểu thông tin nguồn
3.     Dùng các khung đánh giá về bối cảnh và ngôn ngữ, chọn dịch song song hay theo đoạn
4.     Tạo ra thông điệp tương ứng
5.     Dịch

 

Mô hình 1. Các giai đoạn trong mô hình (lấy từ Russell 2002a).

Các bước của Mô hình Phiên dịch Dựa trên Ý nghĩa bao gồm:

  1. Đánh giá các yếu tố ngoại cảnh và theo dõi quá trình: khi phiên dịch viên tiếp cận nhiệm vụ dịch, các yếu tố hoàn cảnh phải được tính đến, nhưng việc này không chỉ dừng ở đó. Trong toàn bộ quá trình giao tiếp, phiên dịch viên phải liên tục đánh giá các yếu tố đó và ảnh hưởng của chúng lên quá trình tương tác. Yếu tố hoàn cảnh giúp phiên dịch viên xác định được ý của diễn giả trong hoàn cảnh cụ thể. Việc này bao gồm đánh giá các yếu tố như quan hệ giữa các bên giao tiếp, quan hệ quyền lực chính thức và không chính thức, sự tương đồng và khác biệt về kinh nghiệm và xuất thân của những người tham gia, bối cảnh cảm xúc của tình huống, và ảnh hưởng của việc có phiên dịch viên đến cách diễn giả thể hiện thông tin của mình. Ngoài ra, trong toàn bộ quá trình dịch, phiên dịch viên phải theo dõi quá trình tương tác bởi vì sự đối thoại tiếp tục tạo ra các yếu tố hoàn cảnh mới. Nhiều lúc phiên dịch viên sẽ thấy mình bị bao phủ bới những đề tài, thuật ngữ và ngôn ngữ chuyên biệt, và câu chuyện về những việc mà người tham gia đều biết, còn phiên dịch viên thì lại thiếu thông tin về nội dung và bối cảnh đó. Đây mới là Bước 1 nhưng nó đặt ra nền tảng cho mọi bước tiếp theo trong mô hình này.
  2. Hiểu được thông điệp ở ngôn ngữ gốc: trong giai đoạn này, phiên dịch viên phải sử dụng mọi kỹ năng liên quan đến ngôn ngữ lẫn văn hóa và phân tích để hiểu được ý nghĩa của thông tin. Phiên dịch viên phải thành thục những lĩnh vực sau:
  3. Ngữ pháp;
  4. Ngữ nghĩa;
  5. Kiến thức và kinh nghiệm liên quan;
  6. Nhận thức về yếu tố văn hóa; và
  7. Hiểu biết về bối cảnh.

Ở giai đoạn này phiên dịch viên phải xử lý thông tin ở mức từ, cụm từ, câu và cả câu chuyện để có thể xác định được các tính chất của ngôn ngữ được sử dụng. Ví dụ, việc này có thế bao gồm xác định ngôi xưng và các dấu hiệu như việc dùng các từ ngữ mang tính lịch sự, và các yếu tố mang tính cấu trúc ví dụ như cấu trúc ngữ pháp cần phải dùng cho một kiểu câu hỏi và câu trả lời của tình huống nhất định chẳng hạn như trong phòng xử án.

Ở giai đoạn này phiên dịch viên phải kiểm tra xem mình hiểu có đúng không và làm rõ ý khi cần. Ngoài ra cũng cần dung hòa giữa việc dịch song song và theo đoạn. Cuối cùng, giai đoạn này cũng bao gồm việc kiểm tra và sửa lỗi do việc phiên dịch viên chưa hiểu rõ bối cảnh (3) hay tình huống khi dịch.

  1. Áp dụng các sơ đồ đánh giá bối cảnh và ngôn ngữ để chọn cách dịch song song hoặc theo đoạn: giai đoạn này bao gồm việc đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng đến bối cảnh, như khả năng ngôn ngữ, trải nghiệm và văn hóa của người tham gia, cũng như kinh nghiệm giao tiếp của họ với những người thuộc văn hóa và ngôn ngữ khác. Trong giai đoạn này phiên dịch viên cũng phải quyết định sử dụng dịch song song hay theo đoạn để giúp các bên giao tiếp hiệu quả và bảo đảm được ý nghĩa thông tin.
  2. Hình thành thông điệp tương ứng: sau khi xử lý thông tin ở mọi mức độ bao gồm từ, cụm từ, câu và cả câu chuyện, và áp dụng các đánh giá về văn hóa và ngôn ngữ để đảm bảo ý nghĩa của người nói hay ký hiệu, phiên dịch viên phải đưa ra các lựa chọn về văn hóa và ngôn ngữ – lập kế hoạch, tạo ra và đánh giá các yếu tố sẽ được dùng để thể hiện được ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Một số yếu tố trong thông tin được dịch có thể được xem lại. Phiên dịch viên tiếp tục đánh giá và theo dõi các yếu tố bối cảnh.
  3. Tạo bài dịch: Phiên dịch viên tiến hành việc dịch, dựa trên các bước trước. Cũng như các bước trước, phiên dịch viên phải liên tục đánh giá các yếu tố bên ngoài và theo dõi quá trình dịch để bảo đảm việc dịch được hiệu quả cho mọi đối tượng.

Mô hình này tính đến vai trò của ngoại cảnh, các yếu tố ngôn ngữ và văn hóa, và cả quá trình ra quyết định chọn giữa dịch song song và theo đoạn. Quá trình phiên dịch rất phức tạp, nhưng bằng cách xác định và tập luyện một số nhiệm vụ trong mỗi bước, học viên có thể phát triển những kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp cần thiết để làm việc. Mô hình Dựa trên Ý nghĩa được xây dựng dựa trên nhu cầu phát triển những kỹ năng phân tích bài dựa trên đánh giá về bối cảnh. Những bước này, đặc biệt là khi áp dụng cho dịch đuổi theo đoạn, sẽ giúp phiên dịch viên tăng cường những kỹ năng cần thiết cho việc dịch có ý nghĩa. Phiên dịch viên cần nhiều thời gian để phân tích và dịch, nên dịch theo đoạn sẽ là lựa chòn duy nhất. Dịch đuổi theo đoạn thành công sẽ giúp phiên dịch viên xử lý các tình huống dịch song song tốt hơn bởi họ đã có các kỹ năng được tập luyện tốt. Ngược lại, dịch song song trước khi làm chủ được quá trình dịch đuổi theo đoạn sẽ dẫn đến việc dịch không chính xác hoặc chỉ dựa vào hình thức ngôn ngữ. Nếu phiên dịch viên bỏ qua các giai đoạn phân tích các yếu tố ngoại cảnh và ý định của người nói thể hiện qua hình thái ngôn ngữ, họ sẽ có xu hướng chỉ giải mã theo từ. Những lỗi thường gặp của phiên dịch viên không trải qua giai đoạn dịch theo đoạn bao gồm lỗi ngữ nghĩa, can thiệp vào bản gốc, thiếu nội dung, thiếu các thành phần kết nối các phần một cách hiệu quả như trong bản gốc, và cuối cùng lại sửa quá đà khi nhận ra mắc lỗi.[5]

Dịch đuổi theo đoạn và phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu

Dịch đuổi theo đoạn giúp chuyển tải thông điệp chính xác hơn nhiều so với dịch song song[6]; không phải mọi loại nội dung có thể được dịch song song, đặc biệt, trong những tình huống khó khăn như người nói và phiên dịch viên cùng nói một lúc, tốc độ bài nói nhanh, thiếu hiểu biết về bối cảnh, và người nói không được nói lại. Dịch theo đoạn, trong đó phiên dịch viên đợi đến khi một ý nghĩ được diễn đạt đầy đủ rồi mới dịch, là phương pháp chính được dùng trong y tế. Nó giúp chuyển tải cả nội dung thông điệp lẫn những yếu tố quan trọng mà không nằm trong từ ngữ: khoảng dừng, ngữ điệu, nhấn mạnh, vv. Dịch hiệu quả không chỉ bao gồm tái tạo lại và “dịch” trong ngôn ngữ đích, mà còn phải tạo ra cho khán giả ngôn ngữ đích những ấn tượng và tác động tương tự như ấn tượng và tác động của bài gốc đối với khán giả hiểu trực tiếp ngôn ngữ gốc. Hơn nữa, khi dịch đuổi theo đoạn, người phiên dịch sử dụng trí nhớ lẫn ghi chép, sẽ dễ dàng chia nhỏ các bước trong quá trình dịch và tự đánh giá kỹ năng của mình để xử lý công việc.

Mặc dù có vô số nghiên cứu trong dịch ngôn ngữ nói cho thấy dịch đuổi theo đoạn chính xác hơn, nhưng trong lĩnh vực phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu thì cách làm phổ biến vẫn là dịch song song. Một khác biệt lớn là phiên dịch viên ký hiệu không chỉ chuyển đổi giữa 2 ngôn ngữ mà là 2 hình thái thể hiện. Sự khác biệt về hình thái này cũng dẫn đến việc sử dụng dịch song song rộng rãi vì nó không cần công nghệ như buồng cho phiên dịch hay hệ thống âm thanh, cũng không cần ngừng giữa chừng vì người nói/ ký hiệu và PDV có thể cùng tác nghiệp một lúc mà không sợ chồng chéo lên nhau.

