MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 4: PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG DỊCH VĂN BẢN GỐC SANG NGÔN NGỮ KÝ HIỆU (Phần 1)

MÔ ĐUN 2 – CHỦ ĐỀ 4: PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG DỊCH VĂN BẢN GỐC SANG NGÔN NGỮ KÝ HIỆU (Phần 1)

MÔ ĐUN 2: PHIÊN DỊCH NGÔN NGỮ KÝ HIỆU

CHỦ ĐỀ 4: PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG DỊCH VĂN BẢN GỐC SANG NGÔN NGỮ KÝ HIỆU (Phần 1)

I. Tổng quan

Để có thể làm tốt công tác phiên dịch NNKH, người học phải hiểu được những công việc của phiên dịch viên. Những công việc này gồm những gì, cần lưu ý trong quá trình từ chuẩn bị đến quá trình dịch thuật và kết thúc công việc.

Một trong những nội dung chủ yếu của phiên dịch là dịch thuật các văn bản có sẵn. Để làm được điều này người phiên dịch cần có những năng năng lực nào, các hoạt động nào để chuẩn bị tạo ra những năng lực đó để văn bản được dịch sang ngôn ngữ kí hiệu sát với văn bản gốc và ngôn ngữ của khách hàng người Điếc. Trong học phần này sẽ đề cập đến: 1) Nhiệm vụ của phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu; 2) Tám bước để thành công trong dịch thuật và; 3) Kỹ năng dịch văn bản.

II. Mục tiêu của mô dun

Mục tiêu

          Người học hiểu và phân tích được nhiệm vụ của phiên dịch viên, các bước để làm tốt công việc phiên dịch và các kỹ năng dịch văn bản.

Mục tiêu kiến thức

  • Trình bày được nhiệm vụ của phiên dịch viên;
  • Phân tích các bước để thành công trong viên dịch;
  • Phân tích văn bản dich.

Kĩ năng

  • Phân tích nhiệm vụ của phiên dịch;
  • Phân tích văn bản dịch.

 Thái độ

  • Tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của cộng đồng người Điếc
  • Có thói quen không ngừng trau dồi năng lực NNKH
  • Có thái độ hợp tác và học hỏi trong lĩnh vực phiên dịch giáo dục người Điếc.
  • Ý thức rõ và thể hiện hành vi đạo đức của nghề phiên dịch NNKH.

Giới thiệu tiểu mô đun

TT Nội dung Thời gian
Tổng số Lí thuyết Thực hành
1 Công việc của phiên dịch viên 15 10 0
2 Tám bước để thành công trong phiên dịch 15 10 5
3 Dịch văn bản 15 10 10

 

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun

          – Điều kiện tiên quyết khi học mô đun: sau khi học xong mô dun 1 và mô dun 2

IV. Nội dung:

Nội dung 1: Công việc của phiên dịch viên

Nhiệm vụ của học viên: nghiên cứu và trả lời câu hỏi dưới đây

  1. Phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu thực hiện những công việc gì?
  2. Sự khác biệt giữa phiên dịch viên hỗ trợ trẻ điếc trước tuổi đến trường với các nhóm cộng đồng người điếc ở Việt Nam thể hiện ở những điểm nào?

Thông tin nguồn cho nội dung 1:

Ở nội dung này sẽ quan sát các phiên dịch viên khi họ làm việc. Có rất nhiều yếu tố để đánh giá nếu phiên dịch viên làm tốt công việc của mình. Trước hết cần trả lời câu hỏi: Phiên dịch cho ai? và những loại công việc họ làm. Phiên dịch viên muốn được người khác đánh giá như những người chuyên nghiệp, điều này làm nảy sinh một số kì vọng từ chính bản thân họ cũng như của khách hàng. Các phiên dịch viên cho rằng họ thuộc nhiều nhóm chuyên môn khác nhau, cho nên họ cần tương tác với những ngành nghề khác. Điều này được đưa ra thảo luận cùng với 1 số kĩ năng khác mà các phiên dịch viên cần phải có, ngoài những kĩ năng liên quan đến ngôn ngữ ra.

Công việc của người dịch ngôn ngữ kí hiệu – ngôn ngữ nói

Các phiên dịch viên thường làm việc trong nhiều tình huống khác nhau cũng như với rất nhiều người khác nhau. Trong bất kỳ tình huống dịch nào phiên dịch viên cũng sẽ làm việc với ít nhất 2 người hoặc 2 nhóm người không cùng chung ngôn ngữ muốn giao tiếp với nhau.

Các phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu – ngôn ngữ nói giúp sự giao tiếp giữa người điếc và người nói. Hai nhóm người này sử dụng ngôn ngữ khác nhau và có nền văn hóa khác nhau. Trong một cuộc đối thoại có sử dụng phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu – ngôn ngữ nói, luôn có ít nhất 1 người không giao thiệp trực tiếp được bằng tiếng nói với người nói mà sẽ thông qua phiên dịch viên. Và ngược lại ta cũng có thể nói, trong một giao tiếp như vậy, luôn có ít nhất 1 người nói không giao thiệp trực tiếp được bằng ngôn ngữ kí hiệu với người điếc mà cũng cần thông qua phiên dịch viên. Khi 2 nhóm người này giao tiếp với nhau, công việc của phiên dịch viên không chỉ hỗ trợ cho quá trình giao tiếp diễn ra mà còn là hỗ trợ cho toàn bộ quá trình tương tác đặc biệt này theo cách không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm giao tiếp giữa họ.

Một phiên dịch viên giỏi là người biết tôn trọng tính nhân văn của những người mình dịch cho (Cokely 2000). Phiên dịch viên phải hiểu rằng quá trình tương tác thuộc về các thành viên tham gia giao tiếp và phiên dịch viên cần có khả năng hỗ trợ cho quá trình giao tiếp đó mà không áp đặt lên nó một cách vô tình hay cố ý. Sự có mặt của phiên dịch viên không được đi xa đến mức làm cho trải nghiệm này giống như trải nghiệm giao tiếp giữa hai người có chung ngôn ngữ, nói cách khác, họ không thể vứt bỏ đi sự khác nhau về ngôn ngữ cũng như văn hóa mà mỗi thành viên mang theo mình. Nếu việc phiên dịch thành công, nó sẽ giúp cho phép quá trình tương tác được diễn ra theo đúng cách tự nhiên của nó.

Sự khác nhau của khách hàng

Các phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu làm việc với rất nhiều khách hàng khác nhau, từ người nghe nói bình thường, đến các thành viên cộng đồng Điếc là những người Điếc thuộc về văn hoá Điếc, cũng như những người chưa hoàn toàn hoà nhập và chia sẻ trải nghiệm văn hoá Điếc mà là không có khả năng thính giác, người nghe kém, không phải điếc bẩm sinh và người Điếc-mù. Với mỗi nhóm khách hàng như vậy, phong cách giao tiếp của họ lại thể hiện một dải ngôn ngữ khác nhau. Khi đó thuật ngữ “phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu” là để chỉ những người phiên dịch làm việc với bất kỳ cá nhân nào trong số các nhóm trên, và hiểu rằng mình cần phải phát triển kĩ năng ngôn ngữ để có thể tiếp nhận mọi phong cách giao tiếp đó.

Đối xử với khách hàng như một cá thể

Người Điếc (thuộc văn hoá Điếc), người điếc (chưa thuộc về văn hoá Điếc),  người nghe kém, người điếc không phải bẩm sinh và người Điếc-mù đều có những trải nghiệm cuộc sống riêng và được tiếp xúc với các triết lý giáo dục khác nhau cùng các chương trình tương ứng trong suốt quãng đời đi học. Tùy theo những trải nghiệm này và ảnh hưởng của nó lên từng người, ngôn ngữ mà họ lựa chọn có thể NNKH của cộng đồng người điếc, là ngôn ngữ nói của nhóm người nói đa số người bình thường hoặc là “ký hiệu lai” là sự kết hợp của cả NNKH và ngôn ngữ nói.