Dịch song song và dịch đuổi theo đoạn trong các tình huống pháp lý

Có nhiều phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu sử dụng cách dịch đuổi theo đoạn một cách hiệu quả. Họ làm cách nào để quyết định khi nào thì dùng cách dịch theo đoạn? Ảnh hưởng của việc này lên chất lượng dịch như thế nào? Nghiên cứu của Russell (2000) khi phân tích so sánh giữa dịch song song và dịch theo đoạn của phiên dịch viên NNKH trong các giao tiếp ở phòng xử án. Ba hoạt động tách biệt được nghiên cứu: làm chứng của chuyên gia, người điếc làm chứng trực tiếp, và đối chứng với nhân chứng điếc. Nghiên cứu này cũng tìm hiểu mức độ hài lòng của khách hàng với hai cách dịch khác nhau.

Nghiên cứu được hình thành dựa trên những nguyên tắc thí nghiệm khoa học. Cụ thể, nghiên cứu được thiết kế dựa trên các yếu tố ảnh hưởng, và từng yếu tố được điều chỉnh độc lập để đưa đến kết luận. 4 phiên tòa giả định được thực hiện với 4 phiên dịch viên NNKH. Phiên dịch viên làm việc theo nhóm 2 người, và tham gia vào cả 3 loại hoạt động. Phiên dịch được chọn từ 4 vùng khác nhau của Canada dựa trên các tiêu chí: Là người hoạt động có kinh nghiệm và được cộng đồng PDV cũng như người điếc đánh giá cao về khả năng dịch trong nhiều bối cảnh khác nhau; 2) Phiên dịch viên có chứng chỉ cấp quốc gia được ưu tiên hơn; 3) có ít nhất 500 giờ dịch trong môi trường pháp lý. 3 nữ và 1 nam được chọn, trong đó 3 người có chứng chỉ cấp quốc gia. Các thành viên khác bao gồm quan tòa, luật sư, chuyên gia, và nhân chứng là người điếc. Các luật sư và quan tòa đều có trên 5 năm kinh nghiệm, và chỉ một luật sư là có kinh nghiệm làm việc với phiên dịch viên NNKH. Bốn phiên dịch viên ược ghi hình dịch song song và theo đoạn trong các phiên tòa giả định, và sau đó một phân tích ngôn ngữ-xã hội được tiến hành để đánh giá độ chính xác. Những người tham gia cũng được phỏng vấn sau thí nghiệm để nhận xét về trải nghiệm của họ.

Các kịch bản phiên tòa được sáng tác bởi Hiệp hội Luật sư Hình sự British Columbia dựa trên các vụ án thật. Hai phiên tòa hình sự được chọn, một liên quan đến tội phạm tình dục và một liên quan đến tấn công gây thương tích. Tòa hình sự được chọn để thực hiện nghiên cứu vì sự nghiêm trọng của sai sót trong phiên dịch trong những trường hợp này. Người tham gia chuẩn bị bằng cách xem các tài liệu chính. Ví dụ, phiên dịch viên nhận được các thông tin theo chuẩn như khi được giao một phiên tòa thật. Các luật sư chuẩn bị cho nhân chứng như trong phiên tòa thật, và phiên dịch viên gặp mặt với bên công tố và biện hộ trước khi vào phiên tòa.

Các phiên tòa được ghi hình ở Khoa Luật, Đại học Calgary, trong phòng xử án Moot. Phòng này có nhiều camera gắn bên trong tường và được điểu khiển bởi kỹ thuật viên. Phòng trông khá giống phòng xử án thật và do đó tăng thêm mức độ mô phỏng. Các góc quay khác nhau giúp ghi hình cả nhân chứng và phiên dịch viên.

Trong các phiên tòa, người phiên dịch thực hiện dịch từ ký hiệu sang tiếng Anh, tiếng Anh sang ký hiệu khi làm việc với nhân chứng người nói, nhân chứng người điếc, dịch khi nhân chứng bị đối chứng, và các giao tiếp giữa quan tòa và luật sư. Họ làm việc theo nhóm 2 người. Các cuộc hội thoại đều không có kịch bản trước để tạo ra không khí tự nhiên như trong phòng xử án.

Số liệu sau khi thu thập được phân tích bằng cách so sánh thông tin gốc với bản dịch. Một chuyên gia về ngôn ngữ ký hiệu và một phiên dịch duyệt lại việc phân tích. Tiếp theo, dữ liệu thống kê được kiểm tra bằng phương pháp kiểm định Chi bình phương (Chi-squared). Dữ liệu định tính được tổng kết và phân tích để tìm ra những nét chung, các nhận định và khuyến nghị. Các phiên tòa sử dụng dịch theo đoạn dẫn đến kết quả rất khác so với cách dịch song song. Dịch theo đoạn có mức độ chính xác cao hơn. Hai phiên tòa sử dụng dịch song song đạt mức chính xác 87% và 83%, trong khi hai phiên tòa sử dụng dịch theo đoạn đạt mức 98% và 95%. Trong tất cả phiên tòa số lỗi dịch khi chuyên gia làm chứng và nhân chứng trực tiếp là lớn hơn. Trong cả bốn phiên tòa, số lỗi dịch khi đối chứng là nhỏ hơn. Những số liệu này được tập hợp và kiểm tra độ đáng chú ý về mặt thống kê bằng kiểm định Chi bình phương. Ba hoạt động khác nhau (làm chứng của chuyên gia, người điếc làm chứng trực tiếp, và đối chứng với nhân chứng điếc) được coi là biến số phụ thuộc, còn hình thức dịch (song song hay theo đoạn) là biến số độc lập. Kiểm tra độ chú ý của số liệu cho thấy cách dịch theo đoạn ưu việt hơn hẳn dịch song song, trong cả ba loại hoạt động trong phòng xử án. Bảng 1 đến 3 liệt kê số lần và phần trăm dịch sai và đúng trong cả 3 loại hoạt động.

Bảng 1 cho thấy trong phần làm chứng của chuyên gia, số lần dịch đúng khi dịch theo đoạn là 613 / 645 hay 95%, trong khi số lần dịch đúng khi dịch song song là 362/415 hay 87%. Kiểm tra Chi bình phương cho thấy sự khác biệt này là có ý nghĩa về mặt thống kê. Bảng 2 và 3 cho các hoạt động người điếc làm chứng trực tiếp, và đối chứng với nhân chứng điếc cũng tương tự. Bảng 4 cho thấy số lần dịch sai theo từng phiên tòa và từng sự kiện. Phiên Một và Bốn dùng dịch song song (S) và phiên Hai và Ba dùng dịch theo đoạn (C).

Bảng 1. Độ chính xác trong Nhân chứng Chuyên gia, dịch song song và theo đoạn

Đánh giá Theo đoạn Song song Tổng (N)
Đúng 613 / 95.04% 362 / 87.23% 975
Sai 32 / 4.96% 53 / 12.77% 85
Tổng N / Tổng % 645 / 100.00% 415 / 100.00% N = 1060
Chi bình phương =20.188, df=1, p<0.001:Phi = 014, p<0.001

Bảng 2. Độ chính xác trong Nhân chứng Trực tiếp, dịch song song và theo đoạn

Đánh giá Theo đoạn Song song Tổng (N)
Đúng 237 / 95.95% 290 / 77.54% 527
Sai 10 / 4.05% 84 / 22.46% 94
Tổng N / Tổng % 247 / 100.00% 374 / 100.00% N = 621

Chi bình phương = 39.25, df=1, p<0.001:Phi = 0.25, p<0.001

Bảng 3. Độ chính xác trong Đối chứng, dịch song song và theo đoạn

Đánh giá Theo đoạn Song song Tổng (N)
Đúng 241 / 98.37% 331 / 91.18% 572
Sai 4 / 1.63% 32 / 8.82% 36
Tổng N / Tổng % 245 / 100.00% 363 / 100.00% N = 608

Chi bình phương = 13.55, df=1, p<0.001:Phi = 0.15, p<0.001

Bảng 4. Tỷ lệ lỗi trên tổng số phát biểu trong phiên tòa

Phiên xử Nhân chứng Chuyên gia Nhân chứng Trực tiếp Đối chứng
Phiên 1 (S) 21/213* 39/189 15/188
Phiên 2 (C) 5/292 4/154 1/157
Phiên 3 (C) 27/353 6/193 3/188
Phiên 4 (S) 32/202 45/189 17/175

* nghĩa là 21 lỗi trong 213 phát biểu

Kết quả cũng cho thấy số lỗi nhiều hơn khi dịch từ nói sang ký hiệu. Với phần lớn phiên dịch viên, ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ thứ hai, khi họ đã làm chủ tiếng Anh, và thường học lúc đã là người trưởng thành. Ba trong số bốn phiên dịch viên coi NNKH là ngôn ngữ phụ/ ngôn ngữ thứ hai, và chỉ có một người có bố mẹ điếc và do đó NNKH là ngôn ngữ chính. Yếu tố ngôn ngữ phụ này có thể ảnh hưởng đến số lượng sai sót khi dịch sang tiếng Anh, bởi vì phần lớn các lỗi có vẻ liên quan đến việc không hiểu ý trong ngôn ngữ ký hiệu. Khi xem lại những lỗi khi dịch từ NNKH sang tiếng Anh, rõ ràng là phiên dịch viên có thể dịch ra tiếng Anh trôi chảy nhưng thông điệp lại không chính xác.