Phiên dịch viên nên nhớ rằng cách dùng ngôn ngữ sẽ khác nhau giữa mỗi người và mỗi ngữ cảnh. Một cá nhân khi giao tiếp trong những tình huống khác nhau có thể sẽ dùng nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau. Điều này xảy ra như nhau với những người sử dụng ngôn ngữ nói,ngôn ngữ kí hiệu hoặc ngôn ngữ kí hiệu lại làm ngôn ngữ chính của mình. Dải ngôn ngữ rộng lớn mà phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu phải tiếp xúc đòi hỏi họ phải có sự hiểu biết rộng về ngôn ngữ để có thể xử lý các yêu cầu về ngôn ngữ một cách hiệu quả và đúng quy tắc khi dịch và qua đó hỗ trợ cho vô vàn các tình huống tương tác độc nhất mà họ tham gia vào. Liên quan đến vấn đề ngôn ngữ đa dạng trong cộng đồng Điếc và các phiên dịch viên, Lucas và Valli đã nói: “Đâu là cách tốt nhất để phiên dịch viên có thể tiếp cận sự phức tạp và đa dạng của ngôn ngữ sử dụng trong cộng đồng Điếc ở Mỹ, một cách tiếp cận vừa để đánh giá tình huống vừa để dịch? Có vẻ như khả năng song ngữ sử dụng cả ngôn ngữ kí hiệu và ngôn ngữ nói chính là câu trả lời (Lucas và Valli 1992:123).

Các phiên dịch viên, đặc biệt là những người mới vào nghề, thường hay quan tâm đến trách nhiệm của và mối quan hệ của mình đối với người điếc hơn là trách nhiệm của họ với người nghe nói. Họ thường hiểu nhầm rằng họ chỉ đang phiên dịch cho người Điếc, trong khi họ đang làm việc này cho cả người nghe nói nữa. Một điều thú vị là trong các nghiên cứu của Roy (1989, 2000) và Metzger (1999) đều cho thấy sự đối xử khác nhau của phiên dịch viên đối với hai nhóm này. Trong nghiên cứu của Roy, khi có sự chồng chéo trong cuộc hội thoại, các phiên dịch viên thường xuyên yêu cầu người điếc ngừng lại chứ không yêu cầu người nói. Metzger chỉ ra rằng 75% số lần phiên dịch viên có ý kiến hay yêu cầu giải thích rõ thêm là họ nói với đối tượng người điếc và chỉ nói bằng ký hiệu, nghĩa là đối tượng người nói không hiểu được. phiên dịch viên cần nhớ rằng họ phải hỗ trợ giao tiếp một cách cân bằng cho cả 2 nhóm khách hàng. Dù sao đi nữa, dịch hiệu quả đóng vai trò giúp người Điếc được giao lưu với cộng đồng người nói chiếm đa số một cách bình đẳng hơn. Khi phiên dịch viên lấy đây làm mục tiêu, họ phải hạn chế các thái độ và các hành vi mang tính áp chế (Baker-Shenk 1986, 1992). Đối với cả 2 đối tượng khách hàng, thái độ của phiên dịch viên thể hiện sự chuyên nghiệp của họ, nhưng riêng đối với cộng đồng Điếc, thái độ đúng mực còn là phẩm chất cần phải có đối với PDV vì điều đó thể hiện sự tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa Điếc.

Nơi làm việc của phiên dịch viên

Trong cuộc sống thường ngày người Điếc và người nói vẫn giao tiếp với nhau (với mức độ thành công khác nhau) mà không có sự có mặt của phiên dịch viên. Tuy nhiên thông thường thì các tình huống giao tiếp như vậy có sự hỗ trợ của PDV, vì lý do khó khăn về ngôn ngữ hoặc chỉ để cho thuận tiện. Vì vậy các phiên dịch viên có mặt ở trong mọi môi trường và tình huồng có thể, và ở bất cứ đâu. Nhưng ở đây tôi nói đến các môi trường làm việc căn cứ trên lựa chọn nghề nghiệp của PDV, chứ không phải các bối cảnh giao tiếp đa dạng nơi họ đến phiên dịch hàng ngày.

Các loại nghề nghiệp

Thông thường các phiên dịch viên làm việc theo 2 kiểu: một là làm tự do, hai là làm nhân viên tại các cơ sở giáo dục, các cơ quan cung cấp dịch vụ phiên dịch, các công ty. Một số người thì làm cả hai công việc trên.

Lợi thế và thử thách đối với một PDV làm tự do cũng giống như với người làm trong biên chế, đó là không có gì chắc chắn về khối lượng cũng như loại công việc. Thế nên luôn cần phải chú ý đến xu hướng của thị trường. Nếu là một người làm tự do, họ được tự do hơn trong việc sắp xếp thời gian và loại công việc mà họ muốn nhận hơn là người làm cho công ty, tổ chức. Khi có nhiều lời mời làm việc, họ có quyền chọn công việc mà phù hợp với khả năng và sở trường của mình nhất để dễ dàng đạt được thành công. Họ cũng có thể chọn  những công việc phù hợp với thời gian biểu và mục đích làm việc của mình. Những loại công việc họ thường nhận được gọi là “phiên dịch cho cộng đồng”, bao gồm các bối cảnh y tế, pháp luật, tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn và một loạt các hình thức họp và hội thảo hội nghị quy mô khác nhau từ nhóm 2 người nhóm lớn. Một vài phiên dịch viên tự do còn thường xuyên cung cấp dịch vụ “phiên dịch hội thảo” và làm việc với nhiều chuyên gia, lĩnh vực chuyên môn và các tổ chức có mối quan tâm đặc biệt, và phiên dịch các cuộc họp, hội nghị nơi người ta trình bày, thảo luận hoặc tranh luận các thông tin mới (Seleskovitch 1978). Thường thì các PDV tự do làm việc trong nhiều bối cảnh đa dạng và sử dụng nhiều kiểu dịch khác nhau, tuy nhiên một số người lại tập trung chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể.  Các hợp đồng làm việc cá nhân như vậy có thể kéo dài vài tiếng cho đến vài tháng. Vào các thời điểm khan hiếm công việc, phiên dịch tự do không có nhiều lựa chọn mà phải nhận mọi công việc được mời. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này có thể đọc Fischer (1998) và Humpreys (2004).

Khi một phiên dịch viên làm việc cho công ty hoặc tổ chức, họ không có được sự lựa chọn thoải mái như khi làm tự do, nhưng bù lại họ có công việc và thu nhập ổn định hơn. Đối với nhiều PDV, khi đi làm kiểu này có lợi thế là những công việc thường ngày như quảng cáo dịch vụ, sắp xếp lịch làm việc, theo dõi thanh toán sẽ được người khác làm thay cho. Tuy nhiên họ cũng không có quyền lựa chọn công việc mà họ muốn. Ví dụ các PDV làm việc cho công ty có thể vẫn làm những công việc mang tính cộng đồng nhưng không thuộc về lĩnh vực hoặc chủ đề mà họ muốn vì phụ thuộc vào loại công việc mà công ty nhận được. Nhưng nếu họ làm đủ lâu và có nhiều kinh nghiệm về một lĩnh vực cụ thể, thì họ sẽ được sắp xếp làm những công việc liên quan đến lĩnh vực đó nhiều hơn. Khi làm cho công ty, đôi khi phiên dịch viên cảm thấy họ không đủ khả năng để tham gia dịch một tình huống nhất định nhưng công ty buộc phải nhận công việc. Trong trường hợp này, điều quan trọng là các phiên dịch viên phải nói rõ ràng sự lo ngại của mình với công ty đồng thời cũng cần xem xét quan điểm từ vị trí người tuyển dụng mình. Không phải lúc nào họ cũng may mắn được công ty hiểu và cho phép sắp xếp một người khác thay thế hoặc thuê một phiên dịch viên tự do để làm công việc này.