Trong cả bốn phiên tòa phần đối chứng có ít lỗi hơn hẳn các phần khác. Việc này không đáng ngạc nhiên vì chứng cứ đã được đưa ra ở phần làm chứng, và việc đối chứng có mục đích là để bác bỏ những bằng chứng đó. Đến giai đoạn này phiên dịch viên đã từng dịch bằng chứng của nhân chứng và do đó được chuẩn bị kỹ hơn. Không có thông tin gì mới đột biến trong giai đoạn này và do đó tỷ lệ chính xác cũng cao hơn.

Khi xem lại bản dịch, một số kiểu mắc lỗi xuất hiện ở mọi phiên tòa, bao gồm lược bỏ nội dung và tóm gọn câu trả lời mặc dù trong ngôn ngữ gốc có chi tiết rõ ràng và quan trọng, thay đổi thì (lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ), thay đổi xưng hô (thân mật hơn trong NNKH so với bản gốc tiếng Anh), bài dịch bằng tiếng Anh trôi chảy nhưng sai nội dung, NNKH không đúng ngữ pháp, dịch theo kiểu từng từ, và những lời nói do phiên dịch viên khởi đầu nhưng sau đó không được dịch lại cho tất cả. Ngoài ra còn có hình thức “nói nước đôi” hay làm giảm nhẹ mức độ trong khi dịch ra tiếng Anh mặc dù câu trả lời trong NNKH là đầy đủ và rõ ràng. Có những lúc phiên dịch viên kết nối câu hỏi trước vào câu hỏi sau một cách không đúng, dẫn đến câu trả lời sai.

Khi dịch song song, số lỗi cao nhất là khi dịch cho nhân chứng trực tiếp và nhân chứng chuyên gia. Nhân chứng trực tiếp là phần tối quan trọng trong phiên tòa, và những lỗi khi dịch trong phần này thường bị phát hiện trong phần đối chứng, làm cho nhân chứng có vẻ như đã thay đổi lời khai trong khi lỗi thực ra là của phiên dịch viên. Những lỗi như vậy có hậu quả nghiêm trọng cho quá trình tố tụng, và cả phiên dịch viên lẫn khách hàng nên hết sức quan tâm đến những kết quả nghiên cứu này. Trong nghiên cứu này, dịch song song, kể cả do phiên dịch viên kinh nghiệm và có chứng chỉ, cũng dẫn đến những lỗi nghiêm trọng mà không được sửa trong phiên tòa4.

Khi đánh giá lại sau phiên toà, phiên dịch viên có thể xác định được những phần dịch song song không chính xác mà họ có thể đã làm tốt hơn nếu đó là dịch theo đoạn. Trong những phần này, phiên dịch viên cho thấy họ thiếu thời gian để phân tích toàn bộ thông tin và tìm các lựa chọn tương ứng trong ngôn ngữ đích. Khi được hỏi về việc cách dịch song song ảnh hưởng thế nào đến cách họ quản lý quá trình dịch, hai phiên dịch viên cho biết trong phần nhân chứng chuyên gia họ bị áp lực thời gian và chưa kịp nắm rõ thông tin đầu vào thì đã phải dịch ngay, với ít thời gian phân tích ý nghĩa, và càng không phân tích các yếu tố bối cảnh có ảnh hưởng lên thông tin. Dữ liệu cho thấy khi bản gốc tiếng Anh hay NNKH mà phức tạp và phải dịch song song thì sẽ có vô số lỗi ngữ pháp, thiếu nội dung cơ bản, cũng như sai nội dung.

Tuy nhiên cũng có những thời điểm mà dịch song song được dùng hiệu quả. Đó là lúc đối chứng, do các câu hỏi chỉ liên quan đến nội dung làm chứng từ trước, nên phiên dịch viên đã biết thông tin và trả lời của nhân chứng cũng dễ đoán hơn. Khi các câu trả lời không thống nhất, hay có thông tin mới, phiên dịch viên làm rõ lại thường xuyên hơn với nhân chứng cũng như giữa họ với nhau, và chuyển sang dịch theo đoạn với một số câu trả lời từ NNKH sang tiếng Anh. Việc chuyển từ dịch song song sang theo đoạn giữa phiên tòa là hết sức thú vị và cho thấy phiên dịch viên đã kiểm soát quá trình làm việc của mình một cách hiệu quả và thấy rằng thay đổi phương pháp dịch là cần thiết cho một số phần nhất định.

Từ phía khách hàng, các luật sư thấy dịch theo đoạn quen thuộc do kinh nghiệm làm việc với phiên dịch ngôn ngữ nói, nhưng họ không thích cách này cho phần đối chứng vì việc ngắt quãng làm mất nhịp điệu và sự căng thẳng khi truy hỏi nhân chứng. Họ cũng lo ngại về các tín hiệu phiên dịch viên yêu cầu nhân chứng tạm dừng để dịch. Phiên dịch viên và các thành viên khác đã thống nhất sẽ dùng cách giơ một ngón tay để làm tín hiệu ngừng lại, tuy nhiên trong phiên tòa phiên dịch viên lại dùng ký hiệu khác gây khó hiểu cho luật sư. Phiên dịch viên còn ngắt quãng luật sư hoặc nhân chứng khi không phù hợp, hoặc để nhân chứng nói hoặc ký hiệu quá dài. Việc này dẫn đến những đoạn dịch quá dài, hoặc các trường hợp phiên dịch viên phải yêu cầu nói lại vì họ đã quên mất một phần.

Người điếc nhận xét rằng họ thấy phần dịch dễ hiểu hơn khi dịch theo đoạn, đặc biệt là với những câu hỏi phức tạp. Họ nhận thấy phần dịch đúng ngữ pháp hơn, dùng nhiều đặc điểm tự nhiên của NNKH hơn, và có ít khởi đầu nhầm và ít bị lặp lại. Họ cũng cảm thấy thoải mái hơn khi dịch theo đoạn, và có thể tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động ở phiên tòa.

Với dịch song song, nhân chứng điếc nhận xét rằng họ thấy có nhiều lần bắt đầu nhầm và sửa chữa hơn, và lời dịch giống với cấu trúc ngôn ngữ nói hơn. Họ nhận xét là việc này ảnh hưởng đến nhân chứng, làm tăng nỗi lo là người điếc không hoàn toàn hiểu những gì đang diễn ra, và liệu phiên dịch viên có hoàn toàn hiểu câu trả lời của họ hay không. Vì vậy sự chú ý của họ chuyển từ tham gia vào hoạt động của phiên xử sang lo lắng về độ chính xác của phiên dịch viên.

Quan điểm khác nhau giữa nhân chứng điếc và các quan tòa cũng đáng chú ý. Quan tòa được phỏng vấn một tuần sau phiên tòa giả định. Họ cho biết là thích cách dịch song song hơn, vì như vậy quá trình diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên khi được xem thông tin về tính chất của việc dịch, và những ảnh hưởng có thể có của lỗi khi dịch song song, các quan tòa đều đồng ý rằng chất lượng và độ chính xác của phiên dịch viên là rất quan trọng trong khi đánh giá bằng chứng. Họ cũng công nhận rằng trong suốt thời gian ngồi trên ghế quan tòa họ không có thông tin về tính chất của quá trình dịch và làm sao hỗ trợ người điếc tốt nhất trong tòa. Dựa trên các phỏng vấn này, các quan tòa sau đó đã yêu cầu có những hội thảo chuyên môn để đào tạo cho luật sư và quan tòa về sự phức tạp của quá trình dịch, và những cách làm tốt nhất với người điếc trong phòng xử án.

Những phiên dịch viên theo đoạn tốt nhất là người biết cách chia đoạn hiệu quả, và cảm giác được thời điểm tạm dừng thích hợp để dịch một đoạn nhất định. Tất cả phiên dịch viên trong nghiên cứu đều có kinh nghiệm dịch theo đoạn, nhưng mặc dù vậy không phải tất cả đều được đào tạo tốt để sử dụng phương pháp này hiệu quả và ít ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp. Ví dụ không phải tất cả đều có phương pháp thống nhất để chia đoạn phù hợp, hay ký năng ghi chép để nhớ được những phát biểu phức tạp. Ngoài ra chỉ 2 trong số 4 PDV có cách giải thích phù hợp về dịch theo đoạn cho khách hàng.

Những phiên dịch viên dùng cả dịch song song và theo đoạn đã nhận ra nhu cầu phải thông tin cho khách hàng về lý do phải dùng dịch theo đoạn và ảnh hưởng của nó đến độ chính xác[7]. Trong thí nghiệm ở tòa án, phiên dịch viên được ghi hình khi đang nói chuyện và chuẩn bị với luật sư. Những phiên dịch viên được coi là thành công trong việc chỉ dẫn cho luật sư về công việc của mình là những người giải thích mà không dùng từ ngữ chuyên môn, tự tin trong việc đưa ra yêu cầu, và nhận ra rằng độ chính xác của bài dịch là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định dịch song song hay theo đoạn. Chỉ dẫn cho khách hàng là hết sức quan trọng vì khi đó phiên dịch viên mới có thể xử lý những lo ngại của khách hàng về việc dịch theo đoạn. Việc thiết lập hệ thống tín hiệu giữa PDV và khách hàng để yêu cầu khi nào người nói cần tạm dừng cho phiên dịch cũng là một yếu tố quan trọng để giúp khách hàng chấp nhận việc dịch theo đoạn.

Các yếu tố quyết định việc sử dụng phương pháp dịch đuổi theo đoạn

Bằng cách nào một phiên dịch viên NNKH  Mỹ – tiếng Anh có thể quyết định khi nào thì sử dụng dịch đuổi theo đoạn? Kết quả của nghiên cứu thực nghiệm của Russel (2002b) và các tham vấn sau đó với hai cơ quan giới thiệu phiên dịch ở Canada cho thấy dịch đuổi theo đoạn được sử dụng đặc trưng trong nhiều thể loại tình huống dịch, và bối cảnh chính là một trong các yếu tố quyết định chọn phương pháp dịch theo đoạn. Ví dụ, 6 trong số 15 học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo phiên dịch báo cáo rằng trong giai đoạn thực tập các hướng dẫn viên thực tập đã làm mẫu sử dụng hình thức phiên dịch theo đoạn và khuyến khích sử dụng  hình thức này trong các tình huống đối thoại giữa 2 người với nhau và nhóm nhỏ. Still Interpreting Inc., một cơ quan giới thiệu phiên dịch viên có trụ sở ở Vancouver, British Columbia, cho biết dich theo đoạn được sử dụng với tần suất cao nhất trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, các buổi tư vấn, thẩm vấn pháp lý và tại toà án[8]. Still Interpreting, Inc. có các phiên dịch viên làm toàn thời gian báo cáo rằng họ sử dụng hình thức dịch theo đoạn hàng ngày, và các PDV này chỉ ra rằng họ quyết định hình thức dịch này căn cứ trên mật độ và cấu trúc của thông điệp. Các báo cáo này cũng khớp với các báo cáo của một cơ quan giới thiệu phiên dịch khác Independent Interpreter Referral Service (IIRS)5 ở Winnipeg, Manitoba, xác định rằng ngày càng nhiều khách hàng và phiên dịch viên cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng hình thức dịch theo đoạn trong các phỏng vấn 1 người với 1 người[9].

Khi phỏng vấn 7 trong số 15 phiên dịch viên nói rằng trong khi họ biết cách quyết định về phiên dịch theo đoạn, và khá tự tin giải thích nguyên nhân bằng tiếng Anh (cho các khách hàng là ngườii nói), thì 13 trong số 15 phiên dịch viên lại nói rằng họ không có sự tự tin đó để giải thích bằng NNKH. Rõ ràng rằng cac phiên dịch viên cần có chiến lược đó trong cả NNKH và ngôn ngữ nói để mô tả mong muốn tạo ra bản dịch chính xác của mình. Các chiến lược này sẽ giúp tác động thay đổi trong lĩnh vực này. Phần lớn các giáo viên phiên dịch cho biết họ sử dụng phương pháp dịch theo đoạn trong công viêcn phiên dịch viên của mình và dùng các yếu tố sau để quyết định việc dịch theo phương pháp đó:

  • Độ phức tạp và khối lượng thông tin
  • Bối cảnh (ví dụ đối thoại 1 người – 1 người khi bản thân cấu trúc tự nhiên của đối thoại đã là chia ra các đoạn thông tin, phù hợp với dịch từng đoạn)
  • Khách hàng sử dụng NNKH không theo lối thông dụng
  • Khách hàng là trẻ em
  • Nếu dịch sau sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng
  • Khi làm việc cùng với một phiên dịch viên người điếc
  • Một giáo viên thêm vào một yếu tố bổ sung: Khi phiên dịch viên không biết rõ về những người tham gia và khi bối cảnh tình huống không quen thuộc và thông tin cần dịch khó. Điều này quay trở lại với vai trò của sự thay đổi bối cảnh và tác động của nó đến phiên dịch

Những thông tin này cùng với các nghiên cứu hiện nay là rất quan trọng đối với các học viên phiên dịch để họ có thể hiểu khi nào thì cần dịch theo đoạn, cùng với những lý lẽ bằng cả tiếng Anh và NNKH để thương lượng việc sử dụng hình thức dịch này trong môi trường làm việc. Cũng quan trọng khi các giảng viên phiên dịch làm mẫu phiên dịch theo đoạn cho học sinh của mình.

Cả 2 cơ quan IIRS và Still Interpreting Inc. cùng cho biết các phiên dịch viên họ tuyển dụng kinh nghiệm và hiểu khác nhau về việc sử dụng dịch theo đoạn, tuỳ thuộc vào họ được đào tạo ở đâu và thời gian hoàn thành đào tạo là khi nào. Với các phiên dịch viên chưa được đào tạo kỹ lưỡng về phiên dịch theo đoạn thì cơ quan tuyển dụng của họ phải cho họ học thêm và cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng, bằng cách để các phiên dịch viên đã thành thạo phiên dịch theo đoạn hướng dẫn cho những người ít kinh nghiệm, và bằng cách tạo ra các cơ hội học tập tại chỗ.

Trong vòng 20 năm trở lại đây lĩnh vực của chúng ta đã may mắn khi có nhiều giảng viên phiên dịch tiến hành các hội thảo và xuất bản tài liệu về phân tích diễn ngôn, phân tích bài và mô hình xử lý theo nhận thức. Một số nghiên cứu[10] đã cung cấp một mô hình phân tích diễn ngôn hoàn chỉnh gồm 10 bước dẫn đến phiên dịch theo đoạn. Điều quan trong nhất là phiên dịch viên cần có khả năng xử lý hai ngôn ngữ và hai văn hoá thành thạo. Khi đó, thông qua các bài tập có hệ thống được thiết kế để thực hành xử lý theo nhận thức, phiên dịch viên làm chủ được quá trình phiên dịch. Việc rèn luyện đó, dù là trên lớp hay học từ công việc cần phải bao gồm:

  • Các kinh nghiệm phân tích bài trong đó có xác định và kiểm soát các yếu tố ngôn ngữ như thể loại, phong cách từ vựng, thái độ/cảm xúc, sự liên kết, ngữ nghĩa học, ngữ pháp, ngôn điệu
  • Phát triển bộ nhớ thính giác và thị giác
  • Lập sơ đồ bài để biết các yếu tố và mẫu ngôn ngữ của quá trình tương tác giữa những người tham gia giao tiếp
  • Kỹ thuật ghi chép và lập sơ đồ
  • Khả năng xác định chia các phân đoạn dựa theo ngôn ngữ và nội dung để phù hợp cho việc dịch
  • Tạo ra tín hiệu phù hợp về văn hoá để sử dụng khi muốn đề nghị người nói tạm dừng lại để tiến hành dịch.
  • Các mẫu dịch theo đoạn được thực hiện thành công bởi các phiên dịch viên trong nghề
  • Thực hành đóng vai các tình huống giả định một người với một người

Khi phiên dịch viên gặp các trường hợp nội dung phức tạp, nhiều chi tiết, hoặc được trình bày bởi các cấu trúc ngôn ngữ mà phiên dịch viên khó có thể xác định được nghĩa, lúc đó nên sử dụng dịch theo đoạn. Các phiên dịch viên sử dụng phương pháp dịch theo đoạn cho biết, khi làm việc với trẻ Điếc – những người chưa có đặc trưng ngôn ngữ tiêu chuẩn và cấu trúc diễn ngôn thông dụng, hoặc với những người Điếc trưởng thành sử dụng các NNKH biến thể không theo tiêu chuẩn, các phiên dịch viên thường có xu hướng sử dụng dịch theo đoạn. Khi làm vậy, họ sẽ có thể chắc chắn rằng mình hiểu được toàn bộ thông điệp, có thể áp dụng các nguyên tắc phân tích bài và phân tích ngữ cảnh vào quá trình hình thành nghĩa, và từ đó có thể cấu trúc lại nội dung thông điệp trong bài dịch. Việc này sẽ hạn chế hiểu nhầm trong giao tiếp và ngắt đoạn sai, cũng như tăng cường khả năng sử dụng các chiến lược diễn ngôn thông thường trong dịch từ ngôn ngữ nói – NNKH.