Phiên dịch viên làm việc cho các cơ sở giáo dục sẽ làm việc từ bậc mầm non đến lớp 12 tại các trường tiểu học và trung học, và bậc cao đẳng hoặc đại học (trên trung học). Các phiên dịch viên làm việc trong chương trình lớp12 thường sẽ chỉ làm việc với 1 học sinh điếc duy nhất và thường cũng là phiên dịch viên duy nhất của trường đó. Tuy nhiên, cũng có những chương trình lớp 12 có một nhóm học sinh điếc và họ tuyển dụng nhiều hơn 1 phiên dịch viên để đáp ứng nhu cầu của chương trình. Tuỳ thuộc số lượng học sinh điếc trong một lớp và quy mô cũng như cấu trúc chương trình mà số lượng phiên dịch viên được tuyển dụng có thể thay đổi. Mặc dù mỗi lớp thường chỉ có một PDV, nhưng với số lượng nhiều hơn một PDV làm việc trong một trường, họ sẽ có cơ hội làm việc theo nhóm, thêm lợi thế là có đồng nghiệp để tham vấn và giao lưu. Một vài trường dành riêng cho người điếc tự tuyển dụng phiên dịch viên (để tìm hiểu thêm về môi trường làm việc giáo dục, tìm đọc của Conrad và Stegena cũng trong cuốn này).

Ở các bậc trên trung học thường cũng tuyển dụng nhiều hơn 1 phiên dịch viên hoặc phụ thuộc vào số học sinh Điếc nhập học hoặc một số lý do khác. Phiên dịch viên được thuê theo kiểu bán thời gian hoặc theo hợp đồng và vẫn làm những công việc cộng đồng khác. Làm việc cho những trung tâm thế này có lợi thế có các đồng nghiệp để tham vấn, trao đổi và được làm việc theo nhóm. Các bậc học này thường có quy mô lớn và có rất nhiều chương trình khác nhau, vì vậy ở trường cao đẳng hay đại học thường có văn phòng để sắp xếp thời khóa biểu và các hoạt động cho phiên dịch viên. Văn phòng này cũng là nơi cung cấp thông tin cho phiên dịch viên, trang bị và lưu trữ sách và tài liệu cần thiết cho PDV trong quá trình làm việc.

Các công ty cung cấp dịch vụ phiên dịch có quy mô nhiều hơn một PDV cũng giúp các PDV làm việc ở đây có được lợi thế làm việc cùng với các đồng nghiệp. Các công ty này cung cấp nhiều loại dịch vụ cho khách hàng Điếc, ví dụ như dịch vụ tư vấn và việc làm. Canadian Hearing Society (CHS) ở Ontario là tổ chức lớn nhất thuộc loại này tại Canada, và ở các khu vực khác đều có những tổ chức thế này. Deaf and Hard of Hearing Services (DHHS) ở Calgary, Alberta, và Saskatchewan Deaf and Hard of Hearing Services với văn phòng ở Saskatoon và Regina là hai ví dụ. Với tính chất của dịch vụ các công ty này cung cấp, bối cảnh làm việc sẽ là giao tiếp giữa nhân viên công ty và khách hàng Điếc, hoặc giữa các khách hàng này và những người họ gặp tại nơi khác như các buổi phỏng vấn tuyển dụng, các buổi làm việc về dịch vụ xã hội… Các phiên dịch viên thuộc công ty sẽ phiên dịch cho các tình huống làm việc này cũng như phiên dịch tại các sự kiện lớn hơn tại cộng đồng. The Western Institute for the Deaf and Hard of Hearing, có trụ sở tại Vancouver, British Columbia chuyên cung cấp phiên dịch viên cho các vấn đề về y tế. E-Quality Communication Centre of Excellence (ECCOE) chuyên cung cấp phiên dịch làm việc tại cộng đồng.