Có những tình huống mà phiên dịch viên có thể chọn sử dụng kết hợp cả hai hình thức dịch một lúc. Một ví dụ sử dụng cả hai hình thức dịch một cách tự nhiên trong một ngữ cảnh là một quá trình thẩm vấn của cảnh sát. Phần bắt đầu phiên dịch viên có thể sử dụng dịch song song khi nội dung phần này là có thể dự đoán trước (ví dụ các câu hỏi giới thiệu làm quen lúc đầu, các thông tin đã được xác định như tên, địa chỉ, việc làm…) Khi cuộc thẩm vấn tiến đến phần thực tế sự việc hay các chi tiết của vụ tai nạn, phiên dịch viên có thể chuyển sang hình thức dịch theo đoạn, để phù hợp hơn với mức độ phức tạp cao hơn về kiểu câu hỏi và mức độ chi tiết mà đòi hỏi phải chuyển tải một cách chính xác giữa các ngôn ngữ. Khi kết thúc phỏng vấn và các phần trao đổi thông tin liên quan đã xong, phiên dịch viên lại có thể quay lại hình thức dịch song song cho phần các thủ tục kết thúc với nội dung cũng có thể dự đoán trước. Phiên dịch viên có thể dựa trên một loạt các tiêu chí giúp quyết định điều chỉnh hình thức dịch trong quá trình làm việc, ví dụ như kiểu diễn ngôn hỏi – trả lời, độ phức tạp của các câu hỏi và câu trả lời, mật độ thông tin, và mức độ nghiêm trọng của hậu quả việc dịch sai đối với sự kiện giao tiếp. Đôi khi phiên dịch viên thông báo trước cho khách hàng về việc thay đổi hình thức dịch như vậy, hoặc một số khác lại chọn cách báo cho khách hàng biết trong quá trình dịch mỗi khi thấy cần thay đổi hình thức dịch giữa dịch theo đoạn và đồng thời. Cả hai cách thương lượng đều hiệu quả, tuỳ thuộc vào việc phiên dịch viên trình bày 2 hình thức dịch này bằng cả tiếng Anh với khách hàng người nói và bằng NNKH với khách hàng người Điếc. Cuối cùng chính khách hàng sẽ muốn điều chỉnh hình thức dịch khi họ hiểu rằng làm vậy sẽ đảm bảo tính chính xác cao hơn. Russell (2002b) đã cho thấy rõ rằng các khách hàng người Điếc quan tâm nhiều hơn đến sự sai lệch thông tin trao đổi giữa các thành viên tham gia giao tiếp hơn là đến việc sử dụng hình thức dịch theo đoạn. Những phiên dịch viên thành công trong việc sử dụng kết hợp hai hình thức dịch là những người:

  • Biết cách thảo luận và thương lượng việc sử dụng cả hai hình thức dịch với khách (bằng cả NNKH và ngôn ngữ nói) hàng nhằm mục đích đạt hiệu quả dịch cao nhất có thể.
  • có khả năng thiết lập các cách ra tín hiệu phù hợp về văn hoá trong NNKH và ngôn ngữ nói để ra hiệu cho khách hàng biết lúc nào cần dừng lại để phiên dịch viên có thể tiến hành dịch;
  • có các chiến lược quản lý quá trình phiên dịch, bao gồm việc chia đoạn các ý nghĩ hoàn chỉnh hoặc các câu hỏi đầy đủ trong bài gốc;
  • biết khi nào thì cần lập sơ đồ bài và ghi chép lại, và khi nào thì dựa hoàn toàn vào khả năng ghi nhớ ngắn hạn ;
  • có khả năng chuyển giữa dịch song song và dịch theo đoạn, dựa trên tính chất nội dung (độ phức tạp, nội dung và ngữ cảnh không quen thuộc, hậu quả của dịch sai, kiểu diễn ngôn, mục đích tổng thể…); và
  • biết cách theo dõi quá trình dịch để biết được thành công hay có sai sót, và biết cách điều chỉnh thời gian xử lý để tạo ra được sản phẩm dịch chính xác.

Danh sách này có thể làm nản chí người ta nhưng thực tế các kỹ năng này có thể được mài dũa nếu phiên dịch viên có kỹ năng phân tích bài và ngữ cảnh tốt, và có cơ hội cũng như thời gian để tạo được một nền tảng vững chắc cho kỹ năng phiên dịch theo đoạn. Các phiên dịch viên ít kinh nghiệm hơn có thể học hỏi từ việc xem các mẫu ví dụ thành công về dịch song song và dịch theo đoạn, và từ việc trao đổi với đồng nghiệp về lợi ích của cách tiếp cận với công việc trong khuôn khổ này.

Có nhiều quan điểm khác nhau giữa các giảng viên và phiên dịch viên về cái gì tạo nên cách thực hành phiên dịch hiệu quả nhất. Ví dụ Russell (2002b) cho biết trong khi 15/15 giảng viên phiên dịch được hỏi đồng ý rằng dịch theo đoạn có thể giúp dịch chính xác hơn, thì chỉ có 8/15 số phiên dịch viên thực tập được hỏi đồng ý như vậy, cho thấy sự nhìn nhận khác nhau giữa giảng viên và PDV. Khi được hỏi về kinh nghiệm nói chuyện với khách hàng về lợi ích của dịch theo đoạn thì 2/15 giảng viên cảm thấy khó khăn khi nói vấn đề này với khách hàng, trong khi 10/15 phiên dịch viên cảm thấy như vậy. Có một sự đồng tình chung giữa hai nhóm rằng theo kinh nghiệm của họ thì thấy rằng khách hàng không thích hình thức dịch theo đoạn, nhưng chúng ta có thể đặt câu hỏi họ không thích vì phiên dịch viên đã không làm tốt, hay là vì các phiên dịch viên từ trước đến nay nói chung đã “dạy” khách hàng tin rằng họ luôn có khả năng dịch song song một cách chính xác và nhất quán. Kinh nghiêm của bản thân tôi khi làm việc với các phiên dịch viên người Điếc đã làm cho tôi tin rằng họ là các đồng minh hiệu quả nhất của chúng ta vì chính họ có thể có các cuộc nói chuyện quan trọng với cộng đồng Điếc về quá trình giao tiếp và ý nghĩa nội dung thiết lập giữa các thành viên tham gia được hình thành như thế nào trong quá trình dịch, và tại sao phải cần dịch theo đoạn trong một số tình huống. Rõ ràng rằng nếu các phiên dịch viên cam kết dịch chính xác, họ phải có được sự tham gia thảo luận của các bên vào chủ đề cái gì làm nên cách thức dịch hiệu quả nhất một cách tổng thể, bao gồm cả các nghiên cứu, thực hành đào tạo và chiến lược phiên dịch hiệu quả.

Từ những thông tin trên cho thấy rõ rằng có các lợi ích của việc học kỹ năng phiên dịch theo đoạn như một bộ kỹ năng riêng cần thiết trong suốt sự nghiệp của một phiên dịch viên NNKH. Vì vậy điều quan trọng là các học viên có được nền tảng đào tạo vững chắc về sử dụng các chiến thuật dịch theo đoạn, và học cách áp dụng chúng hiệu quả khi làm việc. Quản lý thời gian dịch đòi hỏi các PDV phải phát triển khả năng ghi nhớ hình ảnh và âm thanh tốt, và phải biết cách ghi chép hiệu quả khi cần thiết để giúp củng cố khả năng ghi nhớ bài gốc của họ. PDV cũng cần phải học cách chia nhỏ nội dung thông điệp một cách hiệu quả trong quá trình dịch cùng lúc với việc áp dụng các nguyên tắc phân tích bài để xác định nghĩa nội dung được tạo ra trong suốt quá trình hội thoại.

Các kết quả sơ bộ từ nghiên cứu về phiên dịch tại toà án cho thấy các PDV có thể và thành công trong việc kết hợp cả hai hình thức dịch song song và dịch theo đoạn trong cùng một sự kiện dịch. Dù phiên dịch viên có kỹ năng cao hay không thì phiên dịch song song vẫn luôn là một quá trình rất phức tạp, và rủi ro về sai sót và sai lệch thông tin sẽ tăng cao khi nội dung và bối cảnh là khó khăn đối với phiên dịch viên, như khi tốc độ nói và ký hiệu nhanh, khi phần dịch bị giới hạn chặt về thời gian, khi các thành viên tham gia nói và ký hiệu chồng chéo nhau, và khi phần dịch mang nội dung cảm động… Việc một phiên dịch viên lựa chọn chỉ dịch song song có tác động nghiêm trọng; nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sự chính xác của bản dịch, và vì vậy sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của những người tham gia khi diễn ngôn của họ trong quá trình giao tiếp sẽ căn cứ trên nghĩa tương ứng của nội dung dịch.