Ngoài các cơ sở giáo dục và cơ quan phiên dịch, cũng có các công ty có khả năng tuyển dụng riêng PDV của mình. Tuy nhiên đa số thuê phiên dịch theo hình thức hợp đồng theo sự vụ. Tùy từng trường hợp, họ sẽ kí hợp đồng với thông qua các cơ quan phiên dịch hoặc trực tiếp với phiên dịch viên tự do.

Dù là phiên dịch viên tự do, làm việc cho công ty, hay kết hợp cả hai, và trong môi trường nào thì những lựa chọn đó đều tùy theo chính sở thích của họ cũng như phù hợp hoàn cảnh tại thời điểm đó. Họ có thể tạm thời làm bán thời gian trong lúc chờ cơ hội công việc phù hợp hơn với mình. Một trong những lợi ích khi làm phiên dịch viên là với nhiều lựa chọn như vậy, họ có thể thay đổi nhiều loại công việc khác nhau trong quá trình công tác của mình, theo từng thời điểm và tình cảnh cho phép.

Những kỳ vọng đối với một phiên dịch viên chuyên nghiệp

Phiên dịch viên NNKH là một nghề cung cấp dịch vụ. Và cũng như với những ngành nghề khác như luật sư hay bác sĩ, khách hàng luôn có một sự kỳ vọng nhất định về chất lượng dịch vụ. Là những người được đào tạo chuyên nghiệp, phiên dịch viên hiểu rằng chính những hành vi về đạo đức của họ chính là nền tảng cho công việc và tính chuyên nghiệp. Cả khách hàng người Điếc và người nói đều có mong đợi nhất định về khả năng dịch thuật, tính chuyên nghiệp và đạo đức của mỗi phiên dịch viên. Thể hiện được tính chuyên nghiệp khi làm việc sẽ khiến khách hàng được tập trung hơn vào cuộc đối thoại của mình, không bị phân tâm một cách không cần thiết vào phiên dịch viên. PDV cần luôn luôn duy trì tính chuyên nghiệp của mình để có được sự tin tưởng  của khách hàng, những người phụ thuộc vào năng lực và chất lượng phiên dịch. Cũng như vậy, PDV cần nhớ rằng họ có trách nhiệm với tất cả các bên tham gia giao tiếp và đảm bảo thái độ tôn trọng với tất cả các khách hàng.

Tính chuyên nghiệp của phiên dịch viên sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy thoải mái và giao tiếp một cách tự tin hơn. Tính chuyên nghiệp được đánh giá trên kĩ năng dịch thuật, cách cư xử và đạo đức và nó có lợi cho cả phiên dịch viên và khách hàng. Khách hàng có thể tự tin giao tiếp khi có 1 phiên dịch viên họ tin tưởng được, và phiên dịch viên sẽ tạo được uy tín có lợi cho công việc sau này của mình. Hơn nữa, khi là thành viên của một tổ chức chuyên nghiệp như Hiệp hội các PDV ngôn ngữ hình ảnh Canada (ALVIC), PDV cho khách hàng cơ hội thể hiện sự không hài lòng với chất lượng dịch vụ (nếu có) một cách chính thức, phiên dịch viên có thể thể hiện sự khiêm nhường một cách chuyên nghiệp bằng cách cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp nhất của mình và hệ thống kiểm tra chất lượng. Các thành viên ALVIC thống nhất tuân thủ theo Quy tắc đạo đức và Hướng dẫn ứng xử chuyên nghiệp của tổ chức và tuân theo một quy định về ‘Quy trình giải quyết bất hoà’. Phiên dịch viên của ALVIC hiểu rằng sự chuyên nghiệp của họ là phản ánh lên cả cộng đồng phiên dịch, và vì vậy nhận trách nhiệm đại diện cho cộng đồng phiên dịch viên NNKH.

Phiên dịch viên làm việc theo nhóm

Thông thường các phiên dịch viên luôn làm viêc một mình, nhưng đôi khi cũng có trường hợp họ làm việc theo nhóm. Họ có thể là thành viên của 2 loại nhóm sau: nhóm dịch thuật hoặc là nhóm liên ngành. Một nhóm dịch thuật gồm từ 2 phiên dịch viên trở lên thường được thành lập để phục vụ một hội thảo hoặc tập huấn diễn ra trong thời gian kéo dài. Nhóm này có thể bao gồm cả phiên dịch viên NNKH-ngôn ngữ nói, kết hợp PDV người điếc và PDV người nói, và trong các sự kiện cấp quốc gia ở một nước song ngữ Canada sẽ cần có phiên dịch viên NNKH Mỹ- tiếng Anh và NNKH Quebec – tiếng Pháp. Ngoài việc phải làm việc trong một khoảng thời gian dài, một nhóm PDV chuyên nghiệp sẽ phải làm việc trong rất nhiều tình huống bởi sự phức tạp của các cuộc hội thoại, mật độ thông tin dày đặc hoặc tính nhạy cảm của nội dung. Từng thành viên sẽ dịch luân phiên, những người trong thời gian tạm nghỉ sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ, tìm kiếm tài liệu hoặc những thông tin liên quan đến những gì đang được bàn bạc. Làm việc theo nhóm như vậy sẽ tránh được sự mệt mỏi mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy các nhóm như vậy không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc theo dõi quá trình giao tiếp, phối hợp ăn ý và hỗ trợ hiệu quả (Russel 2002, cùng sách này). Một nhóm giỏi và tận tâm phải bảo đảm chất lượng bản dịch chính xác và quá trình giao tiếp được hỗ trợ thuận lợi.

Loại nhóm làm việc thứ hai là PDV làm việc trong một nhóm liên ngành, bao gồm nhiều người từ nhiều ngành nghề khác nhau với mục đích để tư vấn hoặc thảo luận về một vấn đề. Hai ví dụ về nhóm liên ngành thế này là ở chương trình giáo dục K-12 và trường hợp điều trị sức khoẻ tâm thần. Trong môi trường giáo dục, nhóm này sẽ có nhiệm vụ theo dõi quá trình học tập của học sinh điếc và lập ra IEP (Kế hoạch học tập cá nhân). Lý tưởng nhất là nên có một người Điếc có hiểu biết rộng trong thành phần các nhóm liên ngành để tư vấn về mặt ngôn ngữ và văn hóa, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra điều này. Nếu phiên dịch viên là người duy nhất trong nhóm có kiến thức về các vấn đề song ngữ và hai loại văn hóa ảnh hưởng đến quá trình tương tác, cô/anh ấy phải sẵn sàng để có ý kiến về việc vấn đề nên được giải quyết thế nào cũng như cung cấp thông tin về các nguồn lực bên ngoài. Điều này có nghĩa cô ấy phải có đầy đủ kĩ năng và kiến thức để hiểu chuyện gì đang diễn ra trong cuộc hội thoại liên quan đến vấn đề giao tiếp, có khả năng truyền tải các vấn đề đó cho các thành viên trong nhóm, có kiến thức về các nguồn lực bên ngoài, và tư cách chuyên nghiệp để duy trì giới hạn vai trò là phiên dịch của mình. Những thành viên của nhóm thường cũng chính là khách hàng của phiên dịch viên trong bối cảnh đó.

Trong trường hợp nhóm làm về điều trị tâm lý, phiên dịch viên sẽ làm việc sát cánh với trung tâm điều trị tâm lý để bảo đảm rằng họ nắm được các vấn đề ngôn ngữ hoặc văn hóa có thể ảnh hưởng đến quá trình tương tác trị liệu hoặc đến chất lượng dịch của PDV cho các khách hàng, bệnh nhân và các thành viên khác trong nhóm. Một lần nữa, phiên dịch viên cần phải hiểu rõ giới hạn vai trò của mình trong nhóm làm việc cũng như nghĩa vụ của mình với khách hàng.

Những kĩ năng của phiên dịch viên

Phiên dịch viên phải có kỹ năng song ngữ xuất sắc và có hiểu biết về hai nền văn hóa khi họ thực hiện công việc đòi hỏi thông tin được truyền đạt qua giữa hai ngôn ngữ và hai văn hóa khác nhau, đặc biệt là công việc thường phức tạp là diễn ra với tốc độ cao. Tuy nhiên đó không là những kĩ năng duy nhất cần phải có, mà một PDV còn cần nhiều các kỹ năng bổ sung khác mới có thể thành công. PDV thường xuyên phải làm việc với rất nhiều người nên cần có khả năng giao thiệp tốt; Họ vừa là người đáng mến vừa phải chuyên nghiệp. Họ cần có khả năng thương lượng với khách hàng trong các trường hợp cần tiếp cận với các tài liệu không phổ biến công khai, hoặc thương lượng vị trí phù hợp nhất trong bối cảnh địa điểm. Họ cũng cần phải nhanh chóng xác định được các mối quan hệ, ví dụ các bên tham gia quan hệ với nhau thế nào, một mẩu thông tin nhỏ liên hệ thế nào với cả chủ đề lớn, và từng yếu tố đó liên quan thế nào tới cuộc đối thoại. Họ phải dự đoán được những tình huống có thể gây ảnh hưởng đến cuộc đối thoại và quan hệ giữa những người liên quan. Họ còn phải có tư duy logic tốt, khả năng xử lí vấn đề nhanh nhạy, cho phép họ chọn lọc từ hoặc cấu trúc câu một cách thông minh. Khả năng tư duy logic cùng với nhận biết mối quan hệ sẽ giúp họ phán đoán chính xác những gì có thể xảy ra, đồng thời đưa ra cách xử lí phù hợp trong khi phiên dịch. Đây cũng mới chỉ là một trong số những kĩ năng cần thiết. Để tìm hiểu thêm có thể xem thêm Frishberg (1990), Solow (2000), và Seal (1998) về riêng chủ đề môi trường giáo dục.

Những kĩ năng trên sẽ được lĩnh hội và phát triển trước hết khi tham gia vào khóa đào tạo phiên dịch viên, và bằng cách luyện tập tích cực hằng ngày trong công việc sau khi tốt nghiệp. Đó là một quá trình gồm 8 bước sẽ được nói đến trong Phần 8 dưới đây. Bằng cách thực hiện những bước này, một số trong đó lặp lại theo chu kì, họ sẽ dần dần nâng các cao hiểu biết ngoài lĩnh vực ngôn ngữ (Gile 1995), khả năng ngôn ngữ, khả năng  phán đoán những gì sẽ diễn ra trong đối thoại, và mài dũa tính chuyên nghiệp. Trong quá trình làm việc các PDV sẽ có cơ hội thực hiện những bước này rất nhiều lần.

Đánh giá nội dung 1:

  1. Hãy phân tích những đặc điểm công việc phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu ở Việt Nam
  2. Hãy phân tích các yếu tố tác động đến khác biệt giữa phiên dịch viên hỗ trợ trẻ điếc trước tuổi đến trường với các nhóm cộng đồng người điếc ở Việt Nam.

Kiến thức chung về giáo dục trẻ điếc