Các nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng hình thức dịch theo đoạn và nhấn mạnh rằng độ chính xác của hình thức dịch này là cao hơn. Nhưng, có khi nào dịch theo đoạn can thiệp vào các mục tiêu ngữ dụng và tương tác của các thành  viên giao tiếp, những người chúng ta phiên dịch cho hay không? Đây vẫn là một câu hỏi cần được kiểm tra bằng các nghiên cứu sâu hơn. Rõ ràng vẫn cần nghiên cứu sâu hơn để có được cái nhìn sâu sắc vào nhiều khía cạnh của việc phiên dịch. Đó là: các cách tiếp cận có ý thức đến công việc của chúng ta; đặc trưng của phiên dịch cho những người không có chung ngôn ngữ , văn hoá, vị trí xã hội và quan điểm về thế giới trong các tình huống giao tiếp với bối cảnh y tế, pháp lý; các cách tác động của công nghệ đối với hiệu quả thực hiện dịch vụ; và vai trò của các P phiên dịch viên trong việc hình thành các sự kiện xảy ra trong một quá trình tương tác được phiên dịch. Pöchhacker (2004) cho rằng các nhà nghiên cứu về phiên dịch có thể xem xét một loạt các chuyên ngành khác nhau có thể giúp tăng cường kiến thức cho chúng ta, ví dụ những người học về ngữ dụng nhận thức và nhận thức định vị, để bổ sung thêm vào các nghiên cứu về phiên dịch với nội dung phân tích ngôn ngữ và diễn ngôn. Biết được cái gì tạo nên phương pháp thực hành hiệu quả trong lĩnh vực phiên dịch ngôn ngữ nói và NNKH là một hướng đi để khám phá sâu hơn. Mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực của chúng ta và học cách tích hợp các kiến thức đó vào các chương trình đào tạo PDV và vào công việc hành nghề hàng ngày sẽ đưa chúng ta bước lên phía trước. Với các bằng chứng nhất quán cho thấy phiên dịch theo đoạn mang lại tính chính xác cao hơn trong quá trình tương tác, đây sẽ là phương pháp dịch được tăng cường sử dụng trong bối cảnh phiên dịch NNKH. Bằng việc tìm hiểu khi nào và ở đâu có thể sử dụng hiệu quả nhất hình thức phiên dịch theo đoạn, chúng ta sẽ khám phá được các cách phục vụ tốt hơn cho các khách hàng, những người phụ thuộc vào dịch vụ chuyên môn của chúng ta.

Chú thích

Khoảng cách giữa Nghe và Dịch là thuật ngữ sử dụng trong nghiên cứu ngôn ngữ nói để chỉ khoảng thời gian từ lúc tai nhận được thông tin đầu vào đến lúc phiên dịch viên bắt đầu dịch. Khoảng thời gian này cũng gọi là “thời gian xử lý” để chỉ các nhiệm vụ xử lý trong trí óc xảy ra trong quãng thời gian đó. Thuật ngữ “thời gian xử lý” ngụ ý một quá trình động và được ưa chuộng hơn thuật ngữ “thời gian chênh” vì thuật ngữ sau không nói lên được chức năng hoạt động trí óc cần thiết lúc đó để có thể hiểu và xây dựng lại thông điệp trong ngôn ngữ đích. Tuy nhiên, khi mục đích sử dụng thuật ngữ này là để chỉ sự cách biệt thời gian giữa bài gốc và phần dịch nói thì sử dụng “thời gian chênh” là phù hợp.

Tài liệu này mang đến cái nhìn sâu hơn về các mô hình tư duy của quá trình phiên dịch, và sự tham gia trực tiếp của PDV vào quá trình hình thành nghĩa. Tôi khuyến khích độc giả cân nhắc các ý tưởng mà Sherman Wilcox và Barbara Shaffer trình bày trong chương của họ.

Đánh giá nội dung 2:

  1. Hãy phân tích mô hình dịch dựa trên ý tưởng
  2. Lựa chọn phương thức dịch đuổi hoặc dịch song song thế nào trong các tình huống pháp lý?
  3. Nêu kinh nghiệm của bản thân khi lựa chọn phương thức dịch trong các buổi hỗ trợ gia đình trẻ điếc


THỰC HÀNH

Xem clip về hội thoại giữa ba người (Chu de 1 Cong viec – Gia dinh) và clip về kể chuyện (lat tau HCM)

Dịch từng đoạn (dịch đuổi)

  1. Mục đích
  2. Chuyển từ biên dịch sang dịch từng đoạn
  3. Phát triển bài tập để tạo kỹ năng và tự tin
  4. Mục tiêu
  5. Chuẩn bị

(1)  Tạo sơ đồ cho trong thời gian giới hạn

(2)  Tạo sơ đồ trình tự cho trong thời gian giới hạn

(3)  Chuẩn bị bài dịch dựa trên sơ đồ trình tự trong thời gian giới hạn, đánh giá bài dịch

(4)  Làm đoạn dịch trong thời gian giới hạn;

  1. Thực hiện

(1)  thực hiện đoạn dịch trong thời gian giới hạn

(2)  đánh giá đoạn dịch

  1. Lập lại qui trình cho bài mới.
  2. Thảo luận

Phần đầu tiên của hoạt động này là chuẩn bị. Nếu học viên đã thấm nhuần việc chuyển đổi một nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thì sự khác biệt lớn nhất khi chuyển từ biên dịch sang dịch từng đoạn sẽ là việc chuyển từ việc không bị giới hạn thời gian sang bị giới hạn thời gian. Một trong những mục tiêu là hạn chế việc thêm bước mới khi chuyển sang giai đoạn mới, do đó ban đầu học viên chỉ bị giới hạn thời gian chứ chưa phải xử lý bài dịch mới. Do đó ta chỉ dùng lại nội dung đã được lập sơ đồ sẵn từ các hoạt động trước.

Bước 1. Thảo luận mục đích và mục tiêu của bài tập.

Học viên đọc bài gốc. Tiếp tục với bài “mua nhà”, giảng viên giới thiệu mục đích bài tập và dẫn dắt quá trình lập sơ đồ.

Bước 2. Chuẩn bị sơ đồ, giới hạn thời gian.

Bắt đầu bằng việc cho lớp xem bài gốc, học viên có 10 phút để phác thảo sơ đồ các chủ đề, ý tưởng, vân vân. Những sơ đồ này không chi tiết bằng sơ đồ ban đầu ở bài tập #2 nhưng có đủ các yếu tố chính và thông tin đi kèm. Bài tập này tạo sức ép về thời gian, mà không gây thêm sức ép phải hiểu bài gốc.

Bước 3. Học viên xem bài gốc và có 5-10 phút để phân loại các ý tưởng.

Bước 4. Lập sơ đồ trình tự cho bài trong vòng 5 – 20 phút. Khi đã có sơ đồ, học viên phải sắp xếp các  nội dung theo trình tự chúng xuất hiện trong bài gốc.

Bước 5. Liệt kê các yếu tố ngôn ngữ cần quan tâm trong từng đoạn của sơ đồ trình tự, có giới hạn thời gian, gợi ý là khoảng 15 – 30 phút (kết quả sẽ tương tự sơ đồ 5A).

Bước 6. Đánh giá độ chính xác và đầy đủ của các sơ đồ trình tự.

Bước này có thể làm cùng cả lớp, do giảng viên làm, hoặc làm theo nhóm nhỏ. Đánh giá dựa trên sơ đồ nội dung từ bài tập #2, sơ đồ ban đầu của bài gốc. Sau khi hoàn thành bước này, học viên sẽ tự tin vào khả năng đánh giá bài gốc ngày càng nhanh của mình.

Bước 7. Chuẩn bị bài dịch dựa trên sơ đồ trình tự, trong giới hạn thời gian.

Khi sơ đồ trình tự và ngôn ngữ đã có, học viên bắt đầu làm bài dịch. Phần lớn  đã quen thuộc vì học viên đã dành nhiều thời gian làm với bài gốc từ các giai đoạn trước. Tuy nhiên hình thức ngôn ngữ đích có thể rất khác, và học viên nên được khuyến khích để dịch dựa trên bản sơ đồ họ làm trong bài tập này, thay vì cố nhớ lại sơ đồ họ đã làm từ các bài tập trước. Vì vậy bài dịch của họ có thể rất khác với bài dịch đã làm ở bài tập trước. Khuyến nghị thời gian dành cho bài này là 30 phút. Thời gian này có thể tăng lên nếu cần, nhưng nên giảm dần với các bài dịch sau này.

Bước 8. Chia đoạn.

Khi bài đã được chuẩn bị, giảng viên đi tiếp sang bước tiếp theo – chia bài thành từng đoạn nhỏ, có ý nghĩa, để dịch theo đoạn. Mỗi đoạn này nên bao gồm các ý tưởng hoàn chỉnh và tương đối dài (bốn đến năm ý tưởng). Mục tiêu là để học viên biết cách phân đoạn bài có nội dung dài. Sơ đồ nội dung ở giai đoạn này giúp học viên tìm ra cách chia đoạn chia theo ý nghĩa trong bài.

Bước 9. Dịch từng đoạn / không giới hạn thời gian.

Khi bài đã được lập sơ đồ và chia đoạn, học viên có thể chuyển sang bước tiếp theo – dịch từng đoạn. Bài gốc phải được sắp xếp trước để tạm dừng theo từng đoạn, học viên có thể ngừng cuốn băng, hoặc ra hiệu cho người khác dừng, hoặc chỉnh cuốn băng để tạo một đoạn dừng (cách này dễ làm với băng tiếng hơn băng hình). Trong giai đoạn đầu , học viên có thể ngừng lâu tùy nhu cầu để dịch từng đoạn. Bài gốc không được tiếp tục bật cho đến khi họ dịch xong đoạn trước. (giả định là họ đã dịch các đoạn thành thạo và không bị lặp lại, sửa hay lúng túng trong đoạn dừng này).

Bước  10. Dịch từng đoạn / có giới hạn thời gian.

Khi học viên đã thành thạo việc dịch từng đoạn và tự dừng băng, bước tiếp theo là thêm vào sức ép thời gian. Cụ thể là thời hạn dừng giữa các đoạn. Lúc đầu, nên để thời gian dừng hơi dài hơn cần thiết, để học viên có vài giây suy nghĩ trước khi nói. Việc này tạo sức ép nhưng vẫn cho phép học viên dịch tốt mà không bị rớt lại sau. Khi học viên ngày càng thoải mái hơn, thời gian dừng sẽ bị rút ngắn lại, cho đến mức học viên vẫn đang tiếp tục dịch khi đoạn tiếp theo được bật lên. Lúc đầu thời gian chồng lên này chỉ nên khá nhỏ để học viên trải nghiệm được cảm giác vừa dịch vừa nghe thông tin mới (học viên cũng phải trải qua kinh nghiệm làm đa công việc một lúc trước khi đến được giai đoạn này). Quan trọng là học viên vẫn phải đợi nghe hết một đoạn rồi mới bắt đầu dịch đoạn đó.

Trong dịch theo đoạn, không bao giờ bỏ hẳn được các đoạn dừng. Bước cuối của bài tập này là chỉ để 5 giây dừng giữa các đoạn. Học viên vừa dịch đoạn cũ vừa xem đoạn mới, nhưng biết rằng họ có những khoảng dừng cố định để họ sắp xếp lại. Khi học viên đã quen với bài tập, họ có thể tự phân đoạn băng tùy theo nhu cầu của mình.  Việc này tăng sự tự tin của học viên vào khả năng phân đoạn của mình. Khi học viên đã chia đoạn cho bài gốc của mình, họ có thể chia xẻ với các bạn, và tập dịch các đoạn của người khác chia.

Bước 11. Đánh giá bài dịch.

Sau khi học viên đã hoàn thành bài dịch theo đoạn, họ quay lại sơ đồ để đánh giá mức hiệu quả của bài dịch. Họ lập sơ đồ cho bản dịch, và so sánh nó với sơ đồ của bài gốc. Việc so sánh này sẽ chỉ rõ những phần cần cải thiện. Học viên cũng có thể lập sơ đồ cho bài dịch của người khác và góp ý lẫn nhau về bản dịch.

Đến thời điểm này, giảng viên có thể đánh giá và cho điểm bài dịch dựa trên độ chính xác và hoàn chỉnh (so sánh sơ đồ của học viên với sơ đồ do chính giảng viên làm), và đánh giá cả khả năng tự đánh giá của học viên bằng cách so sách sơ đồ bài gốc và bài dịch của học viên. Với việc này, học viên không chỉ học được cách dịch một bài cụ thể, mà còn học cách tự đánh giá kết quả của mình, một kỹ năng cần thiết để họ tiếp tục trau dồi sau khi đã kết thúc khóa học.

Bước thứ ba của bài tập là giới thiệu các bài gốc mới. Như đã nhấn mạnh từ trước, trước tiên phải làm từ những bài học viên đã quen thuộc, và thêm dần các yếu tố mới. Khi học viên đã thành thạo với cả quá trình, giảng viên có thể bắt đầu giới thiệu bài gốc mới, bắt đầu là xem qua, sau đi lướt qua từng bước (lập sơ đồ, kể lại, dịch, dịch theo đoạn, và cuối cùng là dịch đuổi).  Kể cả khi chuẩn bị một bài mới, học viên vẫn nên hoàn thành mọi bài tập sơ đồ trước khi dịch từng đoạn. Không nên dịch từng đoạn trước khi đã hoàn thành đủ sơ đồ. Nhắc lại là ta cần củng cố mục tiêu tập luyện việc chuẩn bị bài và nhập tâm cả quá trình cho đến khi nó trở thành bản năng cho học viên.

Dịch song song

Sơ đồ nội dung được dùng để đánh giá các bài dịch đã được chuẩn bị trong suốt quá trình. Bài tập này dẫn dắt học viên đến hoạt động dịch song song.

  1. Mục đích: Học viên chuyển từ dịch từng đoạn sang dịch song song
  2. Mục tiêu
  3. Dùng lại các bài đã lập sơ đồ và trình bày, bỏ khoảng dừng giữa các đoạn khi dịch
  4. Dùng quá trình lập sơ đồ, chuẩn bị bài và dịch đuổi các bài gốc mới
  5. Thảo luận

Bước 1. Chuyển từ dịch đoạn sang dịch đuổi, với bài đã chuẩn bị sẵn.

Ở bước này, việc chuyển đổi chỉ đơn giản là loại bỏ các đoạn ngừng. trong giai đoạn đầu , khi sử dụng các bài đã quen thuộc, học viên chỉ phải chịu thêm áp lực về thời gian.

Bước 2.  Chuẩn bị và thực hiện bài mới.

Khi đã dễ dàng dịch bài quen thuộc, học viên có thể bắt đầu dịch song song bài mới. Dĩ nhiên họ đã phải nhuần nhuyễn quá trình chuẩn bị một bài mới, trước khi chuyển sang dịch đuổi. Đến lúc này, học viên đã có thể chia bài thành những đoạn nhỏ có nghĩa, và dịch mà không cần lập sơ đồ rõ ràng (nghĩa là họ có thể tự lập ra sơ đồ nhanh chóng bên trong đầu). Khi đã thấm nhuần cả quá trình, họ có thể tư duy theo ý nghĩa bên trong của bài chứ không phải theo từ hoặc ký hiệu. Do vậy việc dịch của họ hướng đến một bài dịch có ý nghĩa chứ không phải chỉ là một loạt ký hiệu.

Bước 3. Đánh giá.

Giảng viên, các học viên khác, hoặc tự học viên có thể đánh giá độ chính xác và đầy đủ của bài dịch. Quan trọng là việc đánh giá nhằm mục đích phát hiện ra những điểm yếu chung và vấn đề khi dịch. Nghĩa là không chỉ đánh giá sản phẩm bài dịch, mà cả quá trình làm việc.

Tài liệu tham khảo

  1. Alexieva, Brista (2002[1997]). Loại hình các sự kiện được phiên dịch. In Franz Pöchhacker & Miriam Shlesinger (Eds.), Độc giả của nghiên cứu về phiên dịch (pp. 219–233). London and New York: Routledge.
  2. Baker-Shenk, Charlotte (1990). Một giáo trình mẫu cho các giáo viên NNKH Mỹ và giảng viên môn phiên dịch NNKH Mỹ/tiếng Anh. Silver Spring, MD: RID Publications.
  3. Barik, Henri C. (1969). Một nghiên cứu về phiên dịch song song. Luận án tiến sỹ chưa được xuất bản, University of North Carolina, Chapel Hill.
  4. Barik, Henri C. (1973). Phiên dịch song song: các dữ liệu mang tính tạm thời và định lượng. Ngôn ngữ và Diễn thuyết, 16, 237–270.
  5. Barik, Henri C. (1973). Phiên dịch song song: các dữ liệu mang tính tạm thời và định lượng. Ngôn ngữ và Diễn thuyết, , 18, 272–297.
  6. Barnwell, David (1989). Phiên dịch toà án: Sự cần thiết một quá trình kiểm định. Tham luận tại Cuộc họp thường niên của Hội nghị Đông Nam về Ngôn ngữ và văn học, Orlando, FL, February 24, 1989.
  7. Bruton, Kevin (1985). Phiên dịch theo đoạn – cách tiếp cận theo lý thuyết. In Noell Thomas & Richard Towell (Eds.), Phiên dịch như một kỹ thuật giảng dạy ngôn ngữ – Nghi thức hội thảo (pp. 19–36). Đại học Salford, England: Trung tâm thông tin, Nghiên cứu và Giảng dạy ngôn ngữ.
  8. Buying a condo. 1993. Produced by Gallaudet University, Washington, D.C. Videocassette.
  9. Chernov, Ghelly (1979). Các khía cạnh ngữ nghĩa học của nghiên cứu ngôn ngữ tâm lý học về phiên dịch song song. Ngôn ngữ và Diễn thuyết, 22(3), 277–295.
  10. Cokely, Dennis (1984). Tiến đến một mô hình ngôn ngữ học xã hội của quá trình phiên dịch: NNKH Mỹ và tiếng Anh. Luận án tiến sỹ, Đại học Georgetown, Washington, DC.
  11. Cokely, Dennis (2003). Điều chỉnh giáo trình trong thế kỷ 21: Các kinh nghiệm vùng Đông bắc. Phần trình bày cho dự án TIEM, hội thảo trực tuyến, tháng 10/2003.
  12. Collins, A. M., and M. Ross Quillian. 1969.Retrieval time from semantic memory. Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior 8: 240- 47.
  13. Colonomos, Betty (1992). Các quá trình trong phiên dịch và chuyển ngữ: hãy làm cho nó phù hợp với bạn. Riverdale, MD: The Bicultural Center.
  14. Dillinger, Mike (1994). Hiểu nghĩa trong quá trình phiên dịch: Cái gì PDV biết mà người song ngữ không biết? In Sylvie Lambert & Barbara Moser-Mercer (Eds.), Cầu nối lấp khoảng cách: Nghiên cứu theo kinh nghiệm về phiên dịch song song (pp. 155–190). Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
  15. Gerver, David (1976). Nghiên cứu theo kinh nghiệm về phiên dịch song song: một sự nhìn nhận lại và một mô hình Richard W. Brislin (Ed.), Biên dịch: ứng dụng và nghiên cứu (pp. 165–207). New Yo r k : G a r d n e r.
  16. Gile, Daniel (1988). Tổng quan về nghiên cứu và lý thuyết phiên dịch hội thảo. In Deanna L. Hammond (Ed.), Bước ngoặt của Ngôn ngữ: Kỷ yếu hội nghị thường niên lần thứ 29 của Hiệp hội biên dịch Hoa Kỳ (pp. 363–371). Medford, NJ: Learned Information.
  17. Gish, Sandra (1986). Tôi hiểu tất cả các từ, nhưng tôi không hiểu nội dung: Một Chiến lược Mục đích – đến – chi tiết/ chi tiết –đến – mục đích cho phân tích bài. In Marina L. McIntire (Ed.), Những hướng mới trong đào tạo PDV: Giáo trình và Hướng dẫn (pp. 125–137). Silver Spring, MD: RID Publications.
  18. Gish, Sandra (1992). Quan điểm của Vygotskian về đánh giá PDV. In Elizabeth A.Winston (Ed.),Khả năng của học viên: Xác định dạy và đánh giá. Kỷ yếu hội nghị quốc gia lần thứ 9 của Hội thảo các giảng viên phiên dịch.
  19. Goldman-Eisler, Frieda (1972). Chia đoạn bài gốc trong phiên dịch song song. Tập san nghiên cứu ngôn ngữ tâm lý học, 1, 127–140.
  20. Harris, Brian, & Brian Sherwood (1978). Dịch thuật như một kỹ năng bẩm sinh. In David Gerver & H.Wallace Sinaiko (Eds.), Phiên dịch và giao tiếp ngôn ngữ (pp. 155–170). New York: Plenum Press.
  21. Hatch, E. 1992. Nội dung and language education. Cambridge: Cambridge University Press.
  22. Hatim, B., and 1. Mason. Nội dungand the translator. London/New York: Longman.
  23. Humphrey, Janice H., & Bob J. Alcorn (1995). Và bạn muốn trở thành một PDV? Giới thiệu về PD NNKH. Amarillo, TX: H & H Publishers.
  24. Ingram, Robert (1985). Sản phẩm dịch song song bằng NNKH: Quan điểm ký hiệu học và ngôn ngữ tâm lý học .Multilingua, 4, 91–102.
  25. Isham, William P. (1986). Vai trò của phân tích thông điệp trong phiên dịch. In Marina L. McIntire (Ed.), Phiên dịch: Nghệ thuật trung gian văn hoá, Kỷ yếu hội nghị quốc gia lần thứ 9 của Cơ quan đăng ký PDV cho người Điếc (pp. 60–69). Silver Spring, MD: Cơ quan đăng ký PDV cho người Điếc
  26. Larson, M. 1984. Meaning-based translation:A guide to cross-language equivalence. Lanham, Md.: University Press of America.
  27. Mikkelson, Holly (1994). Thuốc được kê đơn của PDV: Một chương trình đào tạo phiên dịch viên tiếng TBN/tiếng Anh về y tế,CA:ACEBO.
  28. Moser, Barbara (1978). Phiên dịch song song: Một mô hình giả thuyết và sự áp dụng thực tế. In David Gerver & H. Wallace Sinaiko (Eds.), Phiên dịch và giao tiếp ngôn ngữ (pp. 353–368). New York: Plenum Press.
  29. Nida, E. A. 1964. Toward a science of translating with specialreference to prin­ ciplesand procedures involved in Bible translating. Leiden: E. J. Brill. 1977. The nature of dynamic equivalence in translating. Babel 23, No. 3.
  30. Oller, J. W, Jr. 1979. Language tests at school. New York: Longman.
  31. Pöchhacker, Franz (1992). Vai trò của lý thuyết trong phiên dịch song song. In Cay Dollerup & Anne Loddegaard (Eds.), Giảng dạy phiên dịch và biên dịch: Đào tạo, Năng khiếu, và Kinh nghiệm (pp. 211–220) Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
  32. Pöchhacker, Franz (2004). Giới thiệu nghiên cứu về phiên dịch. London: Routledge.
  33. Roberts, R. 1993. Student competencies in interpreting: Defining, teach­ing, and evaluation. In Proceedingsof the ninth national convention, Conference of Interpreter Trainers, ed. E. A. Winston.
  34. Roy, Cynthia B. (1996). Một phân tích ngôn ngữ học xã hội tương tác về việc phân lượt trong một tình huống dịch. 1(1), 39–67.
  35. Roy, Cynthia B. (2000). Phiên dịch như một quá trình diễn ngôn. New York/Oxford: Oxford University Press.
  36. Russell, Debra (2000). Phiên dịch các tình huống pháp lý: Phiên dịch theo đoạn và đồng thời. University of Calgary, Calgary, Alberta.
  37. Russell, Debra (2002a). Phiên dịch các tình huống pháp lý: Phiên dịch theo đoạn và đồng thời. Burtonsville, MD: Linstok Press.
  38. Schultz, J. M. 1991. Mapping and cognitive development inthe teaching of foreign language writing. The French Review 64, No. 6 (May): 978-88. Seleskovitch, D. 1978. Interpretingfor international conferences: Problems of language and communication. Washington, D.C.: Pen and Booth.
  39. Seleskovitch, Danica (1978). Phiên dịch cho các hội nghị quốc tế: Các vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp. Washington, DC: Pen and Booth.
  40. Seleskovitch, Danica, & Marianne Lederer (1995). Một cách tiếp cận có hệ thống với giảng dạy phiên dịch. Paris: Didier Erudition.
  41. Shlesinger, Miriam (2000). Phiên dịch như một quá trình nhận thức. In Sonja Tirkkonen-Condit &
  42. Smith, Theresa, & Ellie Savidge (2002). Trên cả kiến thức và kỹ năng: Thái độ giảng dạy. Laurie Swabey (Ed.), Các thiết kế mới trong đào tạo phiên dịch viên: Kỷ yếu Hội nghị quốc gia lần thứ 14 Hội thảo các giảng viên phiên dịch (pp. 17–32). St. Paul, MN: Hội thảo các giảng viên phiên dịch.
  43. Tommola, Jorma, & Jukka Hyönä (1990). Sức nặng trí não khi lắng nghe, theo dõi bài nói và phiên dịch song song. Tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu quốc tế về ngôn ngữ học ứng dụng, Thessaloniki, Greece, April 15–21, 1990.
  44. Voice-to-sign interpreting practice: Living fully. 1994. Produced by Sign En­hancers, Salem, Ore. Videocassette.
  45. Wadensjö, Cecilia (1998). Phiên dịch như một quá trình tương tác. London and New York: Longman.
  46. Winston, Elizabeth A. (2000). Đơn giản là nó không giống NNKH Mỹ! Xác định, nhận biết, và dạy ngôn điệu trong NNKH Mỹ. CIT at 21: Tôn vinh sự xuất sắc, tôn vinh sự hợp tác, Kỷ yếu Hội nghị quốc gia lần thứ 13 Hội thảo các giảng viên phiên (pp. 103–115). Silver Spring, MD: RID Publications.

Witter-Merithew, Anna, Marty Taylor, & Leilani Johnson (2002). Tự đánh giá và lập kế hoạch phát triển chuyên môn có định hướng: Một mô hình áp dụng cho các PDV trong ngành giáo dục. Chiếc thảm của thế giới chúng ta: Kỷ yếu hội nghị quốc gia lần thứ 17 của Cơ quan đăng ký PDV cho người Điếc (pp. 177–196). Alexandria, VA: RID Publications

[1] Shlesinger (2000)

[2] Wadensjö (1998)

[3] Gish (1986, 1992)

[4] Russell (2000, 2002a)

[5] Berk-Seligson 2000; Russell 2002a.

[6] Alexieva (1991); Bruton (1985); Cokely (1992); Mikkelson (1994); Seleskovitch & Lederer (1995).

[7] Russell 2000, 2002a

[8] David Still, giao tiếp cá nhân, 8/2003

[9] Bonnie Dubienski, giao tiếp cá nhân, 8/2003

[10] Roy (1996), Wadensjö (1998), Smith và Savidge (2002), Winston (1998), và Witter-Merithew và cộng sự. (2002)

Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc